Tác giả: An Tường Nhân Học viên Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế
1. Sự nối tiếp quan niệm về con người trong thơ Thiền thời Lý
Tác giả Đào Nguyên nhận định “Thành tựu đầu tiên của lịch sử văn học Việt Nam là văn học Lý - Trần, ở đấy, Phật giáo vừa là cái nền vừa có những đóng góp phong phú”[3, tr.77]. Cũng vậy, thơ Thiền thời Lý đã tạo ra nền tảng cho thơ Thiền thời Trần kế thừa và phát huy những thành tựu của nó, làm cho nền văn học thời bấy giờ phát triển rực rỡ, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn học nước nhà mọi thời đại. Nếu như, các tác giả thời Lý đa số là các Thiền sư, cao tăng đắc đạo thì sang đời Trần, lực lượng sáng tác lại đa dạng hơn, được mở rộng thêm. Đó là ngoài các Thiền sư thì còn có vua chúa, quý tộc, quan lại, nho sĩ có cảm tình với Phật giáo.
Nội dung tác phẩm của cả hai thời đại thường là các triết lý Thiền học, mang cảm hứng Thiền. Tuy nhiên, số lượng tác giả có ít hơn nhưng số lượng tác phẩm của thời Trần lại nhiều hơn, nội dung cũng phong phú, đa dạng hơn nên dễ dàng đạt được nhiều thành tựu có giá trị. Nội dung mỗi tác phẩm thơ thời Lý thường cô đọng, súc tích và ngắn gọn, thời Trần dựa vào nền tảng này tạo ra các tác phẩm bề thế hơn, nội dung không chỉ gói gọn trong lý thuyết mà được ứng dụng thực hành vào cuộc sống. Các tác phẩm thơ Thiền thời Trần không phóng túng về thi luật như nhà Lý mà các tác phẩm được tạo ra theo các quy luật khác nhau như Đường luật (tứ tuyệt, bát cú). Có nhiều tác phẩm thơ đạt đến trình độ thẩm mỹ nghệ thuật cao, nội dung sâu sắc. Cũng như Cửu Phong tiên sinh từng nói: “Văn dĩ thần (thì) dị, Trị dĩ đạo đồng”[1, tr.109] nghĩa là: Văn chương vì thời mà khác, chính trị vì đạo mà cùng. Nên thơ Thiền thời Trần ngoài tiếp nhận thành tựu từ thơ Thiền thời Lý đã phát triển lên thêm rất nhiều để có thể phù hợp với xu hướng của thời đại.
Phương tiện sáng tác trong giai đoạn Lý - Trần gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Nhưng thật đáng tiếc, ngoài một số tác phẩm thơ chữ Hán chúng ta chỉ tìm thấy bốn tác phẩm thi ca chữ Nôm còn lưu lại thuộc thơ văn thời Trần. Điều này càng chứng tỏ rằng, các tác giả thời Trần đã tiếp nối truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc từ thời Lý nên đã cố gắng duy trì, phát triển nền văn học chữ Nôm đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta nhận thấy các Thiền sư - thi sĩ đã thực hiện một cách trọn vẹn hai chức năng nơi con người thơ của mình: Chức năng một nhà sư của đạo từ bi và chức năng một công dân yêu quê hương đất nước, ca ngợi con người, sống đầy lòng vị tha, tiêu diêu tự tại, hòa mình vào vũ trụ bao la. Và mong muốn dân tộc ta có thể độc lập về ngôn ngữ, tiết chế sử dụng ngôn ngữ ngoại lai kể cả trong sáng tác văn chương, là một suy nghĩ rất đẹp, rất thiêng liêng mà các thi nhân đời Trần đã thể hiện.
Thơ Thiền là một bộ phận của văn học, lại được sáng tác dưới ánh sáng của một nền minh triết vĩ đại, một tôn giáo hoà bình, tự do và uyên áo như đạo Phật. Lẽ dĩ nhiên, sẽ tạo ra một nguồn tác phẩm vô cùng phong phú và chất lượng. Qua khảo sát, người viết nhận thấy rằng trong nội dung sáng tác, các tác giả đã vận dụng hòa điệu mối tương quan giữa cả Tam giáo là Nho - Phật - Lão để sáng tác, cả hai nền cảm hứng chính của văn học trung đại là: cảm hứng nhân văn và cảm hứng yêu nước ứng dụng phù hợp.
