Tác giả: Thích nữ Thiện Tánh Học viên Ths Khóa V- Học viện PGVN tại TP.HCM

DẪN NHẬP

Từ xưa cho đến nay, Phật giáo luôn là đối tượng bài xích chê bai và chống phá của ngoại đạo. Chủ yếu là vì họ muốn bảo vệ mình mà tìm cách chống phá dù ngấm ngầm hay bùng nổ, dù hạn cục hay bao quát. Vì bắt nguồn từ điều kiện, hoàn cảnh, tâm lý, quan điểm của một cá nhân hay một cộng đồng. Đức Phật là bậc nhất thiết trí, nhưng khi còn tại thế Ngài vẫn không sao tránh khỏi sự chê bai kỳ thị của một số thành phần. Ngày nay, cách thời đức Phật rất xa, đệ tử của Ngài khi hoằng dương chính pháp cũng có khi có nơi vẫn bị bài xích như thế.

Khi mới truyền vào Trung Quốc, Phật giáo gặp rất nhiều sự chống đối của giới tri thức, học giả Nho gia, một hệ tư tưởng tồn tại lâu đời ở Trung quốc. Trong đó, Thừa tướng triều Tống Trương Thương Anh, một vị quan cao cấp của triều đình theo Nho giáo và bài xích Phật giáo. Ban đầu, ông muốn làm một bài luận để bày tỏ quan điểm không thích đạo Phật của ông, nhưng sau nhờ đọc được Kinh Duy Ma Cật mà được giác ngộ rồi trở thành một vị đại hộ pháp của Phật giáo thời bấy giờ. Sau khi liễu ngộ được Phật pháp, ông ra sức trùng hưng và bảo vệ Phật pháp như xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, giúp đỡ tăng, ni tu tập… Đặc biệt hơn, ông đã làm một bài luận để đáp lại những tư tưởng bài xích sai lầm của Nho sĩ đối với đạo Phật giáo thông qua “Hộ Pháp luận”.

Hộ Pháp luận là một bộ luận với mục đích “phá tà hiển chính”. Ở đây, ông dùng những lập luận, những dẫn chứng cụ thể nhằm bác bỏ những kiến chấp, bảo thủ về Phật giáo khi chưa đủ tầm kiến thức sâu rộng để đả phá. Sau đó ông khẳng định lại thật nghĩa của chính pháp, cho thấy được giá trị cao quí của phật pháp.

Trong Hộ Pháp luận đã xoáy sâu vào 12 vấn đề trọng tâm. Bản thân là quan triều đình với trình độ tiến sĩ Nho học, lại liễu ngộ Phật pháp, thông thạo Lão giáo, ông đã dùng phương pháp phân tích, so sánh, giảng giải, chứng minh dựa trên chính những cơ sở giáo lý của Nho và Lão một cách xác đáng.

Với sự giới hạn của bản thân, người viết xin bàn về một vấn đề nhỏ trong “Hộ Pháp luận” mà tác giả đã đề cập đến, đó là: “歐陽修曰: 佛者善施無驗 不實之事。”

(Tạm dịch: “Âu Dương Tu cho rằng: Đức Phật hay làm những việc không có thực nghiệm”).

1. Khái quát về tác giả, tác phẩm “Hộ pháp luận”

1.1. Tác giả

Trương Thương Anh (1043-1121) hiệu là Vô Tận cư sĩ, sống vào thời Bắc Tống tại Trung Quốc. Từ nhỏ, ông đã tụng đọc thông nhiều kinh sách. Vào năm 19 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ, làm quan trải qua bốn triều vua: Anh Tông, Thần Tông, Triết Tông và Huy Tông. Vào thời vua Huy Tông, ông làm quan đến chức Thừa tướng (1110 – 1112). Ông giỏi về văn học và nghệ thuật. Trong Lịch sử văn học nghệ thuật của Trung Quốc chép rằng ông có cả trăm quyển tiểu luận, nhưng tiếc là đã bị thất lạc. Ngày nay trong tập “Lưỡng Tống danh hiền tiểu tập” còn một quyển “Hựu tùng các di cảo”[1].

