Phật giáo định hướng được con người Việt Nam trong xã hội hiện đại về sự phục vụ đối với cộng đồng trong việc "an sinh xã hội" cũng như là vấn đề "hộ quốc an dân" của toàn nhân loại.
Tác giả: ĐĐ.Danh Dô pháp danh YUTTAYOGO (Thông Chánh) Chùa Cà Nhung, ấp Hòa Tạo, Xã Định Hòa, Huyện Gò Quao, Tỉnh Kiên Giang
1. Đặt vấn đề
Bao nhiêu bất mãn và thắc mắc thì bấy nhiêu đau khổ. Người ta chỉ có thể có hạnh phúc được khi đã làm thỏa mãn được những bất mãn và thắc mắc kia. Và như thế thì chỉ có cách là phải hiểu biết.
Mặt khác nói đến vấn đề "nhân sinh không phải chỉ là vấn đề no cơm ấm áo. Con người muốn sinh hoạt cho ra người; nghĩa là cuộc sống phải có văn hóa, có hướng đến Chân, Mỹ, Thiện. Và dù ta không có những thắc mắc siêu hình, ta cũng phải giải quyết những vấn đề siêu hình, bởi vì một nhận thức về nguyên lai và cứu cánh của vũ trụ bao giờ cũng là nền tảng cho một nhận thức về đường lối nhân sinh".
Vấn đề An trú là một vấn đề rất cần thiết đối với tất cả mọi người chúng ta, nhất là khi trong thời đại ngày nay, thời đại của sự phát triển về mặt vất chất cũng như la nhu cầu của sự sản xuất hay sử dụng của mỗi cá nhân hay một tập thể nào đó. Vì thế để đạt được sự An trú của nội tâm, thì đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có Tầm (Vitaka) về nhận thức:
2. Phật giáo hướng đến sự an trú trong hiện tại.
2.1 An trú về vật chất
Để an trú trên vật chất thì đòi hỏi mọi người chúng ta cần phải vận dụng giáo lý của phật giáo, mà giáo lý ở đây người viêt xin đưa ra là pháp oán tưởng về duyên khởi, cũng như là pháp Vô ngã.
Nói về Pháp duyên khởi trong vật chất để cho ta thấy được rằng mọi vật trước khi hình thành được hình hài ấy thì nó phải trải qua nhiều công đoạn của công trình mới có thể đưa ra mạo diện của nó.
Còn nói về Pháp vô ngã, ở đây muốn nhấn mạnh rằng mọi Vật chất mà ta tạo ra, nó có thể bị biến mất hay hư hại bất cứ lúc nào, nói vậy không phải cho ta làm lơ với nó hay cố gắng bảo vệ giữ gìn nó, mà nói ở đây để cho ta có cách ứng xử "Thay vì ta cố chấp điều đó, thì ta hãy chấp nhận và buôn bỏ nó".
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật dạy:
Thầy Tỳ Kheo chân chính phải tu sáu pháp vô thượng. Những gì là sáu?
Mắt thấy sắc không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
Tai nghe tiếng không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
Mũi ngửi mùi không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
Lưỡi nếm vị không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
Thân xúc chạm không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
Ý đối với pháp không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm ở xả, hằng tỉnh sáng.
Ai được sáu pháp như vậy, là bậc Vô thượng, là phước điền của chúng sinh, xứng đáng cho Trời Người tôn trọng cung kính cúng dường[1].
Tóm lại khi ta An trú được trong vật chất nó sẽ đem lại cho ta một cách tiếp nhận các sụ việc có chừng mực và đạt được sụ an lạc.
2.2 An trú về tinh thần
Với nền tư tưởng phương Đông nói chung và nền giáo dục Phật giáo nói riêng là hệ tư tưởng “hướng nội”, có nghĩa là quay về với nội tâm, với bản tánh sáng suốt vốn có của con người. Đức Phật đã từng dạy “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” (tất cả chúng sinh đều có tính Phật) tính Phật ở đây ngụ ý là tính sáng suốt, lòng trong sạch tiềm ẩn trong mỗi con người. Con người luôn luôn đối diện với mình và đứng trước sự cố gắng tìm hiểu, thực hành để tiến tới chỗ hoàn thiện, đem lại sự cân bằng và sự giải thoát. Con người thường được đề cao hầu hết trong các thời thuyết pháp của đức Phật, được ngài đề cao hơn hết trong tất cả các loài”.
