Hoàng Minh Hiếu Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023
(Khảo sát trường hợp Chùa Thành, Lạng Sơn)
Tóm tắt: Chùa Thành (Diên Khánh Tự) tọa lạc tại thành phố Lạng Sơn là ngôi cổ tự nổi tiếng, ngoài thờ Phật, còn thờ các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Sự dung hợp này được phản ánh qua cấu trúc thờ tự, thực hành văn hóa. Đồng thời, nó biểu hiện tính truyền thống, đa dạng, biến đổi, tiếp biến văn hóa, sắc thái vùng miền của ngôi cổ tự nơi biên cương đất nước. Từ nghiên cứu thực địa, bài viết bàn luận về sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian của người Việt tại miền Bắc Việt Nam, lấy trường hợp cụ thể chùa Thành ở thành phố Lạng Sơn. Từ khóa: dung hợp, Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, Chùa Thành, Lạng Sơn
1. Chùa Thành (Diên Khánh Tự) - Ngôi cổ tự nơi địa đầu Tổ Quốc
Lạng Sơn - Xứ Lạng là một vùng đất nằm ở phía đông bắc của Việt Nam, với diện tích tự nhiên 8.187,25 km2, có đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây – dài 253 km, có các cửa khẩu quốc tế, quốc gia và các cặp chợ biên giới. Phạm vi không gian văn hóa Xứ Lạng xưa kia bao gồm Lạng Sơn, một phần đất Lạng Giang (Bắc Giang) và phần lớn Cao Bằng, nó không đồng nhất với ranh giới được phân chia trên bản đồ hiện nay.
Lạng Sơn vốn nổi tiếng là vùng đất thiêng, nơi đây có rất nhiều ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ Mẫu rất linh thiêng. Tiêu biểu như chùa Tam Thanh, chùa Tân Thanh, đền Kỳ Cùng, đền Công đồng Bắc Lệ, đền Mẫu Đồng Đăng...Phật giáo xuất hiện ở Lạng Sơn từ rất sớm, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có chép: “Lạng Sơn đời Hán thuộc quận Giao Chỉ”(1), “các tài liệu như Hậu Hán trong đó có câu chuyện Sở Vương Anh theo Phật giáo, sách Lý hoặc luận của Mâu Tử viết tại Việt Nam vào hạ bán thế kỷ thứ hai, kinh Tứ Thập Nhị Chương và một số tài liệu khác, có tính cách lặt vặt hơn, cho ta thấy rằng trong đời Hậu Hán (thế kỷ thứ nhất và thứ hai) ngoài hai trung tâm Phật giáo ở Trung Hoa (Lạc Dương và Bành Thành), còn có một trung tâm Phật giáo rất quan trong khác ở Giao Chỉ, tức Việt Nam, lúc bấy giờ đang thuộc nhà Hán (Trung Quốc)”(2) vậy nên sự ảnh hưởng và du nhập của ba trung tâm Phật giáo tới xứ Lạng là điều tất yếu. Thêm vào đó, Lạng Sơn lại nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, sát biên giới với Trung Quốc (một trong hai con đường Phật giáo du nhập vào nước ta(3)), vì vậy có thể suy luận Lạng Sơn là một trong những nơi được truyền giáo đầu tiên. Nhưng phải tới từ giai đoạn thế kỷ X trở về sau (thời kỳ độc lập tự chủ), Phật giáo ở Lạng Sơn mới được định hình, hoàn thiện và phát triển cho tới hiện nay.
Nếu Phật giáo có mặt từ rất sớm thì tín ngưỡng thờ Mẫu lại xuất hiện vào khoảng thời gian muộn hơn, mặc dù hiện nay các nhà khoa học còn đang tranh luận nhưng tác giả cho rằng ít nhất phải từ cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII thì tục thờ này mới được du nhập vào Lạng Sơn. Tín ngưỡng này được du nhập vào Lạng Sơn thông qua các thương nhân lên vùng đất này làm ăn buôn bán. Trong quá trình du nhập, tồn tại và phát triển ở Lạng Sơn thì “đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian luôn luôn gắn bó và có mối quan hệ tương giao với nhau; cùng nương tựa, dung hoà, bổ sung cho nhau”(4).