Ông vốn là người không tin phật pháp. Khi trông thấy kinh Phật thờ phụng trang nghiêm, ông tức giận nói rằng: “Thế này ra đạo Khổng, Mạnh ta không bằng của người Ấn-độ ư?”[2], và muốn viết một bài luận bàn về việc đức Phật không có thật. Nhưng rồi, ông đã thay đổi suy nghĩ của mình sau khi đọc bộ Kinh Duy Ma Cật. Từ sau khi ông đọc bộ kinh này, cứ xong việc quan, ông lại đi đến các chùa bái yết các vị danh tăng rồi hỏi giáo lý huyền diệu. Nhờ đó, ông đã phát tâm tu tập và mau chóng “liễu ngộ được diệu đạo”[3]. Khi Phật giáo rơi vào tình cảnh khó khăn, ông đã đem đạo lý sâu xa mà bản thân liễu ngộ, dẫn sự lý cổ kim, có điển tích điển cố đích thực viết ra tác phẩm Hộ pháp luận để đền đáp công hạnh với đạo Phật[4].

1.2. Tác phẩm

Nội dung của Hộ pháp luận dựa trên những vấn đề mà các giới trí thức bấy giờ nhắm vào đạo Phật để bài xích, báng bổ, “Ông buồn vì cái học của thế tục còn mờ tối, chẳng hiểu được chân tính của mình, trong khi sinh hoạt hằng ngày, lại điên đảo nghĩ lầm, không biết đường vào, rồi mang lòng ghen tức sâu cay, khua môi múa lưỡi, trổ tài bài Phật, tự ví mình như ngài Mạnh Tử có công lao chống lại Dương – Chu, Mặc – Địch, để cho dời sau khen ngợi mình và tự cho mình là đồ đệ xứng đáng của Thánh Khổng! thực ra, họ là kẻ mù điếc, tự dối lòng mình, tức là dối cả lẽ trời, thế thì luận Hộ pháp nầy đâu có thể im lặng được”[5]. Trương Thương Anh đã so sánh những điểm nông, sâu giữa Phật giáo và Nho giáo, giữa Phật giáo và Đạo giáo, biện minh chỗ nhầm, phân tích chỗ ngờ, nêu rõ nhân quả rành rẽ, cảm ứng minh bạch nên được các phật tử xem nó như một tác phẩm kinh điển[6]. Có khi ông “dùng lời lẽ cứng rắn mạnh mẽ, có khi lại nhu hòa thâm trầm”[7]. Tất cả những gì ông viết đều nhằm mục đích đoạn trừ những mối nghi của các giới học giả, khiến cho họ sinh tín tâm. “Luận thư này có khả năng giải thích những hoài nghi của thiên hạ, chấm dứt được những bài bác của thiên hạ, thực là chuẩn mực cho những người học đời sau”[8].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Hoa Sen Thanh Tinh  

2. Khái quát cuộc đời và quan điểm của Âu Dương Tu đối với Phật giáo

2.1. Cuộc đời.

Âu Dương Tu (1007- 1072) tự Vĩnh Thúc, hiệu Túy Ông. Năm Thiên Thánh thứ tám, đời Tống Nhân Tông, ông đỗ tiến sĩ, từ đó làm quan từ địa phương đến trung ương.

Ông là một nhà văn nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại “thi thoại” (bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân...).

Ông viết những bài rất nổi tiếng như Tuý Ông Đình Ký (醉翁亭記), Bằng Đảng Luận (平等策), Thư Thanh Phú (書聲賦), Mai Thánh Du Thi Tập Tự (梅聖俞詩集自)... Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là “Lục nhất cư sĩ”, (cư sĩ với sáu cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già)[9]. Sự tự xưng này của Âu Dương Tu thể hiện tính cách phiêu lưu, độc đáo và có chút châm biếm của ông.

Đồng tư tưởng cùng Hàn Dũ, ông công kích, bài xích Phật giáo kịch liệt. Ông dựa trên lý giải lịch sử, những phong tục tập quán xã hội, đặc biệt là lễ nhạc điều hòa ứng xử của con người như khi ông nghiên cứu Chu Lễ. Tuy bài bác Phật giáo về mặt lý luận, nhưng trong đời sống thực tiễn thì ông lại thân thiết với những cao tăng là những nhà thơ tinh thông uyên bác về ngữ văn cũng như đạo lý Khổng, Phật.