Quan niệm về con người học đạo và đạt đạo: Con người giải thoát, con người vô ngôn, vô ngã, tự do phá chấp, con người vũ trụ siêu việt đồng nhất với vạn vật, con người tuỳ duyên bất biến “hoà quang đồng trần” nhưng không bị cuộc sống trần thế làm cho ô nhiễm… được đề cập khá rộng rãi từ thời Lý và đạt đỉnh cao vào thời Trần.
Trong hệ thống thơ Thiền thời Lý chỉ cần nhắc lại một số tác phẩm của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Huệ Sinh, Mãn Giác, Đạo Hạnh, Không Lộ… là chúng ta thấy rằng đấy mãi mãi là những ngôi sao sáng trong văn học Việt Nam. Nhắc đến ý nghĩa cành hoa mai trong thơ của Thiền sư Mãn Giác, cho đến nay, cành hoa mai ấy vẫn được xem là cành hoa mai đẹp nhất trong nền văn học của chúng ta.
Thơ Thiền thời Lý có hoa mai tượng trưng cho Phật tính thường hằng, sự giải thoát tối hậu “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Hôm qua sân trước một cành mai), thì đến thời Trần hình ảnh hoa cúc lại phổ biến hơn qua sáu bài thất ngôn tứ tuyệt: Cúc hoa của Huyền Quang.
Với sự kết hợp hài hoà giữ thiên nhiên và chất liệu Thiền đã tạo được sự gắn bó đậm đà giữa loài hoa đó với cả chiều sâu - chiều rộng của kiếp người. Có lẽ ngay từ thời nhà Lý, các Thiền sư - thi sĩ đã có con mắt nhìn đời rất thơ, rất mầu nhiệm, rất lạc quan về giá trị của con người. Để rồi đến một lúc nào đó “Một đoá hoa vàng chợt nở tung” chính là sự bừng tỉnh của một tâm hồn đạt đạo trong cái giây phút nhiệm màu.
Trong văn học Việt Nam, có lẽ vua Lý Thái Tông là nhà thơ đầu tiên đã nói đến sắc hoa, ánh trăng, trong sự kết hợp với chất liệu Thiền để diễn tả tâm ý của mình qua thi ca:
…Ưng khai chư Phật tín, Viên hợp nhất tâm nguyện. Hạo hạo Lăng Già Nguyệt, Phân phân Bát nhã liên.[4, tr.243]
Mở niềm tin chư Phật, xa hợp một tâm nguồn. Trăng Lăng Già vằng vặc, sen Bát nhã thơm truyền… Thi phẩm được ra đời trong hoàn cảnh nhà vua mất đi một vị thầy vĩ đại, là Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (毘尼多流支 - Vinītaruci) - Sơ tổ Thiền phái đầu tiên tại nước ta.
Thiền sư tuy đã viên tịch nhưng Ngài đã kịp để lại một tàng kinh điển và rực sáng đức hạnh hiếm ai sánh kịp. Lúc này, tác giả ví Sư như vầng trăng sáng, một đời truyền đạo không mệt mỏi.
Theo quan niệm của Phật giáo, Lăng Già được chỉ cho hệ thống Kinh điển của nhà Phật. Như vậy, “Hạo hạo Lăng Già nguyệt” chính là chỉ cho giáo lý, Pháp bảo của chư Phật nhẹ nhàng, tươi mát và toả khắp nhân gian, xoa dịu mọi nỗi khổ niềm đau của nhân thế, mang ánh sáng đến với cõi ngập tràn bóng tối. Còn hình ảnh hoa sen lại chỉ cho trí tuệ Bát nhã ( 般若 - paññā) ánh sáng và hương thơm của tuệ giác sẽ được lưu truyền nơi nơi, khiến chúng sinh chuyển mê khai ngộ, bước ra khỏi bóng tối vô minh để đến nơi ánh sáng tuệ giác.
