Tác giả: Lê Mạnh Thát
Trích: Tạp chí Tư Tưởng số 9, năm 1971
III
Những vấn đề ngôn ngữ học như vậy có thể được giải quyết trong giới hạn của những khả năng của chúng ta. Thế thì những vấn đề kỹ thuật học của máy dịch như thế nào và chúng ta giải quyết ra sao? Để trả lời chúng, chúng ta đầu hết cần tóm tắt những điểm chính của những phân tích ngôn ngữ học vừa làm.
Điểm thứ nhất đối với Hán văn, chúng ta sẽ có một cuốn từ vựng với khoảng 8000 đơn vị nghĩa của những thông ngữ, còn những thuật ngữ chúng ta sẽ không gồm thâu vào cuốn từ vựng này, trái lại sẽ chỉ chuyển âm ra tiếng ta, và đối với Tạng ngữ cuốn từ vựng sẽ có thể lên đến 20.000 hay 30.000 đơn vị nghĩa. Trong giai đoạn đầu chúng ta vì thế có thể để vấn đề phiên dịch Tạng ngữ ra một bên và chú mục vào việc giải quyết những vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc dịch Hán ngữ.
Điểm thứ hai là tần số của những thông ngữ đó, mà trên nguyên tắc chúng ta hy vọng nó sẽ thỏa mãn luật Zipf và Mandelbrot cải tiến.
Điểm thứ ba là sự có mặt của một khác biệt cú pháp căn bản giữa ngôn ngữ ta và ngôn ngữ Trung quốc, đấy là sự đảo lộn vị trí của tính từ, mà phạm trù có thể là tĩnh từ như trong câu "thanh sắc thanh quang: sắc xanh ánh xanh", vấn từ như câu "hà nhân hà duyên: nhân gì duyên gì", trí từ như "tức ư như tiền hõa diệt: túc ở trước ngươi lửa tắt", danh thuộc từ như "ngả tằng sổ vấn sa môn cồ đàm như thị chi nghĩa: ta từng nhiều lần hỏi sa môn Cồ đàm nghĩa của như vậy".
Để thỏa mãn ba điểm đòi hỏi ngôn ngữ học này, chiếc máy tạo ra phải có (1) một trí nhớ tương đối phải chăng, (2) một cơ chế nhằm chuyển âm, hay đúng hơn, nhằm viết lại trong bản dịch ngôn ngữ đích những đơn vị ngôn ngữ nào không tìm thấy trong cuốn tự vựng của ngôn ngữ gốc, và (3) một cơ chế nhằm phân tích cú pháp của tiếng ta để chuyển dịch cú pháp của ngôn ngữ gốc ra cú pháp của ngôn ngữ đích. Chiếc máy đó như vậy phải có, như bất cứ một máy điện toán nào khác, một hay nhiều trí nhớ, một hay nhiều mạch luận lý và một ngôn ngữ đối tượng và một ngôn ngữ gốc.
Chúng tôi không cần phải đi sâu vào những phân tích toán học ở đây nhằm xác định khả năng chứa đựng của cái trí nhớ đó hay những mạch luận lý. Chỉ cần nhấn mạnh là, chúng ta sau khi loại bỏ thứ trí nhớ dễ mất, có thể dùng một trong những thứ trí nhớ không mất như ống từ tính, dĩa từ tính, băng từ tính hay những thẻ đâm thủng theo khả năng của chúng ta. Về những mạch luận lý, một số mạch rất đắc dụng trong những máy điện toán phân cột thông thường sẽ trở thành không cần thiết và đôi khi rất rườm rà trong những máy điện toán dùng để dịch. Những mạch luận lý này do đó phải loại bỏ.