2.2. Quan điểm bài xích Phật giáo của Âu Dương Tu

Nguyên văn trong tác phẩm ghi rằng: “歐陽修曰: 佛者善施無驗 不實之事” – dịch rằng: “Đức Phật hay làm những việc không có thực nghiệm”, phải chăng đây là một câu nói không có suy nghĩ, cũng như không tư duy của Âu Dương Tu vậy. Đây chính là một vấn đề quan trọng/một khe hở mà bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không thích Phật giáo đều dựa vào đây để chống phá, đả kích Phật giáo. Bàn về vấn đề này, thật ra do con người vọng tâm, hướng đến những điều không có thực, đi sai với con đường mà đức Phật đã dạy, chứ ngài là bậc Nhất thiết trí thì sao có thể nói ngài làm những việc không có thực nghiệm.

Đối với quan điểm của Phật giáo, mọi sự hiện hữu trong cuộc sống đều có quá trình duyên khởi của nó, “Nếu cái này có, cái kia có, do cái này sinh, cái kia sinh, nếu cái này không có, cái kia không có, do cái này diệt, cái kia diệt”[10]. Sự đau khổ của con người trên cuộc đời này cũng thế, đâu phải tự nhiên mà có, cũng đâu phải tự nhiên mà diệt. Hay như Nho gia thường thuyết: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên”[11]. Chính vì lẽ đó, đạo Phật thấy được sự khổ, nhìn nhận và đối diện với sự thật ấy mà không hề bác bỏ hay trốn tránh “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”[12].

Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc nhìn thấy sự khổ mà còn quán chiếu sâu sắc về cái khổ, nguyên nhân của khổ, và chỉ ra con đường diệt khổ. Qua đó, khi nhìn lại vấn đề Âu Dương Tu cho rằng: “Đức Phật hay làm những việc không có thực nghiệm”[13], bản thân người viết vẫn không thể hiểu ông căn cứ vào đâu để bài xích Phật giáo như vậy, tác giả của Hộ pháp luận cũng cho rằng đây chính là nói thiếu suy nghĩ, thiếu tư duy vậy, “Thường vì người tạo vọng, chứ Phật nào có tâm đó ư?”[14]. Bởi vì con người vốn tự tạo ra những điều càn quấy, tâm phàm phu vô thường dối trá. Đức Phật xả bỏ thân hình cao quý, ngôi vị quốc vương, ra đi tìm đường giải thoát để độ sinh, ngài vì thương tưởng hàng chúng sinh đói rét khổ sở, mà hiện thân cứu giúp. Ngài chẳng lấy cái đói rét làm việc cần cấp, cũng không phải để trốn tránh sự hoạn nạn, thế thì ngài làm những điều dối trá ấy để được cái gì? Nếu ngài nói ra những lời dối trá, chẳng có thực nghiệm như thế để mong dắt dẫn đồ chúng thì kẻ phàm phu họ cũng tự biết được vậy. Người nói ra lời này chẳng phải là tự mình vọng tâm hay có ý dẫn dụ đồ chúng bài xích Phật giáo vậy. Sao ông chẳng tự suy xét thương cho chúng đời sau, mà trước hết là thương cho bản thân mình mà có thể nói ra những lời càn quấy như thế.

Con người từ xưa đến nay, dù nói hay làm những điều dối trá, đều bị mọi người xa lánh. Huống gì, đức Phật là bậc giác ngộ giải thoát mà lại cắp nắp làm những việc dối trá hay sao? Nếu bảo rằng đức Phật có tâm dối trá thì tại sao chúng đệ tử của Ngài theo giáo lý của Ngài tu tập từ xưa đến nay, phật pháp được truyền bá rộng rãi, nối tiếp nghìn đời, khắp cả mười phương. Cho đến thiên thần quỷ vật đều cung kính, tôn trọng Ngài. Từ đây mà suy luận ra, nếu đức Phật dùng tâm hư dối, lời hư dối, hành động hư dối để giáo hóa chúng sinh thì làm sao được, huống chi nhiếp phục được các bậc thần thông đại trí tuệ.

