Nữ cư sĩ Visakha - Bà chính là người nữ cư sĩ đầu tiên luôn nghĩ đến chúng tăng ở độ tuổi rất trẻ, đặc biệt đó là sự quan tâm đến Tỳ Kheo ni. Có lẽ, sự quan tâm về nữ giới trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ như là việc hiếm hoi, mà Visākhā là con gái nên hiểu được tâm tư cũng như sự cần giúp đỡ.

Thích nữ An Hưng Thạc sĩ Phật học khóa VI, Học viện PGVN tại TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

Dẫn nhập: Phật giáo tồn tại và phát triển hay không là một phần nhờ vào những vị cư sĩ hộ pháp đắc lực. Với tín tâm và sự phát nguyện nên họ đã hết lòng vì đạo pháp. Tuy hình tướng cư sĩ, nhưng tâm đã vào trong đạo, học pháp, hành pháp và chứng ngộ pháp. Đệ tử Thế Tôn không chỉ các bậc tu sĩ mà có nhiều vị nam nữ cư sĩ tu hành giữa đời thường, đạt được sự giác ngộ một trong bốn thánh quả khác nhau.

Các vị ấy có sự đóng góp cho Phật giáo từ nhiều khía cạnh để giúp cho Phật giáo ngày càng phát triển. Trong số đó có nữ cư sĩ Visakha, là người giác ngộ từ nhỏ, lớn lên lại là người hộ trì, đóng góp cho Phật giáo rất nhiều về mọi mặt.

Visakha là đại diện mẫu hình lý tưởng của người nữ cư sĩ, không những thời Phật tại thế, mà còn là tấm gương sáng cho đàn hậu học ngày nay noi theo. Bà là người đầy đủ tài đức vẹn toàn, lại có sự thông minh khéo léo. Nhưng trong lịch sử về nhân vật Visakha cho đến ngày nay đã để lại nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chứa đựng trong đó những bất đồng ẩn khuất, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết sẽ trình bày với đề tài: “NỮ CƯ SĨ VISAKHA VỊ HỘ PHÁP ĐẮC LỰC THỜI ĐỨC PHẬT”, với các phần:

1. Sơ lượt về cuộc đời bà Visakha; 2. Nhân duyên để bà trở thành người hộ pháp đắc lực; 3. Người cư sĩ chuẩn mực trong Phật giáo. Qua đó, giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn một cách chính xác về nhân vật này, tránh những định kiến sai lầm về cuộc đời cũng như hạnh nguyện của bà Visakha.

Từ khóa: Nữ cư sĩ, hộ pháp, cư sĩ VISAKHA

1. Sơ lược về cuộc đời bà Visakha

Nhắc đến những vị hộ pháp cho Phật giáo mãi trường tồn và phát triển chúng ta không thể không nhắc đến những vị đại thí chủ như: Anathapindika, Visākhā, Asoka, Ambapālī, .... Trong số đó có bà Visākhā là người được đầy đủ phước duyên, gặp đức Thế Tôn và giác ngộ lúc còn rất trẻ. Với tâm thành kính thiết tha, cùng với đức hạnh vốn sẵn có được tích tụ nhiều đời nên vừa gặp Phật Visākhāđã nhậpvàodòng thánh Sơ quả.

Và nhân duyên để đức Phật độ nữ thí chủ này như sau: Tương truyền rằng, trong khi đi vân du trong xứ Anguttara, đức Thế Tôn quán thấy “Ông Trưởng giả Mendaka cùng vợ là Candapadumā (Nguyệt Liên), con trai Dhanañjaya (Tài Thắng), người dâu Sumanadevī (Tố Tâm Nương Tử), cô cháu gái Visākhā (Thiện Chi) và người đầy tớ Punna (Viên Mãn), tất cả đều có duyên lành với Thánh Quả Tu Đà Hườn”(1). Nên Ngài ngự đến thành Bhaddiya, an cư trong rừng Jātiyā để giáo hóa Visākhā.