Trong số sáu mạch luận lý tiêu chuẩn của máy điện toán, kinh nghiệm phiên dịch của những ngôn ngữ khác đã cho thấy, những mạch luận lý và không và hoặc đắc dụng nhất và mạch điện tử của chúng tương đối dễ ráp nhất. Những mạch luận lý KHOẶC (= KHÔNG + HOẶC = logical NOR) và KHÀ (= KHÔNG + VÀ = logical NAND) hứa hẹn những áp dụng thuận lợi hơn cả hai mạch trước, nhưng điện mạch của chúng rắc rối hơn và có một tốc độ thi hành khá cao. Những mạch luận lý này như vậy tạo nên phân số học của các máy điện toán phân cột thông thường và tương đương với những mạch điện cộng trừ, cái lũy tích của phân số học đây theo chúng tôi nghĩ nên đồng hóa với phần chứa đựng trí nhớ hay phân trí nhớ nói trước. Phần kiểm soát không đưa ra những khó khăn gì cho lắm với một vài thêm bớt mạch điện cho những mạch luận lý.
Cuối cùng, những khí cụ dùng để vận dụng nhập liệu và sản liệu. Chúng thường gồm một máy đánh thủng để đánh những thẻ cho nhập liệu và một máy in để in ra sản liệu và những thảo chương gồm ngôn ngữ đối tượng và ngôn ngữ gốc cùng những mệnh lệnh tín liệu cần thiết. Với những trình bày sơ lược thế này về những vấn đề của cái máy dịch, vấn đề bây giờ là khả năng tạo ra nó của chúng ta. Giải quyết nó, chúng ta có hai cách.
Cách thứ nhất là đặt mua nó với những chỉ thị cần thiết của chúng ta, và đây là cách dễ nhất và ít tốn thời giờ nhất, nhưng lại có những bất lợi quan trọng sau. Thứ nhất là vấn đề giá tiền của nó. Cứ vào giá thị trường hiện nay, một máy điện toán cỡ nhỏ ít nhất cũng phải tốn chúng ta tới khoảng trên dưới 10.000 Mỹ kim, nghĩa khoảng hơn một triệu đồng Việt nam theo hối suất chính thức, ngay cả khi chúng ta hưởng sự giảm giá như các trường đại học đã hưởng. Thứ hai, sự hao tổn trong việc gìn giữ nó không phải là nhỏ. Thứ ba là, nếu ta mua cái máy với điều kiện và chỉ thị kỹ thuật của ta, giá của nó có thể lên gấp hai ba lần giá của một cái máy cùng cỡ.
Thay vì những bất lợi này của cách thứ nhất, cách thứ hai là chúng ta trù liệu và tạo nên cái máy đó lấy cho ta. Cách này sẽ cho ta những thuận lợi sau. Thứ nhất, vì chúng ta trù liệu và tạo nên, cái máy đó sẽ thỏa mãn những điều kiện chúng ta muốn cho công tác dịch thuật của ta. Thứ hai, sự hao tổn cho việc tạo ra nó không lên quá một phần năm giá của một cái máy cỡ nhỏ bản trên thị trường. Sự hao tổn ở đây dĩ nhiên là nói đến việc mua những phần điện tử và khí cụ cần thiết cho công việc ráp chế nó. Tuy nhiên, giá trị giáo dục của việc làm này sẽ vượt khỏi tất cả những hao tốn đó. Một phòng thí nghiệm điện tử thành hình, và việc chế tạo ra những mạch điện chuyên trở hay những trí nhớ từ tính không còn là một phép lạ ngoại quốc nữa. Thứ ba và quan trọng hơn hết, nó cho phép ta trực tiếp làm việc với cái máy dịch với tư cách một chủ nhân ông và sửa đổi những bộ phận của nó theo ý muốn và đòi hỏi của ta, mà không sợ sự hao tốn gấp bội, nếu ta làm việc với một chiếc máy đặt mua.