Trong Kinh Kim Cang, đức Phật có dạy: “Như Lai thị chơn ngữ giả, thiệt ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả”[15], nghĩa là lời Như Lai nói ra tất cả đều thật, là chân chính, không hề có sự dối trá, không sai lệch. Điều này thể hiện tầm quan trọng của sự chân thật và tín nhiệm trong phật pháp, và là một trong những nguyên tắc cốt lõi của đạo Phật.

Nếu Mạnh tử nói: “Tụng lời vua Nghiêu, làm hạnh vua Nghiêu tức là vua Nghiêu vậy”[16] thì tác giả Trương Thương Anh lại nói rằng: “Đọc tụng lời Phật, làm theo hạnh Phật tức là Phật”[17], điều này chứng tỏ rằng đức Phật tu hành đắc đạo, chỉ dẫn con đường để chúng sinh thoát khổ như thế, mà người đời sau lại cho đó là dối trá, không có thực nghiệm, vậy chẳng phải là đáng thương lắm hay sao. Tất cả giáo lý của đức Phật cũng chỉ thâu tóm lại bằng ba chữ “giới, định, tuệ” mà thôi, nếu ai hành trì giới thì quyết không bị đọa lạc trong tam đồ thống khổ, hành trì theo định lực thì sẽ được thành công, vượt ra khỏi lục đạo, nếu định lực được thuần thục tự nhiên rồi thì sẽ chứng đắc được trí tuệ của đấng Như Lai. Thế thì những điều ấy có gì gọi là dối trá, không có thực nghiệm?

Cái thực nghiệm mà Âu Dương Tu nói đến ở đây là như thế nào? Theo tác giả Trương Thương Anh thì người viết có thể hiểu rằng: “Nếu thực sự vì đói rét mà chu cấp, chỉ khỏi được hoạn nạn,… chẳng phải lấy sự đói rét làm cần cấp, cũng không phải để tránh sự hoạn nạn”[18]. Qua đây để thấy rằng, có thể việc mà Âu Dương Tu cho là “thực nghiệm” chính là những việc như cơm ăn, áo mặc, đói rét, cơ hàn… cái mà ông lo lắng hoang mang cũng chỉ quẩn quanh như thế. Thực nghiệm có nghĩa là trải nghiệm đời sống, học hỏi và phát triển bản thân thông qua các trải nghiệm đó.

Trong Hộ Pháp Luận, tác giả Trương Thương Anh cũng đã dẫn như sau: “Tôi từng đọc sách của ông Âu Dương Tu, chỉ thấy ông luôn luôn lo buồn vì cái già, bệnh, nung nấu. Tuy ở chốn giàu sang mà lòng buồn rầu không lúc nào có dáng vui tươi. Xem nguyên ấy đủ biết là chân tình vậy. Bởi vì ông không thông nghiệm rõ được lý tính của nó, cho nên mới phải suy tư”[19]. Vậy điều khiến ông phê phán Phật giáo chính là do ông không thể nghiệm được lý tính chân thật của Phật giáo dẫn đến bài xích Phật giáo.

Như người viết đã trình bày, những việc Âu Dương Tu lo lắng chỉ là những thứ tồn tại trong cuộc sống, nó chỉ là những thứ nổi bên ngoài. Nếu chúng ta hoàn toàn chê trách quan điểm của ông thì cũng không phải vì những điều ông thấy chỉ là lẽ thường của người chưa tu đạo. Nhưng điều đáng trách hơn ở đây chính là ông chấp vào cái thấy của mình mà phê phán người khác, mà cái thấy của ông lại chẳng tới đâu, cho nên trong Hộ Pháp luận, tác giả đã có nói: “Những kẻ muốn bài xích tôn giáo ấy, hãy nên đọc hết các kinh sách của đạo ấy, tìm hiểu sâu vào lý của nó, rồi xét xem chõ nào không hợp với đạo Nho của ta, cùng với kiến thức của người học phật, phân tích chỗ nghi, biện minh chỗ hoặc, rồi sau bài xích, thì mới nên vậy”[20], những lời lẽ này của tác giả tuy giản đơn mà lại sắc bén vô cùng.

