Tỳ khưu Định Phúc NCS Tiến sĩ Phật học khóa I, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM

Đặt vấn đề

Từ ngàn xưa, tấm y ca sa đã trở thành tăng bào, pháp phục của Phật giáo. Tuy nhiên, do quá trình truyền giáo, ảnh hưởng của điều kiện môi trường, hoàn cảnh địa phương mà các bộ phái Phật giáo có sự khác biệt trong việc thọ trì đối với pháp phục ca sa. Chư tăng Phật giáo Nam truyền (Theravāda) thì vẫn sử dụng cách đắp y theo truyền thống ngày xưa với các màu sắc như là màu vàng nghệ, màu vàng cam, màu nâu đất, màu đỏ nâu. Đối với chư tăng ni Phật giáo Bắc truyền (Mahāyāna) thì đa phần chỉ sử dụng y ca sa làm lễ phục, còn trong sinh hoạt thường nhật thì vẫn sử dụng các loại áo hậu, áo tràng gọi là thường phục. Màu sắc y ca sa đã được đức Phật quy định rõ ràng từ các bộ luật Phật giáo và được gìn giữ đến ngày nay. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trình bày nguồn gốc, ý nghĩa của tấm y ca sa màu hoại sắc đặc trưng của Phật giáo.

Tags: y ca sa, kāsāya, hoại sắc, pháp phục Phật giáo…

Dẫn nhập

Dân gian hay nói rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”, hoặc “đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, điều này chứng tỏ rằng y phục ca sa của tăng, ni đã trở thành một biểu tượng, một màu tượng trưng cho tăng sĩ xuất gia. Nhờ tấm y ca sa mà có thể nhận biết được đâu là người của Phật giáo, đâu là người tu sĩ. Vì thế, y ca sa có một sự quan trọng rất lớn trong dòng lịch sử truyền thừa và phát triển Phật giáo khắp mọi nơi. Để hiểu rõ hơn về tấm y ca sa, trước hết, tác giả sẽ định nghĩa rõ về danh từ ca sa.

Mầu sắc trang phục của tăng, ni Phật giáo Việt Nam. Ảnh: St

Định nghĩa ca sa (kāsāya)

Ca sa xuất phát từ Pāli là kāsāya, không phải là tên của y như ngày nay mọi người thường gọi là y ca sa mà nghĩa đen của kāsāya là một loại màu hoại sắc, màu xấu. màu không đẹp. Theo Từ điển Pāli - English, kāsāya có từ Sankrit tương đương là kāṣāya, mà từ này xuất phát từ chữ kā + śyāma hoặc śyāva. Ka = kad có nghĩa là một loại, còn śyāma hoặc śyāva có từ Pāli tương đồng là sāma nghĩa là màu nâu.[1] Kết hợp lại kāsāya nghĩa là một loại màu sắc thuộc màu nâu, chẳng hạn như là màu nâu đỏ, màu nâu đen, màu vàng nghệ tây, màu vàng đồng…

Tấm y được nhuộm thành màu ca sa để tấm y đó không còn giữ được màu sắc chính là xanh, vàng, đỏ, trắng, đen[2], đã được nhuộm bằng nước do các vỏ cây giã ra, đặc biệt là từ gỗ và vỏ cây mít băm vụn, đun trong nồi, biên thành màu hoại sắc. Xưa kia do lượm vải chắp vá nên sắc màu không đồng nhất, vì thế không nhất thiết phải nhuộm như sau này. Bộ Thích thị yếu lãm đã ghi rằng: “Ca sa là tên gọi màu sáng suốt. Tiếng Phạm nói đủ là ca-la-sa-duệ, ở đây dịch là bất chánh sắc”.[3] Ngoài ra, trong Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao (quyển hạ) cũng có dạy: năm màu chính gồm màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng và màu đen không được dùng để may y mà phải được làm hoại sắc, nghĩa là trộn lẫn năm màu lại với nhau để tạo thành một màu hoại sắc, xấu xí.[4]

Như vậy, ca sa không có nghĩa là y phục mà chỉ mang ý nghĩa là một màu xấu, màu hoại sắc, cũng không phải là một màu nhất định. Do quá trình du nhập, truyền thừa và phiên dịch, ca sa được hiểu là y ca sa, là y phục đặc trưng của các vị tu sĩ trong Phật giáo. Vì lẽ đó, y ca sa trở thành biểu tượng của Phật giáo, trở thành ngọn cờ của tăng đoàn và là pháp phục của các vị xuất gia.