Hình ảnh “Ánh trăng Lăng Già tịch tĩnh soi tỏ con thuyền trống không trên biển, thời gian và không gian mênh mông vô tận” của Thiền sư Huệ Sinh, cũng như âm thanh “Kêu dài một tiếng lạnh hư vô” của Thiền Sư Không Lộ, đều là những hình ảnh những âm thanh hết sức độc đáo, rất hiện thực lại rất siêu thoát mà thơ Thiền thời Lý mang lại cho văn học Việt Nam nói chung, văn học Phật giáo nói riêng.
Nền tảng cho văn học Phật giáo thịnh Trần tiếp biến rất nhiều trong tác phẩm của mình qua các tác phẩm thơ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung, Trần Nhân Tông, Huyền Quang...
Ngoài Lý Thái Tông, Thiền sư Viên Chiếu trong Tham đồ hiển quyết [3, tr.274-289] cũng đã kết hợp hình ảnh gió, trăng, hoa của thi ca vào tác phẩm đậm chất Thiền của mình: “Ly hạ trùng dương cúc, Chi đầu thục khí oanh” (Trùng dương đến cúc vàng dưới giậu, xuân ấm về oanh nâu đầu cành); “Vạn cổ nguyệt trung quế, Phù sơ tại nhất luân’ (Nghìn xưa cây quế mọc cung trăng, tươi tốt nào ra khỏi chị Hằng); “Uyển trung hoa lạn mạn, Ngạn thượng thảo ly phi” (Hoa rực rỡ vườn hồng, cỏ thưa thớt bờ sông); “Trượng phu tuỳ phóng đãng, Phong nguyệt thả tiêu dao” (Trượng phu phóng đãng gian hồ, tiêu dao thôi hãy mượn bồ gió trăng); “Bất kiến xuân sinh kiêm hạ trưởng, Hựu phùng thu thục cập đông tàng” (Xuân sinh hè trưởng biết đâu, chỉ hay thu chín đông mau nhặt về); “Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát, Phong xuy thiên lý phức thần hương” (Hoa rợp cành khô lúc tiết xuân, gió đưa nghìn dặm nức hương thần); “Xuân hoa dữ hồ điệp, Cơ luyến cơ tương vi” (Hãy xem bướm dỡn hoa xuân, mấy phần quyến luyến mấy phần rời xa); “Tủng nhân thính cầm hưởng, Manh giả vọng thiềm từ” (Kẻ điếc nghe đàn cầm, người mù ngắm trăng rằm); “Thu thiên đoàn thử lệ, Tuyết cảnh mẫu đơn khai” (Hoàng oanh hót dưới trời thu, mẫu đơn nở giữa mịt mù tuyết bay); “Giáp kinh sâm sâm trúc, Phong xuy khúc tự thành” (Ngõ trúc tốt rườm rà, gió lùa qua trúc đàn ca tự thành); “Giốc hưởng tuy phong xuyên trúc đáo, Sơn nham đái nguyệt quá tường lai” (Gió thổi sừng kêu xuyên rặng trúc, vầng trăng vượt núi đến bên tường)… bước đầu vận dụng các thi liệu hoa lá, cỏ cây, gió trăng, bướm, chim, trà… qua thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hoá, biểu tượng, nghịch ngữ… đã làm câu thơ thêm phần sinh động, cuốn hút có giá trị về cả thẩm mỹ và miêu tả triết lý nhà Phật một cách phù hợp. Tạo nên hình tượng con người giải thoát, tiêu diêu cùng với gió mây, hoà mình vào vũ trụ bao la rộng lớn. Về sau này hình ảnh con người giải thoát, con người vũ trụ, con người tự do tự tại này vào thời Trần lại đạt đến trình độ cao hơn, siêu thoát hơn.
