Nhập Tạng (Kỳ 2) - Tây Tạng (Trung Quốc) hẳn nhiên là bí ẩn. Mỗi người sẽ cảm nhận một Tây Tạng theo cách khác nhau và rõ ràng là chẳng có cái nào giống cái nào. Tôi có một chị bạn, đã đi Tây Tạng tới 5 lần. Chị ấy mê mẩn những cuộc hành hương quanh Kailash - ngọn núi thiêng phủ tuyết ở Tây Tạng, đọc các loại sách Phật pháp và thích sưu tầm Pháp bảo. Cho dù, với những khó khăn đặc biệt, chi phí cho mỗi chuyến Tây Tạng không hề rẻ.
Nguồn: Báo điện tử Nhân dân
Tây Tạng (Trung Quốc) hẳn nhiên là bí ẩn. Mỗi người sẽ cảm nhận một Tây Tạng theo cách khác nhau và rõ ràng là chẳng có cái nào giống cái nào. Tôi có một chị bạn, đã đi Tây Tạng tới 5 lần. Chị ấy mê mẩn những cuộc hành hương quanh Kailash - ngọn núi thiêng phủ tuyết ở Tây Tạng, đọc các loại sách Phật pháp và thích sưu tầm Pháp bảo. Cho dù, với những khó khăn đặc biệt, chi phí cho mỗi chuyến Tây Tạng không hề rẻ.
Từ Văn Thành tới Hàn Hồng
Hôm tới Lhasa, buổi tối đầu tiên, chúng tôi đi xem vở diễn thực cảnh “Văn Thành công chúa”. Đó là một trong những vở thực cảnh đầu tiên trong hệ thống các vở thực cảnh mà đạo diễn Trương Nghệ Mưu gây dựng. Sau những thành công của Ấn tượng Lệ Giang, Ấn tượng Tây Hồ, Văn Thành công chúa là một tác phẩm không chỉ để cho khách du lịch, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật gây choáng ngợp.
Khu biểu diễn nhìn thẳng ra cung Potala, trung tâm của Lhasa, trái tim Tây Tạng. Tương truyền rằng, Tùng Tán Can Bố đã xây dựng cung điện này để tặng cho Văn Thành. Họ Trương làm nghệ thuật độ hơn chục năm trở lại đây có thể gây tranh cãi, nhưng mức độ hoành tráng và mỹ thuật thì ít ai chê được.
Show diễn ngoài xây dựng nền 3D với cung Potala như thật, còn sử dụng luôn cả nền là những ngọn núi mờ ảo trong ánh hoàng hôn đằng sau. Người ta đã tính toán cả thời gian trời tối, đến hiệu ứng thị giác đạt tốt nhất. Màn hình và lời dẫn có 3 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Tây Tạng và tiếng phổ thông Trung Quốc.
Nếu không phải đã đến Đại Chiêu Tự, đến Potala, nhìn thấy những bức tượng Tùng Tán Can Bố với hai người vợ hôn nhân ngoại giao là Văn Thành và Bhrikuti Devi (công chúa người Nepal), thì hẳn tôi đã chỉ biết tới Văn Thành.
Trong tín ngưỡng của người Tây Tạng, Bhrikuti Devi - người vợ đầu tiên của Tùng Tán Can Bố - được xem là hóa thân của Đa La Bồ Tát Lục Độ Mẫu. Có một vài tài liệu cho thấy, bà đã có công lớn trong việc mang nhiều hình tượng Phật giáo Nepal vào Tây Tạng, cũng như đã tác nhiều bức tượng Phật giáo nổi tiếng tại Lhasa. Dấu ấn của bà chính là chùa Đại Chiêu, ngôi chùa linh thiêng nhất Tây Tạng.
Trong khi đó, Văn Thành công chúa của Đông Thổ Đại Đường được người Tạng coi là hóa thân của Đa La Bồ Tát Bạch Độ Mẫu, người đã mang Phật giáo Trung Hoa du nhập vào Thổ Phồn, cũng như tạo mối giao thương mật thiết giữa Thổ Phồn và Đại Đường. Nói cách khác, Văn Thành công chúa giống như một sứ giả làm cầu nối đem hình ảnh Đế quốc Thổ Phồn bước chân ra khỏi dãy núi lớn, tiến ra thế giới.
