Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc hàng ngàn năm, mà gần nhất là thời đại Lý Trần. Tuy nhiều người nhấn mạnh ông vốn xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” nhưng trong tư tưởng của ông không chỉ đơn thuần là tư tưởng của Nho gia mà còn có tư tưởng thiền Phật, Lão Trang.
Tác giả: Thích Nữ Huệ Niệm - Thích Hạnh Tuệ
1. Dẫn nhập
Hơn 2000 năm, kể từ khi đạo Phật có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã được bản địa hóa và liên tục được bản địa hóa trở thành một phần quan trọng của văn hóa dân tộc. Văn hóa tư tưởng Phật giáo đã thấm dần và lan tỏa trong mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam. Quá trình tồn tại và phát triển của Phật giáo luôn đồng hành với vận mệnh của đất nước qua các thời kỳ lịch sử, lúc thăng lúc trầm, lúc thịnh lúc suy.
Trong tiến trình đó, có thể nói thời kỳ Lý – Trần là thời kỳ vàng son nhất của Phật giáo, đồng thời sản sinh ra những con người với tính cách siêu việt, nhân văn nhân ái được mọi người tôn thờ. Điều đó chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng của tinh thần bình đẳng, từ bi, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo trong việc vun đắp nhân tài cho đất nước. Đặc biệt quan điểm Phật tại tâm được các vị vua thời Trần dùng vận dụng nhuần nhuyễn trong quá trình xây dựng bảo vệ đất nước.
Nguyễn Trãi - một anh tài của dân tộc trong thế kỷ XV đã tiếp thu, kế thừa và phát huy tinh thần ấy một cách sâu sắc.
2. Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và tác phẩm Quốc Âm thi tập
Nguyễn Trãi (1380–1442), quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Ông là con trai của Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán.
Thi đỗ Thái học sinh năm 1400, Nguyễn Trãi từng làm quan dưới triều Hồ. Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự đô hộ, bảo vệ đất nước. Ông trở thành nhà quân sự tài ba của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê. Tuy nhiên, năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.
Nguyễn Trãi là một trong những tác gia lớn để lại cho nền văn học Việt Nam một khối lượng thơ văn đồ sộ, về cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm. Về chữ Hán, tác phẩm đầu tiên phải kể đến là Ức Trai Thi Tập, bao gồm hơn 105 bài thơ thất ngôn hoặc ngũ ngôn, các tác phẩm khác như Bình Ngô đại cáo (1427), Lam Sơn Vĩnh Lăng thần đạo bi ký (1433), Băng Hồ di sự lục (Băng Hồ là hiệu của ông ngoại Nguyễn Trãi tức Trần Nguyên Đán), Chí Linh sơn phú, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí và Quân Trung từ mệnh tập. Tác phẩm Hán văn này phần lớn đều do Trần Khắc Kiệm sưu tầm thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), bao gồm các thư gửi cho tướng nhà Minh và các tướng sĩ của ta. Đó là một tài liệu quan trọng về mặt ngoại giao, chính trị, quân sự đời hậu Lê.
Về sáng tác chữ Nôm, tác phẩm tiêu biểu nhất là Quốc âm thi tập, nó được xem là tập thơ chữ Nôm phong phú nhất. Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ Nôm tác phẩm này được đánh giá là những áng văn chương mẫu mực, có giá trị khai mở và đặt nền móng cho nền văn học Nôm Việt Nam.