Nhưng cùng với ba thuận lợi quan trọng này, cách thứ hai cũng có những bất lợi của nó, dẫu rằng những bất lợi ấy, như ta sẽ thấy, sẽ giáo dục ta rất nhiều. Trước hết, để tạo ra chiếc máy, chúng ta phải có nhân sự và nhân sự ở đây phải là những chuyên viên trong các ngành khoa học và kỹ thuật vật lý như toán học, vật lý học và kỹ thuật điện học và điện tử học. Cứ vào tình trạng nhân sự nước ta và giáo hội ta ngày nay, vấn đề này không dễ gì mà thỏa mãn hoàn toàn một sớm một chiều được, nhưng có lẽ không đưa ra những khó khăn đáng chú ý, bởi vì nếu chúng ta chịu khó nghiên cứu, huấn luyện và học tập, một số giới hạn những chuyên viên vừa nói có thể tạo ra.
Viễn tưởng của vấn đề này càng trở thành sáng lạng hơn nữa, khi chúng ta có thể nhờ vả sự giúp đỡ của các trường đại học khoa học và kỹ thuật. Tiếp đến, vấn đề vật liệu cho việc tạo nên chiếc máy. Vấn đề này có thể giải quyết theo hai cách.
Cách thứ nhất là chúng ta đặt mua những phần cần thiết của chiếc máy như một trí nhớ từ tính, mà trong trường hợp chúng ta có lẽ không cần thiết cho lắm, bởi vì chúng ta có thể dùng những thẻ thủng như trí nhớ cho chiếc máy dịch, hay những mạch điện chuyển trở, những máy đánh thủng, máy in v.v… Sự hao tốn cho việc đặt mua những phần này không lên quá một phần năm giá thông thường của một chiếc điện toán, như đã nói.
Cách thứ nhì là chúng ta tạo ra những phần này trong phòng nghiệm của chúng ta. Thực hiện việc này đòi hỏi nhiều nhân sự nhất, nhưng lại khá rẻ tiền và trong dài hạn sẽ hứa hẹn sự phát triển kỹ nghệ của nước ta, đồng thời nó chỉcóthể được thực hiện nếu chúng ta có đủ những khí cụ để chế ra những phần đó.
Chẳng hạn, để tạo ra những chuyển trở, chúng ta phải có máy điều chế chất si-li-con thuần túy và những si-li-con hợp, máy phết, máy cắt dùng đặc biệt cho việc chế tạo những chuyển trở v.v… Tất nhiên chúng ta phải khởi hành từ từ một điểm nào đó trong việc cung cấp những vật liệu vừa nói. Cuối cùng, vì những trở ngại nhân sự và vật liệu này, việc chế tạo ra một chiếc máy dịch hao tốn khá lớn thời giờ của chúng ta, dẫu trong dài hạn sự hao tốn ấy sẽ được trả lại với những lợi tức vượt khỏi mọi công sức chúng ta đầu tư.
Trong ngắn hạn, chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta có thể đặt mua một số những vật liệu cần thiết cho việc chế ráp cái máy của chúng ta với một sự hao tốn tiền bạc phải chăng. Những phân tích này như vậy chứng tỏ sự có thể tạo ra một máy điện toán dùng cho việc dịch của chúng ta. Ngay cả khi một trong những bất lợi vừa kể không cho phép chúng ta tạo ra lập tức một máy dịch cần thiết, chúng ta cũng có thể thuê một một máy điện toán phân cột thông thường với một giá phải chăng và thích hợp hóa những phân tích ngôn ngữ học của ta theo ngôn ngữ gốc của nó để cho nó dịch những bản văn của chúng ta, và việc này có thể được thực hiện một cách khá dễ dàng.
IV
Sau khi đã phân tích những vấn đề ngôn ngữ học và kỹ thuật học của việc dịch máy cùng những giải quyết có thể của nó, chúng tôi bấy giờ thấy cần nói sơ qua công tác thực hiện việc dịch để kết luận những ý kiến ở đây. Như đã nói trên, việc dịch máy trong giai đoạn này đang còn là việc dịch trong sự tổ hợp người với máy, do đó để thực hiện nó, chúng ta trước phải sửa soạn những nhập liệu cho chiếc máy những bản văn phải dịch và đánh thủng chúng vào những thẻ thủng cùng thiết lập những cuốn tự điển Hán Việt và tạng Việt tự động với tất cả những tin tức văn phạm và cú pháp cần thiết cho cái máy dịch.