Những cái thấy của Âu Dương Tu là những tình hình thực trạng từ muôn đời, từ xưa đến nay chưa có ai giải quyết được nó, Khổng Tử cũng không làm được. Nếu được thì ông đâu còn thấy những hiện tượng đó nữa, để rồi ông gán ghép cho đạo Phật không làm những điều mà ông cho là cần thiết. Bản thân của ông không làm được lại cho người khác không làm, điều đó thật là phi lý, vô nghĩa.

Nếu chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn thì sẽ nhận ra những thứ ham muốn của phàm phu đều là dục vọng cho bản thân, vun bồi cho tự ngã mà thôi. Các dục vọng, ham muốn đó nhiều vô kể, không có hạn dừng, hỏi có mấy ai đã thấy thỏa mãn chưa, hay là khi có cái này rồi lại muốn có thêm cái khác.

Đạo Phật ra đời vốn dĩ không phải chỉ quan tâm đến mỗi cái nghèo khổ thế gian, mục đích cứu cách mà Đức Phật hướng đến không chỉ như thế. Bản thân đĐức Phật vốn là một vị vua, nếu chỉ vì lo nghĩ đến cơm áo gạo tiền cho chúng sinh thì làm chẳng phải Ngài dễ giải quyết hơn hay sao? Sao Ngài phải ra đi tìm đường giác ngộ, trở thành một vị khất sĩ trên thân không mang lấy một chút vật chất nào thì lấy gì ban bố cho chúng sinh. Công hạnh đó cao cả hơn nhiều và sự quán sát của đức Phật cũng xa hơn những người tầm thường như chúng ta, lâu nay chỉ biết nghĩ đến những thứ vật chất bên ngoài.

Đức Phật ra đời, ngài chính là “bậc đại y vương” chữa lành mọi căn nguyên bệnh khổ của thế gian: “Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chính đẳng giác được mệnh danh là bậc Đại y vương đã thành tựu bốn đức, chữa lành những căn bệnh hiểm nghèo của chúng sinh. Bốn đức ấy là gì? “Là Như Lai biết như thật đây là Khổ Thánh đế; biết như thật đây là Khổ tập Thánh đế; biết như thật đây là Khổ diệt Thánh đế, biết như thật đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế”[21]. Giáo lý Tứ diệu đế ra đời là một công trình thực tập. Ví như khi chúng ta nói “đây là khổ”, chúng ta không nhằm đưa ra lời lý thuyết suông, với tất cả mọi lý lẽ và dẫn chứng để chứng minh cho sự thật đó. Khổ là một đề mục để quán chiếu, để nhận diện. Khi chúng ta nhận diện và quán chiếu về cái khổ, chúng ta hiểu được bản chất của nó, thấy được nguyên nhân phát sinh cái khổ.

Đức Phật dạy: “Cái gì đã xảy ra cho ta, nếu ta quán chiếu sâu sắc vào tự thân nó, là ta đã bắt đầu đi trên đường giải thoát”[22]. Câu nói này có nghĩa là khi ta nhận diện được được cái khổ, liễu tri được cái khổ, thì ta sẽ thấy được khổ tập, tức là con đường đưa tới an lạc đã bắt đầu. Vậy thì những sự liễu tri, sự thực hành đó chính là những việc có thực nghiệm của đức Phật vậy. Ngài là bậc đạo sư dẫn đường cho mọi chúng sinh ra khỏi tam đồ mà tác giả Hộ Pháp Luận cũng đã nói: “Đức Phật cần phải cầu gì ở đời? Ngài chỉ đem lòng từ bi rộng lớn, nguyện lực sâu dày và thương hết thảy chúng sinh đi lại vòng quanh nơi sáu ngã, chịu biết bao nỗi khổ não, không giờ phút nào ngừng nghỉ”[23]. Nếu không phải những điều như thế thì đức Phật lìa bỏ ngôi rất cao quý, giàu sang, vì đạo quên mình để mà làm gì?

