CHƯƠNG MỘT: DẪN NHẬP

Như chúng ta đã biết, sự ra đời của Học thuyết Như Lai tạng là vào thời kỳ hậu Phật giáo Đại thừa, từ thế kỷ thứ III Tây Lịch. Khi đức Phật còn tại thế thì không có danh từ Như Lai tạng, mà được gọi là uẩn, xứ và giới. Về sau thời kỳ Bộ phái, là thời của Duy thức học ra đời. Trong Duy thức cũng có Như Lai tạng, nhưng phát triển nhất vẫn là thời Phật giáo Đại thừa. Và đặc biệt trong Kinh Lăng Già, thì tư tưởng Như Lai tạng lại độc đáo hơn, vì theo kinh này cho rằng Như Lai tạng chính là bào thai chứa Phật tính nơi mỗi người chúng ta. Đồng thời tư tưởng Như Lai tạng nơi kinh Lăng Già cũng bao hàm nghĩa Như Lai tạng trong tất cả các kinh, luận Đại thừa khác. Tư tưởng Như Lai Tạng trong Kinh Lăng Già đả phá mọi cái nhìn thiên lệch của các triết gia, về quan điểm linh hồn trường cửu, cũng như phá sự lo sợ, hoài nghi, ngu muội của mọi chúng sinh không dám tin mình có khả năng tu tập chứng quả vị Phật.

Tư tưởng Như Lai tạng theo Phật giáo là mệnh đề rất lớn, nhưng ở bài viết này, người viết chỉ xin gói gọn, viết giới hạn phạm vi tư tưởng Như Lai tạng trong Kinh Lăng Già; ngõ hầu giúp ích mọi người nhờ đó mà nhận diện được bản tâm thanh tịnh, Phật tính nơi tự thân mà tinh tấn tu tập để thành tựu được sự an lạc giải thoát ngay trong dòng đời sinh tử này.

CHƯƠNG HAI: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM NHƯ LAI TẠNG

Nhiều sử liệu Phật giáo ghi nhận, thì vào thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy không có từ Như Lai tạng, mà được hiểu là duyên khởi, ngũ uẩn, mười hai xứ và Như Lai tạng khởi nguồn từ A Lại Da của Duy thức học.

Trong toàn bộ hệ thống của Duy thức, không ngoài mục tiêu xây dựng hình tượng con người được tóm gọn trong tám thức, thì thức A Lại Da đóng một vai trò tương đối quan trọng, trung tâm hơn các thức khác. Vì sao? Vì thức A Lại Da là kho tàng, chủng tử thâu nhiếp toàn bộ vạn pháp trong vũ trụ, mà theo sách Nghiên cứu kinh Lăng Già ghi như sau: “A Lại Da (Àlaya) nghĩa là kho (tạng, theo nghĩa Hoa ngữ) trong đó tất cả mọi thứ hàng hóa được cất giữ và chức năng của A Lại Da thức là chứa tất cả tập khí (vàsanà) của tư tưởng, tình cảm, ước muốn, và hành động của người ta”[1]. A Lại Da còn là hình ảnh của tất cả pháp, nên đứng ở một góc độ nào đó thì ta không thể thấy về A Lại Da thức, vì vậy mới có sự phân biệt. Nhận thức về A Lại Da là đồng nghĩa nhận thức thế giới bằng cách khác biệt, như kinh nói: “Quan niệm A Lại Da theo hai khía cạnh của nó, 1. Là một thể tính tuyệt đối (tịch tịnh pháp – Vivikta) và 2. Là thứ phải chịu tác động do nhân duyên (lutuka)” [2], Hoặc: “Một mặt A Lại Da được hiểu là Như Lai tạng (Tathàgata – garbha), cái thai chứa Như Lai tính, và mặt khác bị người ngu tưởng là một ngã – linh hồn (Pudgala hayn Àtman)” [3].

Nội dung chính của Duy thức là bàn về A Lại Da thức hay còn gọi là chủng tử. Khi nó được gọi là chủng tử, là hạt giống của các pháp thì nó là cái nhân, cái gốc sinh ra vạn pháp nên hình thành tư tưởng “nhất thiết duy tâm tạo”. Nhưng A Lại Da thức lại có hai phần, một mặt là nhiễm ô còn mặt khác thanh tịnh, điều đó đòi hỏi người tu phải biết chuyển hóa, tức chuyển thức thành trí, hay chuyển phàm thành bậc thánh nhân vậy.