Nguồn gốc và vai trò của y ca sa

Thời Phật giáo nguyên thủy, chư tăng đã phải đi nhặt những miếng vải dơ bị quăng bỏ ở bãi rác, hoặc là những miếng vải liệm xác người chết rồi quăng bỏ trong nghĩa địa rồi về dùng để may y, loại y này được gọi là phấn tảo y (paṃsukūlacīvara). Paṃsukūla nghĩa là những mảnh vải rách bị quăng bỏ thành đống bên đường, nơi bãi rác hoặc là những nơi tha ma mộ địa. Định nghĩa về paṃsukūla, bộ Thanh tịnh đạo giải thích rằng: “Vải nào như đống rác trong mỗi một nơi ấy, nghĩa là nổi lên vì đặt lẫn lộn trên rác như đường xe chạy, nghĩa địa hay đống rác… Do đó, vải này gọi là vải phấn tảo. Lại nữa, vải nào đi đến tình trạng mà người ghê tởm như rác rến, do đó, vải ấy gọi là vải phấn tảo”.[5]

Thời ấy, những vị thiện nam tử muốn xuất gia phải tự thân đi tìm y ca sa cho mình rồi mới được phép xuất gia. Nếu không có y ca sa thì không được xuất gia. Các vị không được nhận y của thí chủ dâng cúng vì lúc đó chưa được đức Phật cho phép. Sau đó, do duyên sự được thỉnh cầu của ngự y Jīvaka Komārabhacca (Sk. Jīvaka Kumārabhṛta), là con nuôi của vương tử Abhayarājakumāra (Vô Úy vương tử), đức Phật chấp nhận cho các vị Tỳ khưu được nhận y do thí chủ dâng cúng, y này gọi là gia chủ y hoặc y do cư sĩ dâng cúng (P. gahapaticīvara; Sk. gṛhapaticīvara).[6] Ngày nay, chư tăng không còn phải lo lắng việc đi nhặt vải về may y vì đã có thí chủ dâng cúng. Lại nữa, do một lần du hành ở Dakkhiṇāgiri (Nam Sơn), đức Phật cùng với Đại đức Ānanda đứng trên núi nhìn xuống đã thấy toàn bộ những cách đồng ở Magadha nên Ngài đã gọi ý cho Đại đức Ānanda may y với những điều tướng như thửa ruộng.[7] Từ đó về sau, tấm y của chư tăng cũng được may theo kiểu mẫu này và còn có tên là phước điền y hoặc cát tiệt y.

Theo kinh Thanh tịnh (Pāsādikasutta), đức Phật cho phép các vị Tỳ khưu được phép sử dụng y với những mục đích sau: “Do vậy, này Cunda, tấm y mà Ta cho phép các ngươi mặc, như vậy vừa đủ cho các ngươi ngăn chận lạnh, ngăn chận nóng, ngăn chận sự xúc chạm của các loài ruồi muỗi, của gió, mặt trời và các loài rắn, và các che giấu sự hổ thẹn”.[8] Như vậy, việc sử dụng y ca sa được đức Phật cho phép có bốn mục đích là:

- Ngăn ngừa sự lạnh (sītassa paṭighātāya).

- Ngăn ngừa sự nóng (uṇhassa paṭighātāya).

- Tránh sự tiếp xúc với ruồi muỗi, gió nắng, những loài rắn rít, côn trùng (ḍaṃsamakasavātātapasarīsapa samphassānaṃ paṭighātāya).

- Không bị lõa lồ, tránh sự hổ thẹn (hirikopīnapaṭicchādanatthaṃ).

Trong khi đắp y trên mình, vị Tỳ khưu phải thường xuyên quán tưởng (P. paccavekkhaṇa; Sk. pratyaveksaṇa) mục đích của việc sử dụng tấm y ca sa rằng: “Này các Tỳ khưu, ở đây, Tỳ khưu như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng”.[9]

Theo kinh Đại thừa bản sinh tâm địa quán (quyển năm), đức Phật dạy về mười điều lợi ích của y ca sa là: che thân thể để tránh khỏi sự xấu hổ; tránh bị thời tiết nóng lạnh và các loại ruồi muỗi, côn trùng tấn công; hiển thị tướng mạo Sa-môn xuất thế; ca sa là biểu tượng tôn quý được nhân thiên kính lễ; đắp y ca sa giống như là hiện khởi của bảo tháp tôn quý; ca sa màu hoại sắc để tránh khỏi sự sanh khởi tham ái; ca sa là thanh tịnh y của ba đời chư Phật đã dứt tuyệt mọi thứ phiền não, là ruộng phước cao quý không gì sánh bằng; người đắp y ca sa đoạn trừ những kiết sử phiền não và tăng trưởng thiện pháp; ca sa là ruộng tốt để gieo hạt giống giác ngộ; ca sa như tấm áo giáp để chống lại những mũi tên độc của phiền não. Chính vì mười lợi ích này mà ba đời chư Phật, kể cả Độc giác và Thanh văn giác cũng đều đắp y ca sa này.[10]