Trong Phật giáo vấn đề An trú trong Tinh thần rất được xem trọng, vì chỉ khi nào con người ta có tâm tỉnh thức thì việc làm của người ta mới có thể tiến đến được sự an lạc với những gì mà bản thân mình tạo dựng lên được.
Khi ta quán sát tâm mà không áp đặt cho nó bất cứ gì, đôi lúc tâm thức rơi vào trạng thái thả lỏng nào đó, đôi lúc nó lại rất xáo động. Thỉnh thoảng, dường như bạn mất ý thức về nơi mình đang ở, việc mình đang làm và cái mà mình đã bị ràng buộc. Đây không phải là điều ta đang cần tìm kiếm, mà thực ra nó rất nguy hiểm, không phải theo nghĩa nguy hiểm mang tính tức thời, mà có nghĩa là nó không phải là thiền định đích thực, ví dụ: "Khả năng tinh thần cũng có thể tỷ dụ như điện vậy. Máy nhỏ và yếu thì chỉ có thể phát ra điện yếu. Bóng đèn nhỏ thì ánh sáng mờ nhạt, nếu bóng đèn lớn, ánh sáng sẽ rực rỡ hơn. Thân căn của một chúng sinh vốn là một trong những tăng thượng duyên (điều kiện) cho sự phát hiện tác dụng tâm lý vậy".
Tóm lại việc An trú trong tinh thần là sự khởi nguồn cho mọi sự việc để hướng đến cho việc nhận thức đúng đắn và có chuẩn mực.
Đến với tinh thần của Phật giáo thông qua giáo lý 84.000 pháp môn mà đức Thế Tôn đã tóm gọn với ba điều:
Lời dạy đầu tiên của Ngài là "muốn giáo dục con người, muốn cải thiện xã hội, phải có can đảm và sáng suốt tìm hiểu sự thật, sự thật tâm linh, sự thật trí thức và đạo đức, sự thật xã hội, dầu sự thật ấy có xấu xa không tốt đẹp, nhất định không che đậy tuyên truyền nịnh bợ, không dối mình gạt người".
Lời dạy thứ hai của Ngài là "con người là nơi tập trung của hai năng lực: Vật chất và tâm linh, Rùpa và Nàma, sắc pháp và tâm pháp. Nói con người là duy vật, tất phủ nhận năng lực tâm linh. Nói con người là duy tâm, tất bỏ quên sức mạnh vật chất. Một nền giáo dục hữu hiệu, phải là một nền giáo dục toàn diện, cả thân lẫn tâm, cả sắc pháp lẫn tâm pháp. Giáo dục theo đạo Phật gồm có Giới học, Định học và Tuệ học. Giới học là huấn luyện sắc thân con người, thúc liễm hành động con người để khỏi phải bị hoàn cảnh chi phối, khỏi bị ngoại duyên làm dao động. Định học là huấn luyện tâm linh con người, tập trung sức mạnh tâm linh trên đối tượng để sử dụng và phát huy định lực con người. Tuệ học là trực giác về bản chất của sự vật đưa đến sự giải thoát hoàn toàn của tâm linh, đến sự thực chứng chân lý tối hậu".
Lời dạy thứ ba của đạo Phật là "vấn đề giáo dục con người không phải là vấn đề thuần đạo đức hay thiện ác như thường bị hiểu lầm. Đức Phật tìm hiểu sự phản ứng của con người trước những đối tượng ngoại cảnh như sắc, thanh, hương, vị".
Đánh giá về giáo lý Phật giáo, Hồ Chí Minh từng viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”. Nietzch cũng nhận xét: “Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất, chính là ở chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù hằn học oán ghét”.
Qua đây ta thấy được sự đồng hành và phát triển cùng với xã hội, với tinh thần độ sinh nên các giáo lý của Đức Thế Tôn thể hiện được tính đồng hành với mọi thời gian của thời đại.