Theo các nhà nghiên cứu thì Như Lai tạng được lưu hành là vào thời Phật giáo Đại thừa hậu kỳ, nhằm thế kỷ thứ ba Tây lịch. Mà sự khởi nguồn chính là tư tưởng Bộ phái và Phật giáo đại thừa thời sơ kỳ, đã hình thành nên triết lý, tư tưởng Như Lai tạng rồi lưu hành truyền bá về sau này.

Nếu nghiên cứu sâu xa hơn, thì Như Lai tạng cũng chính là bắt nguồn từ lời Phật dạy mà ra, như theo các hệ thống kinh điển A Hàm hoặc Nikaya. Đây là nói theo sách Nghiên cứu Học thuyết Như Lai Tạng của Pháp sư Ấn Thuận, viết: “Như lai tạng là một trong ba hệ tư tưởng lớn của Phật giáo đại thừa, bên cạnh Trung Quán và Duy Thức. Hệ tư tưởng này bàng bạc trong rất nhiều Kinh-Luận của Phật giáo đại thừa, tất nhiên nguồn gốc sâu xa của nó vẫn là vẫn từ hệ thống kinh điển A Hàm (Àgama, Pàli. Nikaya) mà ra” [4].

Như vậy tóm kết, khái niệm tên gọi “Như Lai tạng” được hình thành là dựa trên khái niệm duyên khởi, pháp xứ của Nguyên thủy và kế thừa tư tưởng A Lại Da, kế đến là tính không của Bát Nhã học, rồi đi đến hình thành Như Lai tạng. Nói cụ thể hơn, thì Như Lai tạng được hình thành và phát triển là thời kỳ Phật giáo Đại thừa, vào thế kỷ thứ III Tây Lịch, như sách Nghiên Cứu Tư Tưởng Như Lai Tạng có nói: “Vào thế kỷ thứ III TL, thuyết Như Lai tạng (Tathàgatagarbha) được Phật giáo Đại thừa hình thành và truyền bá” [5]. Sau đó tiếp nối phát triển cực thịnh vào các thế kỷ thứ IV – V TL. Như sách ghi: “Ở Ấn Độ, học thuyết Như Lai tạng… Đến khoảng thế kỷ IV – V Tây lịch, học thuyết này rất hung thịnh” [6]. Học thuyết Như Lai tạng chủ yếu lấy các hệ kinh điển Đại thừa Phật giáo thời hậu kỳ làm nền tản lý luận cũng như phát triển thịnh hành về sau. Theo nhiều tài liệu ghi nhận, thì từ Như Lai tạng vốn đã có trong nền văn hóa Ấn Độ rồi, trước khi Phật giáo hình thành học thuyết Như Lai tạng. Như theo sách Nghiên Cứu Tư Tưởng Như Lai tạng có nói: “Như Lai tạng là thuật ngữ xuất hiện vào thời đại hậu kỳ, nhưng Như Lai và tạng lại là những danh từ vốn có trong nền văn hóa Ấn Độ”[7].

CHƯƠNG BA: ĐỊNH NGHĨA VÀ GIẢI THÍCH NHƯ LAI TẠNG

Như Lai, nói một cách ngắn gọn thì có 3 nghĩa:

“1.Như pháp tướng giải: thấu suốt thật tướng của các pháp là Như”[8], nghĩa thứ hai: “2. Như pháp tướng thuyết: tuyên thuyết thật tướng các pháp là Như”[9], và nghĩa thứ ba: “3.Chư Phật đến (thế gian) bằng con đường an ổn là Như” [10]

Như Lai chính là chỉ cho đức Phật tuy đến với cõi đời này nhưng Ngài không rời tự tính thanh tịnh, lúc nào Ngài cũng luôn an trụ tâm bất động, vào đời nhiếp hóa chúng sinh mà không rời giải thoát.

Như Lai tạng (Tathàgata-garbha), tức chân như, pháp tính, thể tính thanh tịnh, Niết bàn. Theo sách Nghiên Cứu Tư Tưởng Như Lai Tạng có ghi: “Y cứ vào Như Lai Tạng mà có bốn nghĩa, y cứ vào bốn nghĩa mà có bốn tên gọi, bốn tên gọi đó là Pháp thân (Dharma- kaya), Như Lai (Tathàgata), Thánh Đế (Àrya-satya), Niết Bàn (Nirvàna)” [11].