Về tác phẩm Quốc âm thi tập
Quốc âm thi tập là tập thơ được viết bằng chữ Nôm, được xem là “tập thơ tiếng Việt xưa nhất còn lại trong lịch sử văn học” Việt Nam. Tập thơ hiện nay gồm 254 bài thơ có công sưu tập của Trần Khắc Kiệm vào những năm 60-70 của thế kỷ XV và Dương Bá Cung ở thế kỷ XIX, tập hợp trong Ức Trai di tập in năm 1868. Quốc âm thi tập được chia thành 4 mục: 1-Vô đề (192 bài), 2-Thời lệnh môn (21 bài), 3-Hoa mộc môn (34 bài), 4-Cầm thú môn (7 bài). Trong “Vô đề” lại chia ra: Ngôn chí 21 bài, Mạn thuật 14 bài, Trần tình 9 bài, Thuật hứng 25 bài, Tự thán 41 bài, Tự thuật 11 bài; Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn đe) 61 bài. Như vậy, có thể thấy rằng tác phẩm này có rất nhiều đề tài phong phú, ý tứ dồi dào.
3. Quan điểm “Bụt là lòng” của Nguyễn Trãi
Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, xuất thân là bậc đại nho nhưng văn chương của Nguyễn Trãi không chỉ là “thứ văn chương mưu lược gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế”[1] mà nó “còn thể hiện tư tưởng của thiền Phật và Lão Trang” [2] Chắc hẳn Nguyễn Trãi đã từng đến Tào Khê, là trung tâm thiền của Lục Tổ Huệ Năng “Vạn lý Nam lai sơn thủy viễn, nhất sinh năng kỷ quá Tào Khê” (Muôn dặm từ Nam non nước thẳm; Một đời mấy bận tới Tào Khê)[3], nơi mà Lục Tổ Huệ Năng đã chỉ rõ cái tự tính thanh tịnh, cái bản lai diện mục. Là nơi để lại biết bao câu chuyện ly kỳ trên ngọn núi này, nơi đào tạo ra nhiều tăng tài đắc đạo làm rạng rỡ cho Phật giáo Thiền tông. Suối Tào Khê mầu nhiệm ấy đã chảy rạt rào về giữa lòng thi nhân và đã tẩy sạch hết mọi phiền não của phàm phu tục tử “Tào Khê rửa, ngàn tầm suối; Sạch chẳng còn một chút phàm”[4]. Hình ảnh này còn được Nguyễn Trãi đề cập đến trong thơ chữ Hán bài Nam Hoa Du tự “Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy; Tẩy tận nhân dân kiếp kiếp trần” [5] (Trước cửa một dòng Tào Khê chảy; Rửa hết bụi bặm bao nhiêu kiếp nhân gian). Tại sao, một nhà Nho như Nguyễn Trãi lại nghĩ chỉ có triết lý Phật giáo mới có thể giúp con người vượt ra khỏi lầm mê, tẩy sạch phiền não? Có phải chăng giáo lý Phật giáo như là một vị thuốc thanh tâm giải nhiệt, chữa lành mọi vết thương lòng, mang lại sự thanh tịnh, giải thoát cho con người: “Tả lòng thanh, vị núc nác”[6]
Trong khung cảnh yên ắng vắng lặng, hình ảnh một cư sĩ tĩnh tọa dưới mái hiên thong dong tự tại, uống một chung trà, thưởng nguyệt đêm thanh, tâm hồn thư thái không chút vướng bận sự đời chẳng khác nào cái tâm thanh tịnh của nhà sư đã bỏ đi mọi cái tục của cuộc đời “Cởi tục trà thường pha nước tuyết; Tìm thanh trong vắt tạn chè mai”[7]. Cảnh già lam được tạo dựng giữa một không gian thiên nhiên yên tĩnh, có khi ở nơi núi sâu vắng vẻ, tất cả được các tác giả tái hiện để tạo nên một vẻ đẹp uy nghi, trầm mặc. Đạo Phật mở ra cánh cửa Thiền cho nhân loại, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, để mọi người tìm đến chốn bình an vun bồi tưới tẩm hạt giống của mình đơm hoa kết trái, cho tâm hồn được nhẹ nhàng thư thái. Nguyễn Trãi đã tái hiện lại hình ảnh ngôi chùa ấy trong tâm thức của mình và dùng ngòi bút tài hoa khắc họa nó lên thành dòng chữ “Cảnh tựa chùa chiền lòng tựa thầy.” [8]
