Sám hối là từ âm Hán 懺悔, thường dùng trong tôn giáo, trong đó Phật giáo, công giáo đều sử dụng khái niệm này.
Sám 懺 gồm bộ tâm. Chữ Sám 懺gồm chữ tâm 忄và chữ tiêm 韱 . Chữ 韱 nghĩa là rau hẹ rừng. Tâm mà đi cùng chữ tiêm, hiểu là tâm không chính kiến, tâm đang hỗn độn “tùm lum” như rau hẹ, tâm cần ăn năn. Nguồn gốc Sám từ tiếng Phạn là ksama.
Hối 悔 cũng thuộc có bộ tâm 忄. Chữ Hối 悔gồm chữ tâm 忄và chữ mỗi 每 . Mỗi 每 nghĩa là hối hận.
Sám hối là ăn năn hối hận những điều lỗi đã phạm phải.
Trong mười hạnh nguyện lớn của Bồ tát Phổ Hiền thì sám hối là hàng thứ tư.
Tứ giả sám hối nghiệp chướng.
Nghiệp chướng là nghiệp xấu mà do mình tạo ra nay phải sám hối.
Trong cuộc đời, ai cũng phạm ít nhiều sai lầm. Bởi là con người, nên sai lầm không thể tránh, nếu không được tu tập. Sai lầm có thể làm cho người khác đau khổ, làm buồn lòng người mình thương và có khi mình cảm thấy hối tiếc. Sai lầm bởi mình không khéo léo trong hành động, trong nói năng. Đôi khi, vì vô minh, không có cái nhìn, cái thấy của người tu, mà phạm sai lầm.
Triết lý nhà Phật là bao dung. Luôn dạy cho mọi người biết sám hối. Kinh Sám hối là một ví dụ. Sám hối để tỏ lòng ăn năn, sám hối để trở về hành động có chính kiến.
Điều quan trọng là sau khi sám hối, mình phải đứng lên từ cú vấp ngã đó. Đừng có dằn vặt. Nếu cứ dằn vặt về quá khứ thì tâm sẽ không an lạc. Hãy nghĩ rằng, có sai lầm, có vấp ngã thì mới đứng dậy mà sống tốt hơn. Khi đã tu, mình biết cách khéo léo tránh làm cho người mình thương yêu đau khổ.
Nếu có điều gì muốn nói với những người mình thương, tất nhiên mình phải nói ra. Quan trọng là biết cách để giãi bày. Điều mình nói ra có thể theo cách làm cho người nghe đau khổ, và tất nhiên nó cũng làm cho mình đau khổ. Nhưng cũng có cách khác, khi nói ra người nghe không còn buồn bực và mình cũng vui. Đó là nghệ thuật truyền thông. Nhà Phật gọi là lời nói chính ngữ.
Vì vậy, vấn đề không phải là nên nói hay không nên nói ra những gì mình giữ trong lòng, mà là nói thế nào để xua tan khổ đau.
Đó là nghệ thuật, nghệ thuật nói những điều chân thật và bằng ngôn ngữ đừng làm cho người nghe và bản thân mình đau khổ. Khi mình viết dòng này mình cũng bắt đầu học để viết những lời đừng làm buồn người khác. Nhất là những người mình yêu thương. Và bạn cũng làm vậy nghe. Nhớ nghe bạn.
Tác giả: Hoàng Phước Đại - Đồng An Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2017
Bình luận (0)