Các giáo lý thiết thực luôn luôn song song với thời đại về mặt nhận thức của đạo đức đặc biệt là các quan điểm sống, mà cụ thể ở đây là:
1- Ðức Hiếu Sinh
2- Ðức Ly Tham
3- Ðức Chung Thủy
4- Ðức Thành Thật
5- Ðức Minh Mẩn
Năm đức này là nền tảng gắn liền với nhu cầu giáo dục của Phật giáo với quan điểm đồng hành và phát triển cùng với đó là việc xây dựng một xã hội lý tưởng.
Theo giáo lý của Phật giáo một xã hội Lý tưởng không nhất thiết là phải cùng chung sống một phương tiện, đối tượng hay một mục tiêu nhất định.
Những lời dạy của Ngài nhắm vào sự lợi lạc thiết thực cho hết thảy mọi chúng sinh "tránh làm điều ác, tu tập điều lành và tịnh hoá tâm mình" đây là lời Phật dạy nhằm xây dựng một xã hội lý tưởng.
Lời kết
Nhìn chung, đạo Phật đã đóng góp cho kho tàng trí tuệ của nhân loại các giá trị tinh thần quý báu: giá trị đạo đức, giá trị hạnh phúc, giá trị giải thoát… phục vụ cho đời sống tâm linh của con người. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ – thông tin, tất cả được nối kết bằng những phương tiện truyền tin hiện đại nên có sự rối loạn, phức tạp nhất định trong cuộc sống hàng ngày. Con người cần phải bình tĩnh để quân bình đời sống sinh lý và tâm lý của mình. Lẽ dĩ nhiên, đạo Phật đã khơi gợi, đánh thức tâm thái hành thiện ngủ quên trong tâm thức con người, đó là lý do khiến cho đời sống tinh thần của con người ngày càng thăng hoa.
Con người là căn bản của gia đình và xã hội loài người, tất cả mọi vấn đề đều do con người phát sinh và đều phát sinh vì con người, bởi vậy, muốn đổi mới tất cả, căn bản là con người không thể không tự đổi mới trước hết bằng Phật pháp. Đó là một kết luận. Kết luận đó làm một lý do chắc chắn chứng minh một kết luận nữa: Như vậy, con người tuyệt đối phải có trong gia đình và xã hội loài người thì với con người ấy, Phật pháp tuyệt đối phải có và tuyệt đối phải được bảo vệ. Vấn đề “Hộ pháp” được nêu lên trong trường hợp nầy. Nó là vấn đề tự lợi lợi tha mà muốn sống có ý nghĩa và muốn phổ biến ý nghĩa ấy trong mọi tầng lớp và mọi thế hệ, bổn phận chúng ta buộc chúng ta phải có.
Phật giáo định hướng được con người Việt Nam trong xã hội hiện đại về sự phục vụ đối với cộng đồng trong việc "an sinh xã hội" cũng như là vấn đề "hộ quốc an dân" của toàn nhân loại.
Ðạo Phật lấy sự sống làm căn bản và chủ trương giải thoát con người khỏi tình trạng sinh hoạt đau khổ, nên chỉ những giải quyết của Phật giáo rất là thực tiễn. Vì thế chúng ta là thế hệ hậu bối thì chúng ta hãy hoan hỷ dấn thân vạch ra con đường cho giáo dục Phật giáo tương lai rõ ràng, để đạt kết quả cả kiến thức lẫn tu tập cũng như là hướng đến thiết lập đời sống hạnh phúc an lạc của nhân loại.
Tác giả: ĐĐ.Danh Dô pháp danh YUTTAYOGO (Thông Chánh) Chùa Cà Nhung, ấp Hòa Tạo, Xã Định Hòa, Huyện Gò Quao, Tỉnh Kiên Giang ***Tài liệu tham khảo: - Thích Minh Châu, Đạo Đức Phật Giáo Và Hạnh Phúc Con Người, NXB -Tôn Giáo – 2002. - Thích Minh Châu, Chánh Pháp Và Hạnh Phúc, NXB -Tôn Giáo-2001. - Phật giáo với dân tộc, Thích Thanh Từ, thành hội Phật giáo TP. HCM xuất bản, 1992. - Thích Quảng Độ dịch (1969). Nguyên thủy Phật giáo Tư tưởng luận - Kimura Taiken (木村泰賢 - Mộc Thôn Thái Hiền).
Chú thích: [1] Trích Giảng Kinh A Hàm - Sách "Nhặt Lá Bồ Ðề" HT.Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Bình luận (0)