Đó là chuyện ngày xưa. Còn hình dung đầu tiên của tôi khi về Tây Tạng là khi nói chuyện với nhóm người Tạng ở Công viên dân tộc Trung Hoa tại Bắc Kinh. Họ thuộc một đoàn ca múa nhạc và có các show biểu diễn thường xuyên, có thu nhập đều. Họ được mời tới thủ đô Bắc Kinh, ở lại trong làng Tạng giữa Bắc Kinh, mỗi ngày biểu diễn, hát những câu hát cao nguyên và họ nói: “Ở đây không thể như ở Tây Tạng đâu”.
Tây Tạng huyền bí là khi đọc Mật mã Tây Tạng, với tưởng tượng về những anh chàng lừng lững như Trác Mộc Cường Ba. Tây Tạng bí ẩn là hành trình qua 13 ngọn núi thiêng trong Thiên táng của Hân Nhiên. Đâu đó tôi gặp những người Tạng ở các khu vực ngoài Trung Quốc, họ từ tốn, chậm rãi và hầu như chỉ nói chuyện bằng tiếng Anh.
Tôi vẫn cứ tưởng tượng về Tây Tạng, kể cả khi đứng ngay ở Tùng Phan - mảnh đất mà Văn Thành công chúa bắt đầu nhập Tạng và khi nghe ông Lun kể chuyện, về những thăng trầm khiến ông từ một kẻ du mục dư dả trở thành ông chủ tiệm tạp hóa chỉ vừa đủ ăn, phải rời làng Tạng để bước chân vào thành cổ làm du lịch.
Và cả khi nghe những câu hát như vang lên từ những đỉnh núi của Hàn Hồng. Ở Trung Quốc, cô ca sĩ đến từ Shigatse Hàn Hồng nổi lên như một trường hợp lạ: Dáng người tròn trịa, nhưng giọng ca như rút ruột, có thể cân được cả nốt cao lẫn nốt thấp một cách tài tình. “Quê hương”, hit đầu tiên của Hàn Hồng được sáng tác khi cô mới ngoài 20 tuổi, những năm 2003-2010 phủ sóng khắp các hang cùng, ngõ hẻm Trung Quốc:
“Quê tôi ở Shigatse, Nơi có một dòng sông tuyệt đẹp... Mây bay bay trên bầu trời xanh Sóng trong veo dưới dòng sông xinh Hùng ưng sải cánh bay nhanh Bài ca lay động còn vang mãi”.
Ca khúc giành hàng chục giải thưởng lớn nhỏ. Nó được hát cả bằng tiếng phổ thông và tiếng Tạng. Hàn Hồng khi đó, được người Trung Quốc coi là tấm danh thiếp hiện đại để những người phía ngoài cao nguyên Thanh Tạng biết đến vùng đất đẹp đẽ mà bí ẩn ấy. Cuối cùng, với từng ấy tưởng tượng, khi đặt chân đến Tạng, tôi vẫn thấy như một thế giới khác. Cái mà tôi nhớ, là những gương mặt lặng lẽ, làn da sạm đặc trưng ở vùng đất toàn gió và cát này.
Với “Thiên lộ”, Nhà ga số 3, những con đường cao tốc thẳng tới Lhasa, Tây Tạng đã thật sự thay đổi. Thập niên 60, Trung Quốc có chính sách khuyến khích người dân lên Tây Tạng lập nghiệp. Lhasa và cả thành phố lớn thứ 2 là Shigatse giờ đều có đông người Hán.
Tạng y xen cao ốc
Đúng là đi dạo những chợ người Tạng, chỉ cần xa khu vực mấy điểm du lịch như cung Potala hay chùa Đại Chiêu, thì thấy rằng, nếu không phải người bán nói tiếng Tạng thì cũng không khác mấy những khu chợ Bắc Kinh, Thượng Hải. Điều khiến tôi ố á, chắc là vì một vài thực phẩm có những kích thước khá bất thường.