Như vậy, nguồn gốc ban đâu của tấm y ca sa là những mảnh vải ghép lại để tạo thành y phấn tảo, rồi sau đó đức Phật cho phép thọ nhận y do thí chủ cúng dường. Mục đích của tấm y khi khoác lên mình không phải để khoe khoang rằng đây là tấm y tốt, y đắt tiền để rồi tham đắm trong sự hưởng thụ vật chất. Mục đích thọ dụng y phục chính là để ngăn ngừa những nguy hiểm do thời tiết, do côn trùng và không bị xấu hổ khi bị trần truồng.

Mầu sắc trang phục của chư tăng Phật giáo Myanmar. Ảnh: St

Màu sắc y ca sa

Một lần nọ, các vị Tỳ khưu nhóm lục sư mặc y với các màu như là màu xanh, màu vàng, màu đỏ máu, màu tím, màu đen, màu đỏ tía và màu hồng. Những vị cư sĩ thấy vậy đã lên tiếng phàn nàn và chỉ trích các vị Tỳ khưu ấy chẳng khác nào kẻ thế tục. Vì nhân duyên này, đức Phật đã cấm chế không cho các vị Tỳ khưu sử dụng bảy màu sắc sau để làm y:[11]

- Y toàn màu xanh (sabbanīlakāni cīvarāni),

- Y toàn màu vàng (sabbapītakāni cīvarāni),

- Y toàn màu đỏ máu (sabbalohitakāni cīvarāni),

- Y toàn màu tím (sabbamañjiṭṭhakāni cīvarāni),

- Y toàn màu đen (sabbakaṇhāni cīvarāni),

- Y toàn màu đỏ tía (sabbamahāraṅgarattāni cīvarāni),

- Y toàn màu hồng (sabbamahānāmarattāni cīvarāni).

Những tấm y trên có màu sắc như vậy còn đi liền với chữ “toàn” (sabba) có nghĩa là thuần một màu, không bị pha với màu khác, như là thuần một màu xanh, thuần một màu vàng, thuần một màu đỏ… Trong số những màu sắc trên đã được đức Phật không cho sử dụng, vị Tỳ khưu nào sử dụng để nhuộm y mặc thì phạm tác ác (P. dukkaṭa; Sk. duṣkṛta).[12]

Khi tăng đoàn được thành lập, các vị Tỳ khưu chưa được phép nhận y do thí chủ dâng cúng, các vị phải tự đi nhặt những mảnh vải được quăng bỏ nơi bãi rác, tha ma mộ địa hoặc lề đường và may thành y để mặc. Lúc bấy giờ, thuốc nhuộm chưa được đức Phật cho phép sử dụng, vì thế các vị Tỳ khưu thường dùng phân bò (P. chakaṇa; Sk. chagana) và đất sét đỏ (paṇḍumattikā) để nhuộm y, khiến cho y của các vị có màu sắc xấu, không đồng đều. Sự việc được trình bạch với đức Phật và Ngài cho phép các vị Tỳ khưu được sử dụng sáu loại thuốc nhuộm để nhuộm y như sau:[13]

- Thuốc nhuộm từ rễ cây (mūlarajanaṃ).

- Thuốc nhuộm từ thân cây (khandharajanaṃ).

- Thuốc nhuộm từ vỏ cây (tacarajanaṃ).

- Thuốc nhuộm từ lá cây (pattarajanaṃ).

- Thuốc nhuộm từ bông hoa (puppharajanaṃ).

- Thuốc nhuộm từ trái cây (phalarajanaṃ).

Luật Tứ phần, các vị Tỳ khưu giặt y dơ bằng đất phèn (đất nhiễm mặn), tro hoặc đất, hoặc phân bò. Y bị phai màu thì đức Phật cho phép nhuộm y bằng cách nhúng vào bùn hoặc sử dụng những loại thuốc nhuộm chiết xuất từ vỏ cây đà-bà, vỏ cây bà-trà, kiền-đà-la, tất-bát, a-ma-lặc, hoặc dùng gốc cây, cỏ thiến để nhuộm.[14] Theo chú thích trong luật Tứ phần, cây đà-bà là một loại cây có vỏ rất cứng; cây bà-trà có thể là đọc trại từ bà-đà, bà-đà-lê là một loại táo chua, gỗ cây cũng rất cứng; kiền-đà-la còn đọc là càn-đà (Sk. gandhāra) là loại cây có mùi hương, gỗ cây màu đỏ; tất-bát còn đọc là tất-bát-la (Sk. pippala) là cây bồ-đề, a-ma-lặc (Sk. āmalaka) là cây me rừng; thiến thảo là một loại cỏ nhuộm có màu đỏ.[15]