Quan điểm bài xích Phật giáo này của Âu Dương Tu chính là thể hiện ông thiếu tư duy, thiếu hiểu biết nên mới như vậy. Như tổ Đại Điên đã nói với Hàn Dũ vậy: “Sự học vấn hiểu biết của ông không bằng những người kia, mà những việc của các người kia làm ông cho là trái, nghĩa là thế nào?”[24].

Từ đây có thể thấy rằng, thực trạng báng Phật trọng Nho của các nhà Nho có sức ảnh hưởng vô cùng lớn, tạo thành một xu thế báng Phật trong xã hội mà họ không cần phân biệt đúng sai, không cần hiểu biết rõ ngọn ngành hay giáo lý, tư tưởng của đạo Phật. Để có thể phá tan định kiến này không có gì hiệu quả hơn chính là dùng nhận định của Nho gia để đập tan thành kiến của chính họ, mà đỉnh cao là việc dẫn lời của đức Khổng Tử: “Khâu tôi nghe ở phương Tây có bậc đại thánh nhân, không trị mà không loạn, không nói mà tự tin, không giáo hóa mà tự làm theo. Danh vang khắp muôn dân, không nơi đâu không biết”[25]. Điều này được học trò của Khổng Tử ghi nhận thì không thể nào là dối trá được. Trên cơ sở đó có thể thấy: “Khổng Tử là bậc thánh nhân còn tôn trọng Phật như thế, vậy mà những người học đạo của Khổng Tử đời nay chưa đọc được trăm cuốn sách, đã vội lấy việc chê bai Phật làm điều cấp thiết?”[26].

Qua đó cho chúng ta khẳng định được một điều rằng nhận định của bậc thánh nhân là sáng suốt và điều đó cũng chính là muốn nói việc bài bác phật pháp là việc làm vội vàng thiếu suy nghĩ. Để điều này được thuyết phục hơn, tác giả Trương Thương Anh trong Hộ Pháp luận đã nói như sau: “Nếu muốn bài xích Phật giáo, thì nên đọc hết những kinh sách và nghiên cứu thật sâu giáo lý của đạo Phật, nhặt lấy những chỗ không hợp với đạo Nho ta, cùng với sự nhìn nhận của những người học Phật, nhằm giải thích điều nghi, biện minh những điều chưa rõ, rồi sau đó mới có thể bài bác”[27].

3. Trách nhiệm của người đệ tử Phật trong hộ trì chính pháp

3.1. Trách nhiệm của tu sĩ

Từ bao đời nay, hình ảnh tu sĩ luôn là một hình ảnh trang nghiêm, thiêng liêng và đặc biệt. Chính vì thế, việc giữ hình ảnh trang nghiêm chưa bao giờ là dư thừa, đặc biệt hơn ở thời đại ngày nay, việc phổ biến rộng rãi mạng internet trên toàn cầu, việc giữ gìn hình ảnh tu sĩ rất cần thiết. Bởi lẽ ngày nay, chỉ cần một hành động nhỏ không đẹp, lọt vào mắt của người thế gian, hay lọt vào camera của người đi đường hay bất cứ đâu, đó là vấn đề nan giải hiện nay trong tăng đoàn. Chúng ta sẽ không thể nào biện minh cho điều đó, vì không ai quan tâm chúng ta đúng hay sai, vô tình hay cố ý. Đơn giản họ chỉ tin vào sự nhìn thấy của họ mà thôi. Đây là một vấn nạn của thời hiện nay. Chính vì như vậy, việc giữ gìn oai nghi tế hạnh là việc vô cùng quan trọng của tăng, ni ngày nay.

Bên cạnh đó, những thoái hóa biến chất của một số tu sĩ với mực đích để được cung phụng lợi dưỡng, nên khi có được sự cung phụng cúng dường thì ngày càng sa đọa, hơn thua, ghanh ghét, đố kỵ lẫn nhau,… tự cho rằng những việc mình làm là việc bình thường, khiến cho tăng đoàn mất đoàn kết. Để rồi đánh mất đi hình ảnh của một người xuất gia, đánh mất lòng tin nơi phật tử và bị người đời xem thường.