Việc tổ chức những cuốn tự điển này sẽ khá mềm dẻo, để có thể cho phép ta thêm bớt và hoàn thiện chúng trong quá trình phiên dịch, nhất là cho phép ta đưa vào những tự vựng và kiến trúc cú pháp đặc biệt của từng dịch giả. Tiếp đến, một khi nhập liệu đã được chuyển dịch xong, sản liệu sẽ được chúng ta phân tích, trước nhằm lấy kinh nghiệm cho việc tăng bổ sửa sai những tín liệu cũng như cuốn tự điển tự động dùng cho bản thứ hai, và sau nhằm nhuận sắc bản dịch sản liệu với mục đích gia thiệm tính có thể hiểu được cùng sự hoa mỹ và trung thực văn từ của nó.
Ở đây, cái ý nguyện "tổ chức một Hội đồng phiên dịch và kiểm duyệt cho viên mãn" của Viện Tăng thống có thể được thực hiện một cách khá dễ dàng, bởi vì Hội đồng ấy sẽ không yêu cầu nhiều người, ngược lại chỉ cần một số nhỏ khoảng ba bốn vị chuyên môn trong tạng kinh Hán văn hay Tạng văn với công tác trách nhiệm là đọc những bản dịch sản liệu và so sánh chúng với nguyên bản để làm chắc chắn là, không một sai lầm, thiếu sót hay khó hiểu đã xảy ra trong chúng.
Công tác phiên dịch bằng máy như vậy là một dãy những chu kỳ làm việc không ngớt và tiếp tục nhau làm hoàn thiện lẫn nhau không cần đến một số lớn nhân sự cùng thời gian, mà, sau khi đã giải quyết những vấn đề ngôn ngữ và kỹ thuật học kể trên, sẽ có lẽ không tốn tới một năm, để dịch toàn bộ cả hai tạng kinh Hán và Tạng văn. Nó, do đó, dù một vài khó khăn vật liệu và nhân sự vừa nói, hứa hẹn một giải pháp căn để cho vấn đề nhu cầu phiên dịch kinh điển Phật giáo nói riêng và phiên dịch sách vở khoa học kỹ thuật nói chung, mà trong tình trạng hiện tại những giải pháp dài hạn không thể hay chưa thể thực hiện và đáp ứng được một cách hoàn toàn và như ý muốn.
Đến đây, việc góp ý kiến của chúng tôi vào công tác phiên dịch kinh điển Phật giáo và công tác máy móc hóa việc làm đó có thể nói là tạm chấm dứt. Nhưng đã bàn về kinh điển Phật giáo thì câu hỏi tự nhiên là, các Tăng sĩ và Phật tử trong những thế kỷ trước đã làm gì và đóng góp gì cho việc phiên dịch và trước tác sách vở Phật giáo Việt nam.
Trả lời câu hỏi này, người ta có thể lập lại một cách khá dễ dàng lời nhận xét cách đây không hơn ba mươi năm của thầy Mật Thể trong Việt nam Phật giáo sử lược (1943,) Hà nội, t. xi): "Thế mà trừ một ít tài liệu chép rải rác trong các sách sử và một đôi quyển Ngữ lục gia phổ ở các chùa, thì không còn có một quyển sách nào cụ thể đáng gọi là một quyển lịch sử…".