Cảnh Bụt bao giờ cũng hữu tình kỳ thú, luôn là chốn đi về của những ai muốn quên đi bao nỗi phiền muộn, bao điều trắc trở nhọc nhằn của cuộc đời, với Nguyễn Trãi “Nguyệt trong đáy nước nguyệt trên không”[9], đó là phong thái tiêu dao thoát tục ẩn tu nơi thiên nhiên u tịch, lòng trong sáng như vầng nhật nguyệt kia. Hình ảnh các vị sư tu hành theo hạnh đầu đà với lối sống thanh bạch, giản dị, không hơn thua, không tranh giành, bỏ mặc những thị phi, không chấp nhặt những chuyện lặt vặt đời thường… là hình ảnh lý tưởng nhất. Nguyễn Trãi như đã và đang sống trong khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh ấy “Con lều mọn mọn đẹp sao; Trần thế chăng cho bén mỗ nào”[10]
Trước Nguyễn Trãi là nhà Nho - Chu Văn An khi lui về quê nhà cũng đã viết những vần thơ thiên nhiên, bộc lộ tâm tình tiêu dao, phóng khoáng tự tại mang cốt cách của Thiền sư:
“Thân nhàn nam bắc phiến vân khinh, Bàn chẩm thanh phong thế ngoại tình, Phật giới thanh u trần giới viễn, Đình tiền phú huyết nhất oan minh. Dịch: Thân nhàn tựa áng mây trôi, Gió thanh nửa gối việc đời nhẹ tênh, Cõi trần xa, cõi Phật thanh, Sân hoa máu đỏ, chim oanh líu lường. [11]
Quan niệm Phật tại tâm là quan niệm được các vị thiền gia đời Trần thực hành vào việc tu tập cho bản thân cũng như trong việc “hộ quốc an dân” như Trần Thái Tông “Trong núi không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài”[12]. Tuệ Trung Thượng Sĩ “Tâm tức Phật, Phật tức tâm, diệu chỉ sáng ngời suốt cổ kim” Và đặc biệt là Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông với chủ thuyết Cư trần lạc đạo phú: “Chỉn Bụt là lòng, sá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ;Vong tài đối sắc ắt tìm cho phải thói Bàng Công” [13]. Hay lời dạy của đức Phật về Phật tính của chúng sinh trong kinh Thập Địa “Trong thân chúng sinh có Phật tính Kim Cang”[14]. Sau này, Nguyễn Trãi cũng vậy, ông cho rằng “Thân đà hết lụy thân nên nhẹ; Bụt ấy là lòng Bụt há cầu?[15] Và trong bài Mộc cận có câu “Vện nhơ chẳng bén Bụt là lòng” Quay về với chân tâm và an trú trong đó thì không cần tìm Phật ở đâu nữa. Tư tưởng này rất hợp với đạo Thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ trước đó. Nếu vua Trần Nhân Tông cho rằng “Mình ngồi thành thị; Nết dụng sơn lâm” thì Ức Trai cũng cùng cách nghĩ và phong thái ấy “Ẩn cả lọ chi thành thị nữa; Nào đâu là chẳng đất nhà quan”[16]
Phật là danh từ, tiên cũng là danh từ, chúng sinh cũng là danh từ, vượt ra được những ngôn ngữ ấy thì sẽ chứng ngộ chân tâm. Phật tính chính là đây vậy. Và lúc này đâu cần cầu Phật, cầu tiên, ta lại quay về với chính mình, tự mình đã là chủ nhân ông của chính mình, thì đâu còn cầu chi nữa, như Nguyễn Trãi đã viết trong Mạn thuật bài số 6 “Dầu Bụt dầu Tiên ai kẻ hỏi; Ông này đã có thú ông này.”