Visākhā hay còn gọi là Tỳ Xá Khư, được sinh ra trong một gia đình triệu phú Dhanañjaya (Đạt Nan Xà Dạ) ở trong thành Bhaddiya, thuộc vương quốc Anga. Cha là chưởng khố Dhanañjaya, con của chưởng khố Ram, và mẹ là Sumanaa Devii chính thất, là cháu gái của nhà triệu phú Mendaka ở Ương Già. Ông là người thường gần gũi và hay trò chuyện cùng cháu gái yêu quý của mình.

Tuy còn nhỏ, nhưng Visākhā rất thông minh và lanh lợi. Có lần nàng kể cho ông nghe rằng mình thương cảm đóa hoa phù dung mỗi khi bị rơi rụng, đem xác hoa ấy vào trong lọ để nuôi dưỡng thương yêu chăm sóc nhưng hoa vẫn không sống lại. Ông nghe xong giật mình, bởi cháu còn nhỏ tuổi mà đã có lòng bi mẫn, biết nghĩ đến người khác kể cả cỏ cây hoa lá. Điều đó làm ông liên tưởng đến Thế Tôn, Ngài cũng có lòng bi mẫn để thương tất cả chúng sinh như con vậy.

Nhân duyên hội đủ, một hôm đức Phật và nhiều đệ tử đã viếng thăm xứ sở có triệu phú Mendaka, là ông của Visākhā. Khi ấy, triệu phú đã cho cô cùng các bạn với những cỗ xe làm phương tiện đưa họ đi. Là người biết việc gì cần làm và việc gì không cần làm, nên khi nhìn thấy đức Phật từ xa, nàng cho xe dừng lại, rồi đi bộ đến gần để đảnh lễ Thế Tôn.

Với thái độ cung kính và tư cách nho nhã của cô bé đã làm cho đức Phật biết rằng tuy còn nhỏ tuổi nhưng cô bé có khả năng lãnh hội giáo pháp, nên Ngài đã thuyết cho cô nghe một thời pháp hợp với căn cơ, trình độ: “Bài pháp chấm dứt, cô bé Visākhā chứng quả thánh Nhập Lưu”(2).

Sau đó, ông đại triệu phú Mendaka thường thỉnh mời đức Phật và tăng chúng hằng ngày đến nhà của ông ta để thọ thực. Trong suốt hai tuần lễ, ông triệu phú đã dâng cúng thực phẩm đủ loại, có cứng có mềm, phù hợp với tăng đoàn của Thế Tôn trong niềm hoan hỷ và hạnh phúc vô bờ.

Đến tuổi trưởng thành, cô là một thiếu nữ xinh đẹp mà thế gian khó ai sánh được. Một hôm, vào ngày lễ, Visākhā cùng các tỳ nữ gia nhân ra bờ sông, chợt phong ba nổi lên, cơn mưa từ đâu kéo đến, mọi người đều nhanh chân hối hả tìm chỗ trú mưa, nhưng riêng về Visākhā, nàng không vội vàng mà từ từ khoan thai cất bước. Chính dáng vẻ yêu kiềm diễm lệ cũng như nết hạnh đoan trang nho nhã của cô mà khiến sự tò mò của nhiều vị khách cũng đang có mặt ở đó.

Visākhā là con nhà trâm anh lại là người có đầy đủ năm đẹp về tóc láng mượt như đuôi công, môi đỏ hồng tự nhiên như trái chín đây là vẻ đẹp của thịt, răng trắng như ngà, khít khao đều đặn và sáng ngời như hai hàng ngọc, là vẻ đẹp của xương, da mịn màng như cánh sen và tuổi già mà vóc dáng vẫn xinh đẹp như thời son trẻ. Visākhā là mẫu người phụ nữ có vẻ đẹp toàn vẹn. Không những thế, nàng rất thông minh, trí tuệ hơn người, vừa thông suốt việc thế gian, vừa thông minh trong đạo pháp nên đã cư xử rất khéo léo trong cuộc sống.