Tuy vậy, với những bản kê khai thư tịch Việt nam và Phật giáo Việt nam ra đời như của Trần Văn Giáp trong Contribution à l‘étude des livres bouddhiques annamites conservés à l’E.F.E.0. (1943, Hanoi?), trong Bulletin de la Société des Études indochinoises 13 (1938) 1-218, của L. Cadière và P. Pelliot trong Bulletin de h Ecole Françaises d’Extrême-Orient 4 (1904) 617-671; 10 (1910) 447-450; 21 (1921) 246-247; của E. Gaspardone trong cc. (1934) 1-173; của N. Malsumoto trong Shigaku 13 (1934) 699-786; 14 (1935) 293-341; của Y Nagata trong cc. 14 (1935) 283-291; của T. Yamamoto trong cc 16 (1938) 571-628: trong Tôyô gakuhô 36 (1953) 97-112; trong Tokyo daigaku tôyô bunka kenkyùjo 5(1954) 312-351; của p. Boudet trong Bulletin des amis du vieux Hue 29 (1942) 229-259, cùng những khám phá và khai quật mới như việc tìm ra cuốn tự điển quốc âm của ni cô Pháp Tĩnh sống vào khoảng 1600-1650, mà báo Vietnam Courier 293 (1970) đã cho biết, chúng ta có thể thấy là, lịch sử thư tịch Phật giáo Việt nam không đến nỗi nghèo nàn như ta thường nghĩ hay như những tố cáo kiểu trên giả thiết.
Chính đấy là đang chờ đợi những người nghiên cứu chịu khó gia tâm truy tầm và khảo sát. Không những thế việc nhìn và viết lịch sử Phật giáo Việt nam qua lăng kính của những sử gia các triều đại đã làm những người viết sử loại bỏ và lãng quên những biến cố lịch sử quan trọng và lôi cuốn không kém, dù đã không được in vào các bộ sử triều đình. Chẳng hạn, cái tên Tuệ Tĩnh đã không một lần được thầy Mật Thể kể đến trong cuốn sách của thầy, và đấy đâu có phải vì tổ Tuệ Tĩnh đã không để lại di tích gì cho hậu sinh, ngược lại sách vở của tổ đã được in đi in lại nhiều qua nhiều thế kỷ.
Thí dụ như cuốn Nam dược Thần hiệu, quyển sách giải phóng khoa học y dược Việt nam ra khỏi sự hàng ngàn năm nô lệ nền y dược Trung quốc và đặt nền y dược Việt nam trên một Cơ sở thuần túy thực nghiệm khách quan, do đó có thể nói sáng lập nền khoa học Việt nam, đã được in ba lần chỉ trong thế kỷ 18, đấy là lần in 1717, 1726, và 1762, hay cuốn Bình khóa hư lục tiếng quốc âm đại biểu cho nền văn xuôi triết lý Việt nam xuất bản năm 1743. Và những dữ kiện này đã được những người như Gaspardone vạch ra trong những bản thư tịch kể trên công bố trước những năm 1940.
Nếu chúng ta đồng ý với Bác sỹ Nguyễn Trần Huân trong việc đặt niên đại tổ vào khoảng thế kỷ thứ XIV và đồng ý coi bản Bình khóa hư lục như quả là tác phẩm của tổ, thì đấy là những tài liệu y học, dược học triết học và văn học quan trọng không những của lịch sử khoa học và văn học Việt nam mà còn của lịch sử Phật giáo Việt nam. Đấy cố nhiên không phải là một hiện tượng đơn độc.
Đa số những cuốn văn học sử Việt Nam tiếp tục rao giảng cái huyền thoại là, nền văn học nước ta không có một nền văn xuôi trước thế kỷ hai mươi, trong khi đó những bản thư tịch trên ít nhất cũng cho ta thấy là, ngoài bản bình triết lý vừa kể thế kỷ thứ mười tám đã chứng kiến sự xuất bản một số những tác phẩm văn xuôi quốc âm khác như Phật quốc ký truyền vào năm 1780, Cỗ châu pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục vào khoảng 1750 v.v…, và những tác phẩm này không chỉ thuộc văn học sử Việt nam, mà còn có thể nói thuộc và tạo nên nền điển tịch Phật giáo Việt nam. Và đây chỉ mới kể đến những tác phẩm quốc âm của nền điển tịch này.
