Bạn đọc có gửi cho tôi xem nhiều bài thơ từ trang facebook “Thơ Giác Ngộ”, trong đó có bài làm tôi giật mình, mở đầu bằng bốn câu:

“Cha là Đức Phật Thích Ca Còn Mẹ là Đức Phật bà Quán Âm Công cha giáo dưỡng tình thâm Công mẹ sinh hạ thân ân biển trời”

Đôi lúc, trong đạo Phật, người ta gọi Phật là “cha lành” (từ phụ), với nghĩa bóng, nghĩa tu từ. Còn gọi Bồ tát Quán Thế Âm là “mẹ”, “mẹ hiền”, ít hơn, cũng với nghĩa tu từ, có ý nghĩa tôn xưng một người phụ nữ tâm tràn đầy yêu thương.

Nhưng, trong giáo lý Phật giáo không hề có việc xác định hai vị Phật và Bồ tát này là cha-mẹ, kế tiếp, cận kề nhau, như người phối ngẫu, kiểu mà bài thơ trên diễn đạt cha/mẹ, Phật Thích Ca/Phật Bà Quan Âm. Cũng càng không có chuyện giáo lý ghi ân sinh/dưỡng.

Người có hiểu biết đôi chút về giáo lý Phật giáo chắc chắn không hiểu lầm. Nhưng trong đạo Phật còn có những người sơ cơ và trẻ em. Ngoài ra, còn có nhiều góc nhìn từ những tôn giáo khác.

Tôi lo lắng khi nghĩ đến những cháu bé 9-10 tuổi tình cờ đọc những câu thơ trên, nghêu ngao, rồi nghĩ cha-mẹ như thế.

Kỳ quá! Ngày xưa, tôi có dẫn một người bạn là người nước ngoài đi chùa. Thấy đạo Phật lạ, cô này hỏi rất nhiều, làm tôi rất khó khăn khi giải thích.

Trả lời câu hỏi về quan hệ giữa Phật Thích Ca và Bồ tát Quan Âm, tôi căn cứ vào cách hiểu từ Kinh Pháp Hoa, trả lời đơn giản hóa là “cấp trên và cấp dưới”.

Nay có người phật tử làm thơ diễn đạt cấp trên/cấp dưới thành cha/mẹ, tức vợ/chồng, thì thật không hiểu nổi. Khi diễn đạt cấp trên/cấp dưới, tôi còn thấy mình liều, bây giờ lại có người liều hơn, dùng cả hình tượng văn học.

Xét ra tôi không sai vì Phật là “cấp trên” của Bồ tát, nhưng diễn đạt theo nghĩa như thế để từ mô hình cơ quan mà hình dung thì đã là vụng.

Còn điều đáng nói ở đây là việc chế tác giáo lý tùy tiện. Chắc tác giả bài thơ không phải có ý xuyên tạc Phật giáo, mà chỉ muốn bộc lộ sự kính ngưỡng. Nhưng nói bừa những điều không có trong Kinh, tùy tiện sửa Kinh, chế tác những quan hệ mới đối với Phật, Bồ tát, thì quả là tai hại.

Tác giả: Minh Thạnh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2017