Nguyễn Trãi thường chú tâm chăm sóc gìn giữ hồ ao cho nước mãi xanh, trong trẻo như giữ cho cái tâm của mình luôn được thanh tịnh, yên tĩnh không một vẩn đục của cấu bẩn như trăng trong nước, như cảnh trong gương “Tiêu sái tự nhiên nhẹ hết mình; Vô tâm, đìa có trăng bạc”[17]. Tiêu dao đến thế là thể hiện một tâm hồn thượng đạt thong dong. Lòng thi nhân thanh bạch đã giũ sạch bụi trần, lâng lâng một niềm thanh thản giữa rừng chiều hoang liêu tịch mịch.
Qua đó, có thể thấy rằng Nguyễn Trãi rất am hiểu về các khái niệm, thuật ngữ của nhà Phật và ông đã sử dụng một cách linh hoạt, giàu hình ảnh biểu cảm, thể hiện được đời sống tâm linh và con đường tu tập của nhà Phật. Ông đã ngộ được yếu chỉ của Thiền khi tiếp xúc với các thiền sư. Ông đã giũ bỏ tất cả những hoặc nghiệp trong tâm hồn ông. Có thể nói Nguyễn Trãi đã đạt đến cảnh vô tâm nơi cửa thiền:
“Giũ bao nhiêu bụi bụi lầm Giơ tay áo đến tòng lâm... Chủ vô tâm ỷ khách vô tâm, Trúc thông hiên vắng trong khi ấy, Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm?[18]
Việc chuyên tâm thiền tập nơi thâm sơn cùng cốc của các nhà sư đã khó và ít người làm được, thì việc thiền tập của người cư sĩ lại không đơn giản tí nào. Vậy mà, Nguyễn Trãi thực tập với một tinh thần “Say hết tất hết lòng hồng hộc”[19]. Nguyễn Trãi cho rằng khi nội tâm đã có thú vui của chính mình, hòa nhập mình vào với vạn cảnh, thì không còn tiểu ẩn hay đại ẩn nữa. Ông sống giữa thành thị cũng như ở trong núi rừng, đang ngao du trong rừng sâu cũng như đang rong chơi nơi phố thị. Ông tìm về với thiên nhiên chỉ có chim muông và cây cỏ, bên dòng suối trong lành với những luồng gió vi vu, lòng ông ngập tràn niềm hạnh phúc vô biên, bao la vô tận như trong thuật hứng số 19 nói
Chụm tự nhiên một thảo am, Dầu lòng đi bắc lẫn về nam. Rừng thiền định, hùm nằm chực, Trái thì trai vượn nhọc đem. [20]
Việc nghiên cứu giáo lý nhà Phật dường như đã ăn sâu vào tiềm thức Nguyễn Trãi, thêm vào đó là cuộc sống an nhàn nơi Côn Sơn, sự tĩnh lặng của tâm hồn đã gợi lên trong tâm trí của Ức Trai, điển tích về Thánh địa Tòng lâm, về thiền xuất hiện một cách mộc mạc, giản dị mà sâu lắng:
“Ánh của trăng mai đớp đớp, Kề song gió trúc nàm nàm. Đầu non Thiếu Thất đen như mực, Dòng nước Lam Khê lục nữa chàm Tiêu sái mấy lòng mà mạc được Bảo chăng khứng mạc một lòng thơm.[21]
Chùa Thiếu Lâm ở phía Bắc chân núi Thiếu Thất, là một thánh địa của Phật giáo Trung Hoa, Sơ Tổ Bồ-đề Ðạt-ma đã từng ở đây quay mặt vào núi 9 năm. Cái đẹp tự nhiên của ánh trăng chiếu trên ngọn cây mai rọi bóng vào cửa sổ, gió thổi làm cho cành trúc đong đưa như gài vào song cửa sổ, dưới ao lấp lánh ánh trăng soi, chỉ có thể cảm nhận bằng trực cảm tâm linh khi lòng thật tĩnh lặng, không bị ngoại duyên chi phối. Lúc đó, dù là một tiếng chim, một tiếng chuông chùa vang lên cũng làm rúng động lòng thi nhân “Nguyệt mọc đầu non kình dõi tiếng.” [22]