Khi ấy ở kinh đô Xá Vệ, có ông trưởng giả triệu phú Mrgara - Migara (Di Già La) đang nôn nóng kiếm cho con trai mình một cô vợ thật môn đăng hộ đối. Nhưng thực tế, con trai ông hoàn toàn không muốn lấy vợ, không thể từ chối lời đề nghị của gia đình nên chàng đưa ra yêu cầu khi nào tìm được người con gái có đầy đủ năm vẻ đẹp về tóc, da, xương, thịt và tuổi trẻ thì đồng ý cưới. Bởi chàng nghĩ làm gì có người con gái nào đầy đủ các yếu tố trên.

Nhưng duyên đã định, triệu phú Di Già La liền nhờ các vị Bà-la-môn tìm giúp người con gái như vậy. Điều kiện nghe qua như hy hữu, nên mãi tìm kiếm vẫn chưa gặp được. Và rồi, duyên nhiều đời đã kết, Visākhā chính là cô gái hội đủ các yếu tố trên.

Vì vậy, sau khi họ nhìn thấy một cô gái vừa xinh đẹp lại dịu dàng đức hạnh. Dù trời mưa nhưng nàng vẫn khoan thai bước đi nhẹ nhàng vào trú mưa, nên họ bèn đến gần và hỏi nàng tại sao không nhanh chân trú mưa, bởi siêm y đã ướt sũng, cô không sợ bị ướt sao? Nàng nhẹ nhàng nói rằng: ‘Y áo ướt tôi có thể thay, nhưng phẩm hạnh mất rồi lấy gì để thay thế’!. Các vị Bà-la-môn ngỡ ngàng trước câu hỏi vừa gọn gàng lại ý tứ, điều đó cho thấy kiến thức và phẩm hạnh của nàng hơn hẳn người bình thường.

Lại thấy cô có đầy đủ các yếu tố mà mình đang tìm kiếm cho con trai ông trưởng giả, vì vậy họ tặng nàng vòng hoa bằng ngọc ngà châu báu và nói nàng biết về lý do để chọn nàng làm dâu cho triệu phú Di Già La. Nàng đồng ý đi theo phái đoàn, và như vậy đám cưới diễn ra.

Một nhân vật đặc biệt nên đám cưới càng đặc biệt hơn. Đám cưới kéo dài bốn tháng và được tổ chức thật linh đình, dưới sự chứng kiến của vua Ba Tư Nặc. Đám rước dâu tiến vào thủ đô một cách uy nghi, trang trọng. Trưởng giả Di Già La đích thân đi rước con dâu về. Trước khi về nhà chồng, cha nàng đã dạy rất kỹ lưỡng về cách ăn ở hợp thời để không mích lòng nhà chồng. Ông còn cho rất nhiều của hồi môn cũng như người hầu theo gánh vác công việc.

Bên cạnh đó, còn lập một hội đồng gia tộc để xét xử những lỗi lầm. Đây cũng là cách để ông bảo vệ con gái không bị gia đình bên chồng ăn hiếp. Đúng là một người cha thương yêu và tâm lý, chăm sóc con kể cả khi con đã rời xa mình.

Lễ cưới diễn ra với nhiều quà mừng quan khách, nàng lần lược đem phân phát cho bà con bên đường, chỉ để lại những gì cần thiết, vì thế người dân nơi đây rất quý mến đức hạnh của nàng. Visākhā cũng được những người bên nhà chồng tỏ lòng quí trọng.

Với một người tài đức vẹn toàn, khả năng thành tựu trí tuệ, là người có thể tự mình đoạn diệt khổ đau được đức Phật nói trong kinh như sau: “Này Visākhā, nữ nhân có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sinh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến chân chính đoạn diệt khổ đau. Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân đầy đủ trí tuệ”(3). Điều này thể hiện sự bình đẳng trong sự tu tập chuyển hóa khổ đau nhờ khai mở trí tuệ. Bởi vậy, Visākhā đã sống những ngày đầu của cuộc sống mới vô cùng êm đềm và hạnh phúc.