3.2. Trách nhiệm của cư sĩ, phật tử

Đối với người cư sĩ, phật tử, việc đầu tiên đó chính là giữ gìn năm giới một cách trọn vẹn. Qua đó giúp mình trở thành một hình mẫu cao đẹp trong gia đình và xã hội.

Việc thứ hai chính là giữ vững niềm tin nơi Tam bảo. Khi chúng ta có niềm tin vào pháp kiên cố, chúng ta sẽ không bị dẫn dụ vào con đường sai trái. Khi niềm tin vào Tăng được vững chãi thì dù có một vài cá nhân trong Tăng không như pháp vẫn không sinh lòng thối thất và hủy báng.

Người phật tử còn là những vị hộ pháp cho cuộc sống tu tập của tăng đoàn, kiến thiết chùa chiền, các đạo tràng để có không gian tu tập đều có công lao của phật tử đóng góp. Ngoài ra, phật tử còn là những người bảo vệ phật pháp khi có các thế lực ngoại đạo xuyên tạc, chia rẽ trong nội bộ tăng đoàn.

KẾT LUẬN

Hộ Pháp luận mặc dù đã ra đời từ rất lâu, nhưng giá trị tư tưởng trong đó vẫn nguyên vẹn. Chúng ta cần nêu cao tinh thần bảo vệ Phật pháp như Tống thừa tướng Trương Thương Anh, xem đây là một việc làm hằng ngày trong đời sống tu tập của mình, để luôn hộ trì, giữ vững sự hưng thịnh cho chính pháp.

Phật giáo đã trải qua nhiều sóng gió của thời cuộc. Đến hôm nay giáo pháp ấy vẫn tồn tại và hiện hữu trong lòng mỗi người con Phật, chính vì lẽ đó mà việc hộ pháp, giữ gìn không phải của riêng cá nhân nào, hay một thời đại, một thế hệ nào mà là tất cả những người con Phật đều phải có trách nhiệm bảo hộ, gìn giữ và phát huy. Là những người con Phật, đi theo con đường lý tưởng của đức Như Lai, hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, bình an thì bổn phận giữ gìn những chân lý ấy là một việc làm tối ưu quan trọng.

Ngày nay, việc hộ trì phật pháp là vô cùng cấp thiết, bởi lẽ trong thời điểm hiện tại có quá nhiều vấn đề đang diễn ra, thậm chí ngày càng gia tăng và phức tạp. Bản thân người xuất gia hay tại gia đều cần phải có tinh thần và trách nhiệm chấn chỉnh hành vi, oai nghi, cuộc sống thường nhật,… ngay chính trong nội bộ, đồng thời có những kế hoạch truyền bá Phật pháp trong tương lai, giúp đạo Phật tồn tại và phát triển.

Thông qua tác phẩm Hộ Pháp luận, chúng ta thấy được vai trò hộ pháp đắc lực của người cư sĩ. Đây cũng chính là bài học cho những người tu sĩ không chăm lo vun bồi đức hạnh, chạy theo những ham muốn của thế gian, để rồi bị người đời chỉ trích, khinh thường. Những vấn đề làm ảnh hưởng đến cả sự thịnh suy của Phật giáo. Do đó, người tu sĩ chúng ta cần nên thận trọng trong tu tập, đừng tạo cơ hội cho ngoại đạo bài xích, đả phá Phật giáo chúng ta.