“Kình” là chỉ cho tiếng chuông chùa. Theo huyền thoại Trung Hoa ven biển có con “Bồ lao” loài thú này rất sợ cá kình hễ thấy bóng cá kình là bồ lao rống to lên. Do đó, người xưa đúc chuông có núm hình bồ lao và làm chày đẽo hình cá kình. Sau này, văn học cổ dùng hình tượng bồ lao, cá kình, để chỉ tiếng chuông chùa. Trong thơ giai thoại về vua Lê Thánh Tông hình tượng bồ lao, cá kình cũng được nhắc đến như sau:
“Chày kình một tiếng an tan niềm tục Hồn bướm ba canh lấn sự đời” Bồ lao om núi kêu ran, Sơ sương một tiếng ra tan mọi niềm.[23]
4. Tạm kết
Có thể nói danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc hàng ngàn năm, mà gần nhất là thời đại Lý Trần. Tuy nhiều người nhấn mạnh ông vốn xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” nhưng trong tư tưởng của ông không chỉ đơn thuần là tư tưởng của Nho gia mà còn có tư tưởng thiền Phật, Lão Trang. Ông là người tinh thông tam giáo, cửu lưu (Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Âm dương gia, Danh gia, Pháp gia, Nông gia, Tung hoành gia, Tạp gia). Ông am hiểu sâu sắc triết lý tư tưởng “đốn ngộ” của thiền tông. Qua “Quốc âm thi tập” chúng ta có thể thấy được Nguyễn Trãi không chỉ là một bậc chân Nho mà còn là một thiền gia, cư sĩ Phật giáo, đã có sự am hiểu, thực hành, thể nghiệm về thiền, về giáo lý Phật một cách sâu sắc.
Tác giả: Thích Nữ Huệ Niệm - Thích Hạnh Tuệ ***Chú thích và tài liệu tham khảo [1].Viện sử học, Nguyễn Trãi toàn tập in lần 2, Nxb. Khoa học Xã hội, 1976, tr.8. [2].Nguyễn Công Lý - Nguyễn Công Thanh Dung, Cảm quan Thiền đạo trong thơ Nguyễn Trãi, tạp chí Khoa học số 8 (276), 2021, tr.63. [3].http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-2745/Phat-kinh-trong-tho-van-Nguyen-Trai-va-Nguyen-Du.html (Truy cập ngày 16/4/2023) [4].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.222. [5].Viện sử học, Nguyễn Trãi toàn tập in lần 2, Nxb. Khoa học Xã hội, 1976, tr. 384. [6].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.87. [7].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.62. [8].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.90. [9].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.504. [10].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.191. [11].https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/9357 (Truy cập ngày 20/4/2023) [12].Viện văn học, Thơ văn Lý –Trần tập 2, Quyển thượng, Nxb. Khoa học Xã hội Hà Nội, 1988, tr. 28. [13].Thích Hạnh Tuệ, Văn học Việt Nam một hướng tiếp cận, Nxb. Khoa học Xã hội, 2019, tr.127. [14].Thích Thanh Từ, Luận tối thượng thừa, Nxb. Tôn giáo, 1969 tr. 5. [15].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.131. [16].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.10 [17].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.255. [18].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.72. [19].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.237. [20].Mai Quốc Liên (chủ biên), Sđd, 2014, tr.222. [21].Mai Quốc Liên (chủ biên) Sđd, 2014, tr.297. [22].Mai Quốc Liên (chủ biên) Sđd, 2014, tr.108. [23].http://quehuongonline.vn/giai-thoai-viet-nam/giai-thoai-ve-vua-le-thanh-tong-13961.htm. (Truy cập ngày 10/4/2023)
Bình luận (0)