2. Thơ Thiền thời Trần - Cái nhìn đa dạng về con người
Qua các kiểu quan niệm về con người trong thơ Thiền thời Trần, chúng ta nhận thấy rằng để có được những con người hoàn bị như vậy có lẽ từ trước đó, tức là vào thời nhà Lý những con người vô ngã, vô ngôn, tự do phá chấp như vậy phải được hun đúc, phải có một quá trình tịnh tiến từ thấp đến cao. Thật vậy, trong thơ Thiền thời Lý đã xuất hiện hình ảnh:
Sinh lão bệnh tử, Tự cổ thường nhiên. Dục cầu xuất ly, Giải phọc thêm triềm.[4, tr.339]
Sinh - lão - bệnh - tử, lẽ thường tình xưa nay. Muốn cầu siêu thoát, cởi trói chính là buộc chặt thêm. Thân con người suy cho cùng chỉ là sự giả hợp của các ngã tướng. Khi các ngã tướng này suy hoại thì con người cũng trở về với hư vô. Vì vậy, lẽ sống chết vốn là thường tình, con người nên quay về sống tỉnh thức với hiện tại, không tìm cầu lo lắng. Ngay cả tìm cầu sự giải thoát, các quả chứng ngộ cũng chỉ là cởi trói chính là buộc chặt thêm. Các Thiền sư chủ trương sống thuận theo tự nhiên, vô ưu vô lo, ko lo nghĩ chuyện quá khứ hay vị lai:
Vạn lý thanh giang vạn lý thiên Nhất thôn tan giá nhất thôn yên. Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán. Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền.[4, tr.386]
Sông xanh vạn dặm, trời xanh vạn dặm, một thôn dâu gai, một xóm khói mây. Ông chài say ngủ chẳng ai gọi, quá trưa tỉnh dậy tuyết rơi xuống đầy thuyền. Con người hiện diện giữa vùng sông nước, dâu xanh và khói sóng. Lại vô tư ngủ ngon lành giữa đất trời rộng mở. Bức tranh thuỷ mặc có con người tự do tự tại giữa nền tuyết trắng, nơi đó có vài sợi khói sương, có dâu xanh, sông xanh trời cũng xanh ngút ngàn vạn dặm thật làm người tiếp nhận thơ cảm được sự tươi mát của đất trời, sự bình an trong tâm người.
Sau này, Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần, không chỉ nổi danh với tài trị nước mà còn là một nhà thơ tài hoa, một nhà Thiền học lỗi lạc, là “bó đuốc sáng của Thiền học Việt Nam”. Trong tất cả các bài kệ thuộc tác phẩm Khóa hư lục của Ngài đều là thơ, thơ thất ngôn, ngũ ngôn hoặc tứ ngôn…cũng nhắc đến hình ảnh ngư ông, cũng ngủ trên thuyền: “Ngư ông tuý lý, điếu chu hoành”[5, tr.46] (Ông chài say tít, mặt thuyền quay). Một bên ngủ để mặc tuyết phủ đầy thuyền, một bên cứ ngủ mặc thuyền quay. Có lẽ, cái động của đất trời, của vạn vật xung quanh không ảnh hưởng lắm đến cái tâm tĩnh lặng, “đói bụng thì ăn, mệt ngủ liền”, “đối cảnh vô tâm” của các vị Thiền sư - thi sĩ. Hình ảnh này là điểm gặp gỡ tâm linh của hai con người, của hai thời đại nhưng chung một vị giải thoát tịnh lạc.
Đọc qua các tác phẩm thơ: Hữu tử tất hữu sinh của Vạn Trì Bát, Đạm Nhiên của Trí Hiền, Ngôn chí của Y Sơn, Cáo tật thị chúng của Mãn Giác, Thị đệ tử bản tịch của Thuần Chân, Tâm không của Viên Chiếu, Thị tịch của Ngộ Ấn, Thất châu của Đạo Hạnh, Hưu hướng Như Lai của Quảng Nghiêm, Hãn tri âm của Hải Ngung, Trí nhân vô ngộ đạo của Tịnh Không, Tâm của Thường Chiếu, Sanh lão bệnh tử của Diệu Nhân, Nhật nguyệt của Thiền Lão… thuộc nền văn họ thời Lý chúng ta càng thấy rõ, đây chính là nấc thang, là bàn đạp để sau này thơ Thiền thời Trần có bước tiến dài trên vũ đài văn học. Nào là những con người tự do, ung dung, không chấp ngã cũng chẳng chấp pháp, ngay cả giáo lý và pháp tu của nhà Phật còn không ràng buộc được các nhà sư huống hồ là công danh lợi lộc tầm thường “Thượng pháp ứng xả, hà huống phi pháp - Kinh Kim Cang”, các tác phẩm trên là minh chứng hùng hồn cho tinh thần vô chấp, không câu nệ đó. Và các tác phẩm: Khóa hư lục của Trần Thái Tông, Thị chúng, Thị học, Xuất trần, Phóng cuồng ngâm, Vạn sự quy như, Sanh tử nhàn nhi dĩ, Trì giới kiêm nhẫn nhục… của Tuệ Trung, Chân tâm chi dụng, Sinh tử, Hữu cú vô cú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Cư trần lạc đạo phú…của Trần Nhân Tông và nhiều tác phẩm khác của thời Trần đã dựa vào tinh thần này và đưa tinh thần đó lên tầm cao mới. Với sự diệu dụng của con người chứng ngộ, nhập thế song hành.