Chúng ta còn có những tác phẩm Hán văn của các thiền sư và sử gia cũng như những trích phẩm rải rác trong những bản văn Hán văn như Thiên nam dư hạ tập với 54 trích phẩm của 100 năm lịch sử Phật giáo thời Hậu Lê, mà thầy Mật Thể gọi là "thời đại Phật giáo suy đồi", Kiến văn tiểu lục của Lê Quí Đôn, Minh thi tụng, Thanh thi hội, v.v,.. Còn về lịch sử dịch thuật, ngày nay ta cũng chưa biết rõ số lượng kinh điển được phiên dịch trước thế kỷ hai mươi là bao nhiêu, nhưng điều chắc chắn là công tác phiên dịch đã được thực hiện.
Việc xuất bản bản dịch kinh Diệu pháp liên hoa vào năm Tự Đức nguyên niên (1847) là một chứng cớ thí dụ. Chúng tôi chưa biết nó được ai dịch và dịch vào lúc nào. Tuy thế, với những công trình như của ni cô Pháp Tĩnh kể trên, nếu nó đã được dịch có thể với những bản kinh khác vào những năm trước thế kỷ thứ 19, thì điều ấy cũng không có gì là lạ. Như vậy, Phật giáo nước ta quả đã có một nền văn học và điển tịch khá độc đáo và khá địa phương, chứ không phải như những nghiên cứu lịch sử theo lăng kính sử sách triều đình đã cho thấy. Cũng cần nói thêm là, tài liệu của những cuốn sử như Việt nam thuyền tôn thế hệ, Thống yếu kế đăng lục, Bảo cực truyện v.v… đều có thể kiểm chứng và làm phong phú với những khai quật khảo cổ học, mà công tác khai quật cố đô Hoa lư gần đây đã chứng tỏ.
Chúng ta ngày nay phải đặt một dự án khai quật cho những di tích Phật giáo tại miền Bắc và thực hiện một phần nào tại miền Nam này. Công tác này phải được chúng ta cân nhắc một cách kỹ lưỡng, nhất là đối với hai giai đoạn đầu của lịch sử Phật giáo Việt nam, nếu ta đồng ý chia lịch sử đó thành ba giai đoạn chính:
1. Giai đoạn du nhập từ thế kỷ thứ nhất cho đến thế kỷ thứ 10
2. Giai đoạn toàn thịnh từ thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỷ thứ 14
3. Giai đoạn phát triển từ thế kỷ thứ 15 đến bây giờ
Thay vì việc chia nó thành từng triều đại như những sử gia trước đây đã làm. Giai đoạn du nhập hầu như hoàn toàn rơi vào bóng tối và chúng ta phải dựa vào những tài liệu Phật giáo và sử sách Trung quốc hay những tài liệu Việt nam hậu kỳ, để nghiên cứu nó, vì vậy đã không được biết một cách đầy đủ, dẫu rằng tính xác thực của chúng có thể được kiểm chứng. Việc khai quật những chùa chiền ở những miền Sơn tây, Bắc ninh chẳng hạn sẽ cung hiến ít nhất một vài vật kiện nghệ thuật và nhân chủng, nếu không là văn học.
Nghệ thuật Bút tháp thuộc giai đoạn này, nó do đó cũng phải được coi như một địa điểm khai quật có thể, dù những học giả trước như Bezacier trong L’art Vietnamienne (1955, Paris) đã từng tìm hiểu. Và không cần phải nói là, vấn đề Mâu tử lý hoặc luận phải được nghiên cứu dưới một ánh sáng mới trong liên hệ với sự thành hình tổ quốc Việt nam. Giai đoạn hoàn thịnh có nhiều tài liệu thành văn hơn, nhưng, như công tác khai quật cố đô Hoa lư cho thấy, nền Phật giáo giai đoạn này không phải chỉ gồm những thiền sư, như những sách vở của những thế kỷ sau gồm cả những sách vở ngày nay đã mô tả, ngược lại nó khá nặng màu sắc và bản chất những ảnh hưởng và thực tập mật giáo.