Cuộc đời bà như một bức tranh, vẽ lên những hình ảnh đẹp nhất giữa cuộc đời trần thế, sống hạnh phúc cùng con cháu đến cuối đời: “Trong số những nữ cư sĩ đã Giác Ngộ, người nổi tiếng nhất là bà Visākhā. Bà đắc quả Tu Đà Hoàn lúc bảy tuổi và ở tầng thánh này cho đến khi chết. Bà sống được một trăm hai mươi tuổi”(4). Bà thọ hưởng mọi thứ dục lạc trên thế gian nhưng vẫn không để tâm mình vướng bận và quên đi ước nguyện phụng sự Tam-bảo đem lại lợi lạc cho đời này và đời sau.

2. Nhân duyên để bà trở thành người hộ pháp đắc lực

Sau nhiều lần nghe Pháp của Thế Tôn, vì đã chứng sơ quả nên Bà luôn có tâm dõng mãnh, tin Phật, tin giáo Pháp cũng như Tăng đoàn một cách tuyệt đối. Vì thế, khi nào cũng phát nguyện hộ trì Tam bảo trọn vẹn một cách có khả năng nhất. Theo truyền thống của cha ông, Bà luôn thỉnh Phật và chúng Tăng đến để cúng dường. Bởi lòng tin (Saddhā) là điều kiện cơ bản trước khi vào đạo không chỉ người xuất gia mà cả người tại gia.

Lòng tin quan trọng và không thể tin mù quáng nên đức Phật dạy: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình”(5).

Với Visākhā bà đã có đức tin trong sạch và dõng mãnh nên những gì bà làm đều có kết quả tốt đẹp cho mình và cho người.

Việc Visākhā về làm dâu nhà chưởng khố Migāra gặp không ít khó khăn và trở ngại, bởi ông là một môn đồ của ẩn sĩ lõa thể Ni-kiền-tử mà Visākhā là tín nữ thuần thành của đức Thế Tôn. Vì thế cha chồng không mấy hài lòng nhưng vì sự khéo léo của bà và tâm nguyện muốn hướng dẫn gia đình chồng theo Phật giáo.

Bởi đức Phật thường dạy ngoài việc quy y Tam bảo, đức Phật còn khuyến tấn hàng cư sĩ nên: “Tự mình thành tựu lòng tin và khích lệ người khác thành tựu lòng tin; khi nào tự mình giữ giới và khích lệ người khác giữ giới;… tự mình bố thí và khích lệ người khác bố thí;…”. Bà đã làm được việc đó nhờ vào lòng tin vững chắc nơi giáo pháp của Thế Tôn.

Sau nhiều sự việc hiểu lầm, Visākhā bị cha chồng quở trách và muốn đuổi đi, một phần ông không hài lòng con dâu không kính trọng các Thầy Bà-la- môn lõa thể của ông, một phần không nghe lời ông. Nhưng khi sự việc được minh bạch, ông cầu xin Visākhā ở lại thì không được đồng ý trừ khi ông cho phép Visākhā được cúng dường chúng tăng theo ý nguyện. Đây cũng là cơ hội để bà hướng dẫn cha chồng và gia đình bên chồng quy y theo Phật giáo, đó cũng là trách nhiệm và bổn phận của người con Phật.

Khi thỉnh Thế Tôn và Tăng đoàn đến nhà để cúng dường và giảng pháp. Cha chồng tuy không ra tiếp đón chào hỏi, nhưng sự tò mò ông đã ở sau màn cửa lén nghe đức Phật thuyết pháp. Với nhãn quan tri kiến của Thế Tôn, Ngài biết ông đã có căn lành, đủ duyên để chứng quả nên Ngài hướng đến ông mà thuyết giảng. Sau khi nghe và đã hiểu, trưởng giả Migāra ngồi bên ngoài màn suy tư về lời pháp của Như Lai. Khi ấy ông liền chứng quả Dự lưu, phát lòng tin kiên cố vào Tam Bảo.