Theo Địa chí Lạng Sơn: “Chùa Thành trước kia nằm ở cạnh Đoàn Thành Lạng Sơn, thuộc xã Mai Pha – Châu Ôn, do nhân dân quanh vùng lập nên vào khoảng thế kỷ XV (thời Lê), lúc đó có tên gọi là chùa Hương Lâm. Vào năm Cảnh Thịnh thứ tư (1796), chùa được chuyển về địa điểm hiện tại bây giờ và lấy tên là Diên Khánh Tự. Năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), đổi tên là chùa Tuần Khánh. Sau lấy lại tên là chùa Diên Khánh có nghĩa là tích điều thiện để có nhiều phúc cho đời sau. Chùa Thành là một công trình có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, và quy mô về hệ thống thờ tự tôn giáo tín ngưỡng ở Lạng Sơn. Nằm ngay bên bờ sông Kỳ Cùng, chùa được sắp đặt khá khang trang, kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm đủ các phần Tam quan, Tiền tế, Hậu cung, nhà Tổ, cung Mẫu… Toàn bộ hệ thống tượng thờ (gồm 53 pho tượng lớn, nhỏ) trong chùa được đúc bằng đồng nguyên khối. Năm 2007, hệ thống tượng thờ này đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là "Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam".
Tam quan chùa được thể hiện theo lối chồng diêm tám mái, gồm có bốn trụ cổng, phía trên có đắp “lưỡng long chầu nhật”. Tại tam quan hiện treo một đại hồng chung, do các nghệ nhân đến từ làng Ngũ Xã (Hà Nội) đúc năm 2007. Trọng lượng của quả chuông nặng 2,1 tấn thể hiện ý nghĩa cầu cho nước Việt Nam ở thế kỷ 21, được thịnh vượng và quốc thái dân an. Tiếp theo Tam quan là tòa Tiền Đường và Thượng Điện, kiến trúc vẫn được giữ nguyên gốc như trước: có 4 hàng cột, gồm có 8 cột cái và 8 cột quân, kết cấu bộ mái: trên cùng là Thượng lương, đỡ Thượng lương là 4 cặp kèo, mái dưới 2 kèo mái là hai con sơn ăn mộng vào trụ lửng, được đứng trên một đấu vương thắt đứng tỳ lực lên xà ngang, các xà ngang đều được xỏ mộng xuyên qua cột cái. Các cột quân cũng được xỏ mộng với kèo mái. Tất cả các cột đều được đứng trên chân đá tảng, được chạm nổi cánh sen và các hàng đinh. Tòa phương đình ở giữa có kiến trúc theo kiểu chồng diêm tám mái, trên đỉnh được đắp búp sen sau khá đẹp. Bên cạnh kiến trúc thờ Tam Bảo là điện thờ Mẫu và nhà thờ Tổ bên phải của chùa. Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ quý: đó là các hệ thống tượng pháp, các câu đối hoành phi… Đặc biệt, có quả chuông lớn do nhân dân địa phương và khách buôn Trung Quốc đúc và cúng tiến năm 1671 thời vua Lê Huyền Tông (Cảnh Trị năm thứ 9). Ngoài ra, còn có một tấm bia hai mặt dựng năm 1796 (triều Cảnh Thịnh thứ tư nhà Tây Sơn), nội dung phản ánh lòng ngưỡng mộ, trung quân của nhân dân với triều Tây Sơn trong công cuộc giữ gìn biên ải và sự từ bi bác ái nơi cửa Phật. Chùa Thành đã trải qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1796, 1947, 1967, 1980, 1992”(5). Năm 1993, chùa Thành (Diên Khánh Tự) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2004, chùa được đại trùng tu và có không gian, cảnh quan bề thế như ngày nay.
Như vậy, ngôi chùa này có kiến trúc đồ sộ vào loại bậc nhất của xứ Lạng, ẩn chứa nhiều giá trị tôn giáo, văn hóa, lịch sử. Sự hiện diện của điện Mẫu là minh chứng rõ ràng của quá trình dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng Thờ Mẫu. Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân, suốt một thời gian dài nó còn có sứ mệnh lịch sử rất quan trọng, góp phần vào quá trình giữ nước của dân tộc, theo sử cũ ghi chép lại di tích chùa Thành gắn liền với nhà công quán và cột đồng trụ. Nhà công quán ở cạnh chùa Thành là nơi nghỉ chân của sứ thần hai nước Việt Nam – Trung Quốc và là nơi nghỉ chân của quan quân của các triều đại phong kiến đi qua sông Kỳ Cùng. Hai cột đồng trụ dấu ấn của bến sông, phía Nam chợ Kỳ Lừa là cột mốc lịch sử văn hóa. Hiện nay, di tích nhà công quán không còn và hai cột đồng trụ còn một nhưng nó đã cùng với chùa Thành phản ánh một thời kỳ bang giao sôi động của nước ta với Trung Quốc.
2. Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam (trường hợp chùa Thành)
Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên: “Dung hợp là hòa lẫn vào nhau để hợp thành một thể thống nhất”, trải qua quá trình du nhập, tồn tại và phát triển cho tới nay Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự dung hợp, tiếp thu những điều tốt đẹp của nhau để từ đó hướng tới một điểm chung đó là làm chỗ dựa về mặt tinh thần cho con người. Quá trình dung hợp diễn ra ngay từ khi Phật giáo được du nhập vào Việt Nam, minh chứng rõ ràng nhất là việc xuất hiện tục thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) ở một số ngôi chùa thuộc Thuận Thành - Bắc Ninh. Giai đoạn sau này là việc xuất hiện điện thờ Mẫu theo mô hình “tiền Phật hậu Mẫu” ở các ngôi chùa miền Bắc Việt Nam, đỉnh điểm nhất có lẽ là vào thế kỷ XVI – XVII với việc xuất hiện hình tượng Mẫu Liễu Hạnh.
Sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu rất phù hợp với đặc trưng của Phật giáo Việt Nam đó là tính tổng hợp, tính hài hòa âm dương, tính linh hoạt; nhờ sự dung hợp này đã làm phong phú thêm hệ thống điện thần của Phật giáo cũng như tăng niềm tin đối với số đông tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trong các ngôi cổ tự hiện nay ở nơi biên viễn này, chùa Thành có một vị thế quan trọng cả về phương diện tôn giáo cũng như lịch sử - văn hóa. Ngoài kiến trúc thờ Phật, chùa còn có điện Mẫu, nằm liền kề với nhà Tổ và cung thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát. Theo hồ sơ di tích chùa Thành lưu trữ tại Ban quản lý di tích tỉnh Lạng Sơn, trong đó có bản vẽ sơ đồ nội thất của chùa ngày 14/01/1993, kiến trúc của điện Mẫu bao gồm 1 gian rộng, có 3 ban thờ: 1 ban thờ ở giữa tam cấp (hàng trên cùng là tượng Tam tòa Thánh Mẫu; hàng thứ 2 thờ Ngọc Hoàng ở giữa và hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu; hàng thứ 3 là 2 tượng cậu) và 2 ban thờ 2 bên cạnh (Ban thờ bên trái gồm 3 tượng thờ Chầu Mười và hai tiên nữ; Ban thờ bên phải thờ Chầu Thượng Ngàn và hai tiên nữ); trên cung Tam Bảo bên phải có ban thờ gồm 3 bức tượng: Quan Bơ Phủ, cô, cậu. Hiện nay, điện thờ Mẫu bị thu hẹp số lượng ban thờ và tượng thờ, gồm hai ban thờ: ban thứ nhất thờ công đồng (Hàng thứ nhất thờ Tam tòa Thánh Mẫu; hàng thứ 2 gồm 3 tượng: ở giữa là tượng cậu, bên trái thờ Chầu Thượng Ngàn và bên phải thờ Chầu Mười); hàng thứ 3 gồm 2 tượng cậu bé), phía dưới hạ ban thờ Ngũ Hổ và ban thứ hai thờ Cô bé Thượng Ngàn. Có giả thuyết cho rằng do chùa khuyết hậu, sau chùa là sông, để tránh khuyết hậu nên xây dựng cung Mẫu ngay sau chùa, quay hướng đông sát mép sông Kỳ Cùng? Mặc dù, kiến trúc gian thờ Mẫu của chùa Thành đã bị thu hẹp so với trước kia nhưng sự hiện diện của cung Mẫu đã cho thấy sự dung hợp giữa một tôn giáo lớn với tín ngưỡng dân gian bản địa, sự giao thoa văn hóa và tính chất linh hoạt của Phật giáo Việt Nam được thể hiện rất rõ. Việc xuất hiện của tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua hệ thống các cung thờ, tượng thờ cho thấy rõ ràng những giá trị của đời sống dân gian đã được Phật giáo chấp nhận và tiếp thu, phù hợp với giáo lý từ bi bác ái của đạo Phật, không bài trừ, bôi nhọ các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu còn được bắt nguồn từ truyền thuyết Quan Âm Bồ Tát đã cứu Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong trận Sùng Sơn đại chiến với phái Nội Đạo Tràng, thông qua sự kiện này thêm một minh chứng rõ nét cho việc xuất hiện thờ Mẫu trong các chùa của người Việt ở miền Bắc nói chung và chùa Thành - Diên Khánh Tự ở Lạng Sơn nói riêng. Mặc dù, sự xuất hiện của điện thờ Mẫu ở các ngôi chùa là rất phổ biến không chỉ riêng Lạng Sơn mới có nhưng nó góp phần làm rõ nét hơn sự dung hợp giữa hai loại hình tôn giáo tín ngưỡng này, cũng như giúp các nhà nghiên cứu hình dung rõ ràng hơn đời sống tâm linh ở một giai đoạn lịch sử nhất định của người dân nơi biên cương đất nước.