Truyền thuyết về khả năng sấm độn của thiền sư Vạn Hạnh như vậy không phải là không có lý cứ. Cao điểm phát triển của giai đoạn này dĩ nhiên là sự ra đời của thuyền phái thuần túy Việt nam, đấy là thuyền phái Trúc lâm, mà tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản một cách hoàn toàn, một tình trạng chung cho toàn bộ thư tịch Phật giáo nước ta. Công tác nghiên cứu khảo cổ học, bia văn học và nghệ thuật học sẽ chứng thực thật hư của những tài liệu lịch sử của giai đoạn này.
Đến giai đoạn phát triển, việc thu thập tài liệu thành văn, bia văn và nghệ thuật càng dễ càng hơn, nhưng cũng vẫn chưa được chú mục một cách nghiêm chỉnh. Khởi sự với nhịp bước Nam tiến của dân tộc ta, nền Phật giáo của giai đoạn này xuất hiện dưới nhiều màu sắc khác nhau, nhất là với sự nghiệp hoằng pháp của những tăng sỹ Trung quốc ở Đàng trong cũng như Đàng ngoài. Đồng thời, những thí dụ điển tịch kể trên cho thấy giai đoạn này chứng kiến sự bột hứng của công tác văn nghệ Phật giáo cùng sự xuất bản và ghi khắc nó.
Dẫu thầy Mật Thể có gọi thời Hậu Lê là "thời đại Phật giáo suy đồi", và đã dành không đầy bốn trang giấy cho nó, thời đại này không đến nỗi quá đồi trụy để được chiêu đãi một cách như thế. Việc 54 trích phẩm xuất hiện trong Thiên nam dư hạ tập, việc Lương Thế Vinh vị tiến sỹ đầu tiên của triều Lê và tác giả cuốn sách toán học Việt nam đầu tiên đã viết tựa cho một tác phẩm Phật giáo, và nhất là thái độ của Nguyễn Trãi khi ông trở về già đã phản chứng lại một suy nghĩ như vậy. Và chúng ta có thể làm giàu thêm cá tính đặc thù của lịch sử Phật giáo của thời này với việc nghiên cứu những bia văn của vua quan triều Lê.
Thời đại Phật giáo Lê Trung Hưng cũng như Nguyễn và hiện đại đang chờ đợi ta nghiên cứu với những tư liệu của nó. Công tác thiết lập một bản thư tịch lịch sử Phật giáo Việt nam cũng như những bia ký và số lượng chùa chiền đáng được chúng ta chú trọng một cách thấm thiết hơn và phải được coi như công tác cơ bản cho việc viết một cuốn sử Phật giáo nước ta và việc xuất bản một đại tạng kinh Việt nam.
Trong giai đoạn đầu; ngoài việc thống kê những chùa chiền, bia ký, những thủ bản và những ấn bản gỗ, (mà tôi có dịp thấy ở chùa Linh mụ và chùa Báo quốc ở Huế chẳng hạn, nhưng chưa có dịp nghiên cứu và xếp đặt chúng), những sưu tập của trường Viễn đông bác cổ, mà những vi phim đã được thư viện của Viện khảo cổ ở Sàigòn và thư viện trường Viễn đông bác cổ ở Ba lê sở hữu, là những nguồn tài liệu cho việc nghiên cứu đề án trên, trong khi chờ đợi đất nước thống nhất hay ít nhất những liên hệ Nam Bắc được bình thường hóa cho việc dùng những sưu tập của Thư viện trung ương ở Hà nội, cùng việc kiểm tra chùa chiền và cổ tích một cách hoàn toàn.