“Quả ớt Tây Tạng to như một quả mướp, cà tím bằng bắp cải, củ gừng to bằng củ khoai tây, cần to như quả dưa hấu hoặc cải bắp thì lại chỉ to như quả cà tím”, cô bạn đi cùng tổng kết. Hẳn thời tiết khắc nghiệt của Tây Tạng, đã tạo ra những sản phẩm lạ kỳ đó.
Ngày đầu tiên tới Tây Tạng, tôi bày tỏ với Pubur - hướng dẫn viên của tôi - rằng muốn ăn một bữa cơm bản địa. Người hướng dẫn viên gần 60 tuổi, dắt chúng tôi đi rất lâu, qua rất nhiều ngóc ngách, mới tới một nhà hàng nhỏ. Bữa ăn khá ngon miệng. Nhưng quả thật, món gia vị kia, món rau cải chao xì dầu kia, món thịt viên tứ hỉ kia, tôi đều đã gặp đâu đó ở các nhà hàng đã qua. Có lẽ thế giới quá phẳng, người Tạng cũng đã thay đổi.
Lhasa, tiếng Tạng kia nghĩa vùng đất Phật, độ cao 3.656 m so mực nước biển, hiện đang là một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc. Xe ô-tô đời mới đầy đường, những con đường từ thành phố đi các ngả thẳng tắp, các cửa hàng, cửa hiệu không thiếu một thương hiệu nào. Quê Pubur ở cách Lhasa chỉ chừng hơn 30 km, đó là một khoảng cách quá nhỏ với đường sá ở đây.
60 tuổi, ông vẫn đang phải kiếm tiền cho một gia đình với người vợ nội trợ và 2 đứa con, đứa nhỏ 9 tuổi, đứa lớn 15 tuổi. Phụ nữ vùng Thanh Tạng lấy chồng không cần đi làm, đấy có vẻ là quan niệm của những người đàn ông ở đây. Diệp Thi, anh tài xế ngoài 30 cũng tán đồng. Thế nên gánh nặng kinh tế với đàn ông, hẳn cũng thêm một vài phần. Chục năm trước, Pubur làm tài xế, lái xe chở khách qua những cung đường cao nguyên Thanh Tạng.
Nhưng đó không phải là công việc thích hợp cho một người cao tuổi, việc làm hướng dẫn viên có vẻ hợp lý hơn. Là người Tạng chính gốc, Pubur không bị chứng sốc độ cao. Nhưng ông cũng chưa bao giờ “hạ sơn” đúng nghĩa. Dù đã đi mòn cả cao nguyên Thanh Tạng, ông chưa từng lên máy bay để xem thế giới ở bên dưới thấp kia có gì.
Lúc chuẩn bị rời Lhasa cho hành trình gần 20 ngày rong ruổi, vợ ông mang cho ông một bình trà nóng, cùng vài thứ đồ lỉnh kỉnh. Hành lý của ông chỉ có một chiếc balo nhỏ. Mỗi tháng ông sẽ vắng nhà 20-25 ngày. Thu nhập từ nghề hướng dẫn viên trong những mùa đón khách không tệ, thậm chí nói không ngoa, đó có thể là công việc ăn lương kiếm tiền khá khẩm nhất nhì Lhasa với người Tạng.
Có điều, trừ đi các chi phí ở thành phố đắt đỏ, trong đó có tới 9.000 tệ (hơn 30 triệu đồng tiền Việt) để thuê một căn nhà ở trung tâm, vợ chồng ông cũng không có mấy tiền để dành. “Đấy là lý do tôi lấy vợ muộn”, Pubur bảo. Với đặc trưng thời tiết, Tây Tạng hầu như chỉ đón khách từ tháng 4 tới tháng 10, nửa năm còn lại, cả vùng cao nguyên Thanh Tạng chìm trong tuyết và những người như Pubur hay Diệp Thi đều chỉ nằm nhà, không có thu nhập gì đáng kể. Ở giữa những tòa cao ốc, Pubur vẫn đang mơ ước một căn nhà cho riêng mình.
(Còn nữa)Nguồn: Báo điện tử Nhân dân
Bình luận (0)