Ông nâng màn bước ra và phủ phục xuống chân Thế Tôn, hôn chân Ngài và ba lần đọc lên tên mình, rồi thưa: “Bạch Thế Tôn, từ trước đến giờ con chưa hề hiểu phước báo to lớn trong sự cúng dường Ngài, nhưng giờ đây, nhờ con dâu mới được hiểu và đã thoát hết đau khổ, phiền não. Khi con dâu con vào nhà con là nó mang hạnh phúc đến, và đã tế độ con”(7).

Đây là lời ông bộc bạch nỗi lòng bằng sự chân thành, và để tỏ lòng biết ơn với con dâu yêu quý, cha chồng đã tặng nàng bộ áo trang sức tuy nhẹ nhàng hơn bộ áo của cha ruột tặng nhưng nó không kém phần sang trọng và quý giá để nàng có thể mang luôn bên mình dễ dàng hơn. Sau đó Tỳ-xá-khư lại thỉnh Thế Tôn đến ngày hôm sau, và mẹ chồng nàng nhờ thế chứng quả Dự lưu. Từ đó nhà chồng của nàng rộng mở theo đạo Phật.

Và cha chồng cũng xem Visākhā như là một người mẹ tinh thần của ông, bởi nhờ Visākhā mà ông được giác ngộ được chứng quả trong đời này.

Bà cũng nhiều lần ủng hộ đến Tăng đoàn về mọi mặt, trong các lời phát nguyện trước đức Phật, có những lời phát nguyện dành trọn đời mình để lo cho tăng chúng:

“Dâng y đến chư tăng an cư tại Kỳ Viên cho đến trọn đời.

Đặt bát cho chư tỳ-khưu từ phương xa đến Sāvatthi.

Đặt bát cho chư tỳ-khưu rời Sāvatthi.

Dâng vật thực đến những vị sư đau ốm không đi khất thực được.

Dâng vật thực đến những vị sư chăm sóc các vị sư đau ốm.

Dâng thuốc men cho chư tỳ- khưu bị bệnh.

Dâng lúa mạch đến cho tỳ- khưu Tăng ni.

Dâng y tắm đến cho chư tỳ- khưu-ni trọn đời”(8). Sau khi phát nguyện được đức Phật chấp thuận, từ đó, bà và cả gia đình chồng dường như dành hết thời gian để phục vụ Tam Bảo.

Trong một ngày lễ, Visākhā cũng như thường lệ, mặc bộ đồ trang sức do cha ruột ban tặng để đi dự lễ, sau khi xong việc bà không quên ghé vào tinh xá để nghe Phật thuyết pháp. Nhưng chiếc áo bằng trang sức quá lộng lẫy nên để áo ở ngoài khi bước vào giảng đường. Đến lúc ra về, cả chủ nhân và người hầu đều quên.

Đến khi nhớ lại thì người hầu vào tìm. Visākhā dặn dò, nếu đã có người đụng chạm tức vật đó đã được cúng dường. Nhưng bộ áo ấy giá trị quá lớn không ai có thể mua lại được nên chính bà tự mua lại bằng tiền của mình và thưa hỏi đức Phật cần loại gì để bà cúng dường. Phật bảo cần xây một tăng đường tại cổng phía đông tinh xá.

Vậy là: “Visākhā đã dâng lễ cúng dường bộ nữ trang đặc biệt ấy trị giá chín trăm triệu đồng tiền vàng, Tôn giả Trưởng lão Moggallāna giám sát công trình xây cất ấy”(9).

Vì vậy, Visākhā được ca ngợi: “Người được diễm phúc và vinh hạnh làm chủ lễ đại thí cúng dường y Kathina đến đức Phật và chư tăng Kỳ Viên tịnh xá lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, chính là bà Visākhā”(10). Đó cũng chính là nhân duyên để bà trở thành vị hộ pháp đắc lực thời đức Phật.

3. Người cư sĩ chuẩn mực trong Phật giáo

Nói đến công lao đóng góp của Visākhā cho Phật giáo dường như Bà chính là người nữ cư sĩ đầu tiên luôn nghĩ đến chúng tăng ở độ tuổi rất trẻ, đặc biệt đó là sự quan tâm đến Tỳ Kheo ni. Có lẽ, sự quan tâm về nữ giới trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ như là việc hiếm hoi, mà Visākhā là con gái nên hiểu được tâm tư cũng như sự cần giúp đỡ.