Tuệ Trung, một nhà thơ lớn, không chỉ của văn học thời Trần mà là của cả văn học Việt Nam, một gương mặt Thiền học đặc biệt, là nhà thơ Việt Nam đầu tiên đã đi đến tận cùng nơi các con đường của Tam giáo Nho - Phật - Lão: Từ nẻo nhập thế hành động trong thực tiễn của Nho, đến cái nhàn dật phóng khoáng của Lão Trang, và cái siêu thoát tự tại, phá chấp triệt để của Phật. Là nhân vật nổi bậc nhất trong nền văn học Thiền thời Trần. Bởi lẽ, ngoài tiếp thu tinh hoa thơ Thiền thời Lý, Ngài đã vận dụng thành công tư tưởng của mình vào tác phẩm với phong cách phóng khoáng, độc đáo. Sự vô chấp triệt để này khiến cho tác phẩm của Ngài dễ dàng thâm nhập, cuốn hút đại đa số quần chúng yêu thơ mà đặc biệt là yêu mến thơ Thiền. Nền tảng để có những nốt phá cách đó, không ngoài việc tiếp thu những kinh nghiệm tu tập, những quan niệm về con người, mối giao hoà giữa người và cảnh có trong thơ Thiền thời Lý.
Thật ra, tất cả sự phân chia, quy về nhóm quan niệm về con người như trên chỉ mang tính tương đối, phiến diện. Con người là tổng thể hài hòa, toàn diện, những phẩm chất ẩn tàng trong mỗi cá nhân đạt đạo đó đều nhất quán, siêu thoát bởi tất cả là một, một là tất cả “tâm pháp nhất như, vạn vật nhất thể”, ba ngàn thế giới tồn tại trên đầu một cọng lông, một hạt cải chứa toàn thể vũ trụ và một tấm thân tứ đại, ngũ uẩn chứa muôn pháp, muôn vật. Cho nên thơ Thiền thời Trần tuy khắc họa chân dung con người tôn giáo với các phẩm chất như con người giải thoát, con người vô ngã, con người vô ngôn, con người tự do phá chấp, con người vũ trụ, con người coi thường tử sinh, ung dung tự tại trong cuộc đời vô thường, nhưng đồng thời cũng khắc họa con người nhập thế, cứu độ chúng sinh theo cách của riêng mình tuy rộng, hẹp, cao, thấp có khác nhau nhưng tinh thần hoằng pháp lợi sinh, mong mỏi con người luôn sống bình an, thịnh vượng, hạnh phúc thì không khác.
Cuối cùng, nhắc lại nhận định của Giáo sư Nguyễn Lang: “Văn học thời Lý đã thịnh và chịu ảnh hưởng của đạo Phật nhiều. Nhờ đạo Phật mà bia các chùa và sách Thiền Uyển Tập Anh còn giữ được một phần tác phẩm. Xem vậy, Phật giáo có công to đới với sự phát triển cũng như bảo tồn văn học nước nhà.”[2, tr.224]. Văn thơ thời Lý đối với nền văn học nước nhà còn có công to, huống hồ chi lại không ảnh hưởng đến thơ văn thời Trần, thời đại tiếp kề sau nó. Dòng chảy truyền thống đó không thể nào không tiếp tục chảy từ thời Lý sang Trần và cho đến ngày nay.
Tác giả: An Tường Nhân Học viên Ths Khóa II, Học viện PGVN tại Huế
*** TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Quý Đôn toàn tập (1997), Kiến văn tiểu lục - tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 2. Nguyễn Lang (2008),Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn Học, Hà Nội. 3. Nhiều tác giả (2005), Phật giáo trong thời đại chúng ta, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 4. Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý Trần, tập 1, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 5. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Bình luận (0)