Cũng cần ghi thêm là, một cuốn sử Phật giáo Việt nam sẽ không hoàn toàn đầy đủ, nếu chúng ta không biết đến lịch sử Phật giáo Chiêm thành. Dân tộc Chàm đã sống bên cạnh dân tộc ta trong thời gian khá dài và đất đai họ cuối cùng trở thành một thành phần của tổ quốc Việt nam, thế thì nền Phật giáo nước ta, nhất là nền Phật giáo của giai đoạn Nam tiến, tất phải chịu đựng một số ảnh hưởng nào đó của họ, điều này càng trở nên dễ hiểu hơn, nếu chúng ta nhớ đến sự ngự trị chân thành của Phật giáo Ấn độ trong khoảng những thế kỷ khi dân ta chưa lấy lại, mà cao điểm là nền nghệ thuật Đông dương với cái tượng Phật Đông dương nổi tiếng ngày nay, cũng như sự ảnh hưởng của người Chiêm thành đến âm nhạc của ta, mà sau nầy được biết như nam bình và nam ai và một số những nhạc khí khác.
Tất nhiên, nói đến ảnh hưởng của họ không có nghĩa Phật giáo nước ta không có những bản chất của nó. Việc chúng ta cho phép người Cam bốt (hay bắt buộc họ?) mặc quần áo như dân tộc ta xảy ra cách đây hơn một trăm năm trong ý đồ Việt hóa họ chẳng hạn là một thí du, phản chứng. Dẫu thế những đền đài, chùa miếu của miền Trung nước ta chắc phải bày tỏ một vài nét "vay mướn" nào đó từ những đền đài của người Chàm, dù điểm này chưa được nghiên cứu một cách hoàn tất. Vấn đề này vì vậy, nếu nhân sự và tài lực cho phép đáng được những người viết sử Phật giáo Việt nam chú mục và khảo tra, để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó cũng như khả năng biến tính của Phật giáo nước ta. Trong giai đoạn đầu việc nghiên cứu những bia văn của dân tộc này là cần thiết cho việc hiểu biết nên Phật giáo của họ, đồng thời nhằm hệ thống hóa chúng cho việc tạo nên một nền điển tịch Chàm.
Dĩ nhiên, với một nền như nền Phật giáo Việt nam, những ý kiến trên không gì hơn là những gợi ý và đóng góp thô thiển về nó mà chúng tôi coi như những ý niệm chỉ đạo cho việc nghiên cứu nó trong tương lai. Việc nói đến những khuyết điểm và thiếu sót của những vị mở đường như thầy Mật Thể không nhằm đến một mục đích nào hơn là gia tăng mức độ hiểu biết của chúng ta về vấn đề lịch sử đặt ra, và những người đi sau luôn luôn tri ân, dẫu sao đi nữa, công tác của những vị mở đường.
Tác giả: Lê Mạnh Thát
Trích: Tạp chí Tư Tưởng số 9, năm 1971
CHÚ THÍCH
16. N. R. Scott, Electronic computer technology, 1970, New York; A. Profit. Structure et technologie des ordinateurs, 1970, Paris; R. K. Wall, jr., The digital data-processing problem of machine translation of Russian to English, trong Linguistic and engi. neering studies in Automatic Language Translation of Scientific Russian into English, Tech. Rept. No. RADC-TR – 60 -11, I960, University of Washington Press, tt. 356-448; E. L. Braun, Digi-tal computer design, 1963, New York.
Chúng tôi không bàn đến ở đây vấn đề kỹ thuật của máy đọc, vì một mặt một cái máy đọc ngày nay giá khoảng chừng hơn 100.000 mỹ kim, và mặt khác vấn đề nhân sự của ta chưa cho phép ta nói đến chuyện chế ra nó, để dùng đối với cái máy điện toán cho việc dịch. Hơn nữa những trở ngại của việc in Tạng ngữ và của những mẫu tự (?) Hán ngữ không hứa hẹn những áp dụng thực tiễn cho chúng, dù cái máy sẽ rất đắc dụng cho việc đọc những ngôn ngữ dùng mẫu tự La tinh như Anh, Pháp, Đức v.v…
17. Xem Lê Mạnh Thát, Sơ thảo lịch sử và điển tịch Phật giáo Việt nam (sắp xuất bản).
Bình luận (0)