Tác giả: Thích nữ Thiện Tánh Học viên Ths Khóa V- Học viện PGVN tại TP.HCM

***

Chú thích: [1] 张勇耀, “张商英的河东宦绩与创作”, https://www.dazuig.com/wenz/wsyk/620173.html. Truy cập ngày 20/5/2022. [2] Vân Thê Tổ sư (1939), Cực lạc quê nhà, Tố Liên dịch, NXB. Trường Thiền Học Trung Ương Bắc Kỳ Phật Giáo, tr.30. [3] Sđd, tr. 30. [4] Sđd, tr. 30-33. [5] Thích Đức Nghiệp, Luận Hộ Pháp và Phật Giáo Với Khoa Học, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr.5. [6] 张勇耀, “张商英的河东宦绩与创作”, https://www.dazuig.com/wenz/wsyk/620173.html. Truy cập ngày 20/5/2022. [7] Thích Nữ Như Nhẫn (2015), “Tìm hiểu về Hộ pháp luận”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, Số 1, Nxb. Hồng Đức, tr.20. [8] Thích Đức Nghiệp dịch (2007), Luận hộ pháp và Phật giáo với Khoa học, Nxb. Tôn Giáo, tr.5. [9] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%82u_D%C6%B0%C6%A1ng_Tu#cite_note-WDL-1 [10] Thích Minh Châu dịch, “Trung Bộ II”, kinh Đa Giới, Nxb. Tôn Giáo, 2012, tr.389. [11] Câu này xuất phát từ “Luận ngữ-Nhan Uyên”, từ cuộc đối thoại giữa hai học trò của Khổng Tử là Tư Mã Canh (tự Tử Ngưu) và Tử Hạ. [12] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ 2”, Chương V Năm Pháp VI. Phẩm Triền Cái, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, Trang 422. [13] Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb. Hương Quang, 1962, tr16. [14] https://tangthuphathoc.net/luan-ho-phap/ [15] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Kim Cang Bát Nhã Kinh Sớ Luận Toản Yếu - Quyển Hạ, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, Trang 543. [16] Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb. Hương Quang, 1962, tr. 18. [17] Sđd, tr. 18 [18] Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb. Hương Quang, 1962, tr. 17. [19] Sđd, tr. 49. [20] Sđd, tr. 16. [21] Biên soạn Thích Nguyên Hùng, Tổng Quan Bốn Bộ A Hàm, Toát Yếu Kinh Tạp A - Hàm, Hồng Đức, Hà Nội, 2014, Trang 311-312. [22] Sđd, tr. 311-312. [23] Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb. Hương Quang, 1962, tr.15. [24] Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb. Hương Quang, 1962, tr. 19. [25] Sđd, tr. 14. [26] Sđd, tr. 14. [27] Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb. Hương Quang, 1962, tr. 16.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Kim Cang Bát Nhã Kinh Sớ Luận Toản Yếu - Quyển Hạ, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000. 2. Thích Tuệ Hải dịch, Hộ Pháp Luận, Nxb.Hương Quang, 1962. 3. Thích Đức Nghiệp, Luận Hộ Pháp và Phật Giáo Với Khoa Học, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2007. 4. Thích Minh Châu dịch, “Trung Bộ II”, Nxb. Tôn Giáo, 2012. 5. Đoàn Trung Còn dịch, Tứ Thư, Luận Ngữ, Nxb.Thuận Hóa, 2011. 6. Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A Hàm I”, Nxb.Phương Đông, 2015. 7. Thích Minh Châu, “Kinh Tăng Chi I”, Nxb..Tôn Giáo, Hà Nội, 2015. 8. Vân Thê Tổ sư (1939), Cực lạc quê nhà, Tố Liên dịch, NXB. Trường Thiền Học Trung Ương Bắc Kỳ Phật Giáo. 9. Thích Nữ Nguyện Liên và nhiều tác giả (Việt dịch) (2016), Giá trị văn học trong Kinh Phật, Nxb. Hồng Đức. 10. Thích Nữ Như Nhẫn (2015), “Tìm hiểu về Hộ pháp luận”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, Số 1, Nxb. Hồng Đức. 11. 黄启江,“张商英护法的历史意义”, 中華佛学学报第9 期, (1996),薹北:中華佛学研究所。 12. 张勇耀, “张商英的河东宦绩与创作”, https://www.dazuig.com/wenz/wsyk/620173.html. 13. “History of the Five Dynasties”, World Digital Library. 1280–1368. 14. https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%82u_D%C6%B0%C6%A1ng_Tu#cite_note-WDL-1

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ho-phap-luan-va-cau-noi-cua-au-duong-tu-duc-phat-hay-lam-nhung-viec-khong-co-thuc-nghiem.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giai-chung-ve-dao-phat-qua-tac-pham-ho-phap-luan.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/quan-diem-cua-au-duong-tu-ve-dao-phat-trong-ho-phap-luan.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/gia-tri-van-hoc-trong-tac-pham-ho-phap-luan.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ho-phap-luan-khong-cay-ma-co-com-an.html