Bà Visākhā đóng góp một phần quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan đến phật sự. Đôi khi đức Phật dạy bà đi giải hòa những mối bất đồng giữa các Tỳ Kheo Ni. Cũng có lúc bà thỉnh cầu đức Phật ban hành một vài giới cho chư vị Tỳ Kheo Ni.

Do đức độ đại lượng, bà được xem là người tín nữ có công đức nhiều nhất trong các phật sự và cũng là vị Thí Chủ quan trọng nhất của Phật giáo. “Đôi khi đức Phật dạy bà đi giải hòa những mối bất đồng giữa Tỳ-kheo-ni. Cũng có lúc bà thỉnh cầu đức Phật ban hành một vài giới cho chư vị Tỳ-kheo-ni”(11). Và cũng nhờ Visākhā mà ngày nay cư sĩ có giới Bát Quan Trai để tu 1 ngày. Bởi chính đức Phật đã dạy giới Bát Quan Trai cho Visākhā.

Thật vậy, đức Phật dạy:

“Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; Chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh”(12)

Nếu ông Cấp Cô Độc nổi tiếng với lòng hào phóng như thế nào, thì Visākhā cũng nổi tiếng như vậy. Đức Phật khen ngợi bà là nữ cư sĩ tối thắng trong bố thí. Visākhā được biết đến nhiều bởi niềm tin mạnh mẽ nơi đức Phật, sự hào phóng và trí tuệ của bà. Lời khuyên của bà rất hữu ích và bà thường giúp hòa giải khi có tranh chấp xảy ra. Ngày nay, trên nhiều phương diện, Visakha vẫn còn là một nguồn động viên tinh thần rất lớn cho tất cả chúng ta.

Như vậy, nhờ sự khéo léo và thái độ khiêm cung của Visākhā mà bà đã hóa độ được cha chồng cũng như gia đình bên nhà chồng quy y theo Phật giáo. Bà đã làm được những việc khó làm, chuyển hóa gia đình chồng cải tà quy chính là chuyện khó trong khó ở đời. Bà trình xin đức Phật được mời thỉnh chư tăng đặt bát tại tư gia mỗi ngày năm trăm vị. Cha chồng không những không phản đối mà còn rất hoan hỷ.

Visākhā là vị cư sĩ không những học pháp, hành pháp và còn làm cho Phật giáo ngày càng được nhiều người biết đến, xứng đáng là vị nữ cư sĩ lỗi lạc thời đức Phật.

Kết luận

Tóm lại, vài nét sơ lược trên cho chúng ta hiểu thêm về giá trị hiện hữu của bà Visākhā trên cuộc đời. Bà đã đem lại nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn, bởi sự hiện hữu này rất hữu ích cho chính bản thân, và những người được có duyên gặp bà. Ai cũng được hưởng năng lượng hướng thiện phát ra từ Visākhā kể cả người nghèo khó hay quý tộc bằng các công việc phước thiện ông qua việc hành pháp, nhất là công hạnh bố thí đứng đầu.

Visākhā là một mẫu người cư sĩ lý tưởng. Dù thời gian có trải qua, không gian có thay đổi, nhưng những hạnh nguyện và sự đóng góp của Bà cho Phật giáo luôn là bài học mang tính nhân văn, phù hợp trên mọi khía cạnh. Như vậy, ngày nay có còn vị cư sĩ như Visākhā hay không là nhờ vào sự tín tâm của Phật tử.

Đức Thế Tôn là minh chứng cho bậc giác ngộ của thế gian thì Visākhā là minh chứng cho sự bố thí cúng dường, hộ trì Tam bảo của nữ giới bằng những câu chuyện mang đậm tính lịch sử. Qua đó cho ta thấy một bức tranh nhân đạo rất đẹp và hoàn hảo của cuộc sống giai cấp ở xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ.