Ngày nay, y ca sa của chư tăng, dù là Nam truyền hay Bắc truyền cũng đều có sự hiện diện của sắc y vàng. Nếu như đức Phật đã cấm các vị đệ tử sử dụng y thuần màu vàng, vậy thì ngày nay, tấm y vàng của chư tăng đúng luật hay không? Đức Phật đã cấm chế không cho các vị Tỳ khưu sử dụng các màu thuần sắc như là thuần màu xanh (sabbanīlaka), thuần màu vàng (sabbapītaka), thuần màu đỏ (sabbalohitaka), thuần màu tím (sabbamañjiṭṭhaka), thuần màu đen (sabbakaṇhā), thuần màu đỏ tía (sabbamahāraṅgaratta) và thuần màu hồng (sabbamahānāmaratta) để làm y.[16] Tuy vậy, màu vàng mà đức Phật cấm là màu vàng thuần túy, nghĩa là màu vàng đó không bị pha trộn với màu sắc khác. Nếu như màu vàng có pha trộn với màu khác nhưng sắc vàng vẫn là chính thì vẫn có thể sử dụng được, ví dụ như vàng đỏ, vàng đen, vàng nâu…

Kết luận

Y ca sa là biểu tưởng của tăng đoàn Phật giáo, người đắp y ca sa là người đang khoác lên tấm y giải thoát. Vì thế, dù thời gian luôn biến động, màu sắc có phai nhưng tấm y vẫn là biểu tượng tinh khiết của bậc thánh giải thoát. Màu hoại sắc là màu xấu xí nhưng khoác lên mình của vị tăng sĩ trở nên tinh khiết và thanh tịnh biết bao. Bởi lẽ, người đắp y là tự mình đang đi trên con đường của bậc thánh đã đi.

Ai mặc áo cà sa. Tâm chưa rời uế trược, Không tự chế, không thực, Không xứng áo cà sa. Ai rời bỏ uế trược, Giới luật khéo nghiêm trì, Tự chế, sống chơn thực, Thật xứng áo cà sa.[17]

Tỳ khưu Định Phúc - NCS Tiến sĩ Phật học khóa I, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM. --------------------- CHÚ THÍCH

[1] Rhys Davids T.W., William Stede (1921-1925), Pāli – English Dictionary, Pāli Text Society, London, p. 212. [2] Đồng Lưu, Thành Thông, Tuệ Thành (dịch) (2018), Kinh Tì-ni Mẫu, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 123-124. [3] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (dịch) (2000), Tập 200, Thích Thị Yếu Lãm, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr. 40. [4] Luật tổ Đạo Tuyên (2017), Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao, Tập 2, Ban dịch thuật Luật tạng Giới đài viện, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 106. [5] Vsm.i.58. Buddhaghosa (2012), Thanh Tịnh Đạo (phần Giới), Ngộ Đạo (dịch), NXB. Tổng hợp Tp. HCM, Tp. HCM, tr. 159. [6] Vin.i.280. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, Tập 2, Buddhist Cultural Centre, Tích Lan, tr. 179. [7] Vin.i.287. Indacanda (dịch) (2009), Đại Phẩm, Tập 2, Buddhist Cultural Centre, Tích Lan tr. 191. [8] D.iii.130. Thích Minh Châu (dịch) (2013), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền – Kinh Trường bộ, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 580. [9] M.i.10. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền – Kinh Trung bộ, Tập 1, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 28. [10] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (dịch) (2000), Tập 011, Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr. 312-313. [11] Vin.i.306. Indacanda (dịch) (2009), Đại Phẩm, Tập 2, Buddhist Cultural Centre, Tích Lan tr. 225. [12] Vin.i.306. Indacanda (dịch) (2009), Đại Phẩm, Tập 2, Buddhist Cultural Centre, Tích Lan tr. 225. [13] Vin.i.286. Indacanda (dịch) (2009), Đại Phẩm, Tập 2, Buddhist Cultural Centre, Tích Lan tr. 189. [14] Thích Đỗng Minh (dịch) (2019), Luật Tứ Phần, Tập 2, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 1681. [15] Thích Đỗng Minh (dịch) (2019), Luật Tứ Phần, Tập 2, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 1681. [16] Vin.i.306. Indacanda (dịch) (2009), Đại Phẩm, Tập 2, Buddhist Cultural Centre, Tích Lan tr. 225. [17] Dh.9-10. Thích Minh Châu (dịch) (2015), Đại tạng kinh Việt Nam Nam truyền – Kinh Tiểu bộ, Tập 1, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 42.