Song song với sự hiện diện của cung Mẫu ở ngôi cổ tự có giá trị nổi bật của đất xứ Lạng thì việc thực hành và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân cũng là một trong những minh chứng quan trọng cho sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam.
Chùa Thành từ lâu là nơi giải quyết nhu cầu tôn giáo của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt đối với những người phật tử thì nơi đây là ngôi nhà thứ hai của họ, khi mệt mỏi phiền não trong cuộc sống họ tìm đến Phật để cảm thấy an nhiên, tự tại hơn. Nếu như Phật giáo giúp con người hiểu được sự khổ, tìm cách giải thoát, tức là hướng con người làm nhiều điều thiện tích đức để sau khi mất đi được vãng sinh về cõi cực lạc, thì đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, hướng con người vào cuộc sống hiện tại, họ đi cầu những ông Hoàng bà Chúa để các vị này khuông phù gia hộ cho sức khỏe tiền tài. Thêm vào đó, người Việt khi tiếp cận với một tôn giáo, tín ngưỡng họ thường không quan tâm tới giáo lý, họ duy trì ý thức tâm linh của mình bằng niềm tin và sự thiêng liêng của đối tượng mà họ thờ cúng.
Thực tế đã chứng minh nhiều phật tử đi lễ chùa với tâm niệm cầu bình an, sức khỏe cho gia đình mà không cần biết quá sâu về “Tứ diệu đế”, “Niết bàn’,… là gì. Việt Nam là một nước nông nghiệp, Lạng Sơn cũng nằm trong số đó, do vậy họ luôn có niềm tin và sự ngưỡng vọng nhất định đối với các vị thần tự nhiên chi phối trực tiếp tới đời sống sản xuất của họ, do vậy Phật giáo khi du nhập vào lãnh thổ nước ta buộc phải dung hợp với các tục thờ, tín ngưỡng bản địa. Lạng Sơn ngoài nông nghiệp, mạng lưới giao thương buôn bán cũng phát triển khá mạnh mẽ, đặc biệt dưới triều Nguyễn, vậy nên ngoài niềm tin trước đó với Phật giáo thì người Việt ở đây còn thờ cúng các vị thần liên quan tới rừng núi (Mẫu Thượng Ngàn), vậy nên trong chùa Thành có thờ Chầu Thượng Ngàn và cô bé Thượng Ngàn. Tâm lý thực dụng của người Việt cũng tác động mạnh mẽ tới quá trình dung hợp giữa hai hình thái tôn giáo, tín ngưỡng này, khi họ cảm thấy Phật giáo chưa đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tâm linh khi mà hiện nay tình hình kinh tế xã hội ngày càng phức tạp do đó họ tìm đến với Mẫu – nơi đáp ứng phần nào những yêu cầu trên của con người. Hiện nay, vào ngày 15 và mùng 1 hàng tháng, có rất nhiều người dân đến lễ Phật, lễ Mẫu, thể hiện sự dung hợp, giao lưu giữa hai loại hình tôn giáo, tín ngưỡng này. Ở chùa Thành, không tổ chức nghi lễ hầu đồng nhưng vào các ngày lễ tiệc của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhà chùa đều có lễ vật dâng cúng cầu cho đất nước yên vui, “quốc thái dân an”. Thông qua đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân đã góp phần làm rõ nét hơn mối quan hệ cũng như sự dung hợp của Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Như vậy, sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở miền Bắc Việt Nam với trường hợp cụ thể chùa Thành – Diên Khánh Tự ở thành phố Lạng Sơn được biểu hiện rõ nét thông qua hệ thống thờ tự và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Nếu như ở hệ thống thờ tự cho thấy sự hiện diện về mặt vật chất của thờ Mẫu trong đất Phật thì thông qua đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân mối quan hệ giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu được tái hiện sinh động. Trong quá trình cùng tồn tại và phát triển, cả hai đã tiếp thu có chọn lọc những quan điểm, giáo lý của nó để bổ khuyết cho chính mình.