Thích nữ An Hưng Thạc sĩ Phật học khóa VI, Học viện PGVN tại TP.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024 ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thích Minh Châu (dịch) (2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 01, Kinh Trường Bộ, Nxb Hồng Đức.

2. Thích Minh Châu (dịch) (2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, Nxb Hồng Đức.

3. HT. Thích Minh Châu – Nguyên Tâm – Trần Phương Lan (dịch) (2021), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 05, Kinh Tiểu Bộ 1, Nxb. Hồng Đức.

4. Tác giả: Thiền sư Sīlānanda, Tỳ khưu Khánh hỷ (dịch) (2018), Phật pháp căn bản, Nxb. Hồng Đức.

5. Minh Đức Triều Tâm Ảnh, (2014), Một cuộc đời vầng nhật nguyệt, Nxb. Văn Học.

6. Trưởng Lão Pháp Minh dịch, (2012), Chú Giải Kinh Pháp Cú, Nxb. Tôn Giáo.

7. Phạm Kim Khánh (dịch) (2007), Đức Phật Và Phật Pháp, Nxb. Tôn giáo.

8. Viên Chiếu, (2009), Tích truyện kinh Pháp Cú, Nxb. Tôn giáo.

CHÚ THÍCH:

(1) Trưởng Lão Pháp Minh dịch, 2012, Chú Giải Kinh Pháp Cú, Quyển 4, XVIII.10- Trưởng Giả Mendaka (Sudassam Vajjamaññesanti), NXB. Tôn Giáo, tr. 417.

(2) Minh Đức Triều Tâm Ảnh, (2014), Một cuộc đời vầng nhật nguyệt, Tập 4, Nxb. Văn Học, tr. 436.

(3) Thích Minh Châu (dịch) (2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Tám pháp, Phẩm Ngày trai giới, kinh Visākhā, Nxb Hồng Đức, tr 995.

(4) Tác giả: Thiền sư Sīlānanda, Tỳ khưu Khánh hỷ (dịch) (2018), Phật pháp căn bản, Chương 12. Giác Ngộ, Nxb. Hồng Đức, tr. 365.

(5) Thích Minh Châu (dịch), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, 4. Chương Ba pháp, Phẩm Lớn, Kinh Các Vị Ở Kesaputta, Nxb Hồng Đức, 2020, tr.172.

(6) Thích Minh Châu (dịch), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, 4. Chương Tám pháp, Phẩm gia chủ, Kinh Thích Tử Mahānāma, Nxb Hồng Đức, 2020, tr.972.

(7) Viên Chiếu, (2009), Tích truyện kinh Pháp Cú, Tập 1, Phẩm Hoa, 8. Đám cưới bà Tỳ Xá Khư, Nxb. Tôn giáo, tr. 391.

(8) Minh Đức Triều Tâm Ảnh, (2014), Một cuộc đời vầng nhật nguyệt, Tập 5, Tâm Hộ Pháp Của Hai Vị Đại Thí Chủ, Nxb. Văn Học, tr. 61.

(9) HT. Thích Minh Châu – Nguyên Tâm – Trần Phương Lan (dịch) (2021), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 05, Kinh Tiểu Bộ 1, Chuyện Thiên Cung Sự, Phẩm Đỏ Sẫm, 44. Chuyện Lâu Đài Tinh Xá, Nxb. Hồng Đức, tr. 583.

(10) Minh Đức Triều Tâm Ảnh, (2014), Một cuộc đời vầng nhật nguyệt, Tập 6, Nguyên Nhân Đức Phật Cho Thọ Y Kathina, Nxb. Văn Học, tr. 32.

(11) Phạm Kim Khánh (dịch) (2007), Đức Phật Và Phật Pháp, Chương 10, Những người chống đối và những đại thí chủ, Nxb. Tôn giáo, tr. 187.

(12) Thích Minh Châu (dịch), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 01, Kinh Trường Bộ, 4. Kinh Chủng Đức, Nxb Hồng Đức, 2020, tr 88.