3. Tạm kết:
Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu đã có thời gian dài giao thoa và dung hợp với nhau. Tại Việt Nam, khi Phật giáo du nhập vào đã có một hệ thống tín ngưỡng dân gian phong phú, đa dạng. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có lịch sử hình thành từ rất lâu đời, là một loại hình tín ngưỡng tiêu biểu, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng dung hợp với hình thức tín ngưỡng này tạo nên sự riêng có của Phật giáo Việt Nam. Với trường hợp của ngôi chùa Thành (Diên Khánh Tự) ở thành phố Lạng Sơn, tác giả đã phần nào làm rõ nét hơn sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu, mà biểu hiện của nó thông qua hệ thống thờ tự và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.…
Hoàng Minh Hiếu Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2023
*** CHÚ THÍCH: (1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.425 (2) Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.23 (3) “Phật giáo vào Việt Nam bằng hai con đường: đường thủy vào phía nam và đường bộ qua Trung Quốc vào phía Bắc. Về đường bộ phía Bắc, đạo qua vùng Cashmir, Trung Á, qua Trung Quốc, rồi đến thời Bắc thuộc vào Việt Nam” – Trích theo Đặng Nghiêm Vạn (2010), Văn hóa Việt Nam đa tộc người, Nxb Văn học, Bến Tre, tr.744. (4) Thanh Long (2018), Tín ngưỡng thờ Mẫu trong mối quan hệ với tín ngưỡng, tôn giáo khác, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/ News/38/0/240/0/11577/Tin_nguong_tho_Mau_trong_moi_quan_he_voi_tin_nguong_ton_giao_ khac, truy cập ngày 16/11/2022. (5) Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn (1999), Địa chí Lạng Sơn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.702 – 703.
THƯ MỤC THAM KHẢO: 1. Phạm Ngọc Anh (2016), Sự dung hợp của Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Luận văn Thạc sỹ Triết học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, chuyên ngành Triết học, MS: 60220301. 2. Ban quản lý Di tích tỉnh Lạng Sơn (1993), Hồ sơ di tích chùa Thành 3. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Nxb Văn học, Hà Nội. 4. Hoàng Thị Len (2013), Tìm hiểu di tích chùa Thành (Diên Khánh Tự) (Phường Chi Lăng, thành Phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Khóa luận tốt nghiệp đại học, trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, chuyên ngành Bảo tàng, MS: 52320305 5. Thanh Long (2018), Tín ngưỡng thờ Mẫu trong mối quan hệ với tín ngưỡng, tôn giáokhác, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/ News/38/0/240/0/11577/Tin_nguong_th o_Mau_trong_moi_quan_he_voi_tin_nguong_ton_giao_khac, truy cập ngày 16/11/2021. 6. Vũ Ngọc Khánh (chủ biên) (1990), Thị xã Lạng Sơn xưa và nay, Hà Nội. 7. Hoàng Giáp – Hoàng Páo (2012), Văn hóa Lạng Sơn địa dư chí – văn bia – câu đối, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 8. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế. 9. Đặng Nghiêm Vạn (2010), Văn hóa Việt Nam đa tộc người, Nxb Văn học, Bến Tre. 10. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn (1999), Địa chí Lạng Sơn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
Bình luận (0)