Như Lai cũng chính là chỉ cho mười hiệu của Đức Phật. Mười danh hiệu Phật là: 1. Ứng Cúng, 2. Chánh Biến Tri, 3. Minh Hạnh Túc, 4. Thiện Thệ, 5. Thế Gian Giải, 6. Vô Thượng Sĩ, 7. Điều Ngự Trượng Phu, 8. Thiên Nhơn Sư, 9. Phật, và, 10. Thế Tôn. Mười hiệu này là chỉ cho công hạnh, tuệ giác, sự Bi, Trí, Dũng… của hết thảy các đức Phật.

Tạng (garbha): là kho tàng, nơi cất giữ hạt giống trí tuệ, bản tâm chân như thanh tịnh của vạn pháp hữu tình chúng sinh trong vũ trụ. Tạng cũng chính là thai tạng. Tạng, cũng là bào thai. Thai này không phải bình thường, phàm tục, mà nơi đó đang bao bọc chủng tử Phật. Do chúng sinh bị che phủ bởi phiền não mê lầm, phiền não tham, sân, si và che đậy Phật tính nơi chính mình, không nhận ra được cái mầm giác ngộ trong thân mình, để rồi vô minh tạo nghiệp sinh tử luân hồi, triền miên bất tận.

Ảnh: St

CHƯƠNG BỐN: TƯ TƯỞNG NHƯ LAI TẠNG TRONG KINH LĂNG GIÀ

Như Lai tạng chính là mấu chốt lịch sử ra đời của Kinh Lăng Già và cốt yếu chính là triết lý Như Lai tạng.Tư tưởng cốt yếu của Như Lai tạng trong Kinh Lăng Già là trên nền tảng duyên khởi cũng như vô ngã. Như Lai tạng ở đây là chỉ cho Phật tính, là chân như thanh tịnh, bất sinh bất diệt.

Như Lai tạng chính là chủng tính Phật, pháp thân thanh tịnh, Niết bàn an lạc. Tạng là cái kho, thai tạng chứa Phật tính nơi tất cả hữu tình chúng sinh. Tuy nhiên sở dĩ Như Lai tạng bị bao bọc bởi các sự nhiễm ô, bụi trần phiền não, là do vì lúc đó chúng ta bị vô minh che mờ trí tuệ, nên tạo mọi việc bất thiện nơi ba nghiệp, dẫn đến tính thanh tịnh của Như Lai tạng bị che mờ, chúng ta cứ thế mà trôi lăn trong bể khổ sinh tử.

Tư tưởng về Như Lai tạng theo kinh Lăng Già vốn trong sáng, không ô nhiễm, trường cửu, thường hằng như viên ngọc quý giấu trong mỗi chúng sinh, ẩn trong uẩn, xứ, giới nhưng nó bị bụi tham, sân, si làm ô nhiễm. Như Lai tạng là chỉ cho tính giác ngộ được ẩn giấu trong mỗi chúng sinh, nó vốn thường hằng sáng suốt, nhưng vì vô minh, tham, sân, si bất giác, mà Như Lai tạng bị che phủ. Mà khi Như Lai tạng bị vô minh phiền não che phủ, thì Như Lai tạng là đồn nghĩa với A Lại Da thức trên mặt nhiễm ô, và khi Như Lai tạng trong sáng, thanh tịnh, vắng lặng, không bị tham, sân, si phiền não làm vẫn đục thì đó chính là bề mặt thanh tịnh của thức A Lại Da, và đấy cũng chính là Như Lai tạng, là Phật bất sinh bất diệt. Thế nên, chúng ta phải hiểu, về Như Lai tạng với A Lại Da là một sự thật hiển nhiên không thể tách rời, đó được xem thể tính thanh, tương quan mật thiết với nhau. Hễ có Như Lai tạng thì đồng nghĩa có A Lại Da và ngược lại. Không phải hai, nhưng nếu nói một thì cũng không phải, vì khi còn ô nhiễm thì gọi A Lại Da, nhưng khi thanh tịnh gọi là Như Lai tạng. Ví như sóng và nước tuy hai mà một. Nếu tách rời nước thì không có sóng, và nếu lấy sóng mà bỏ nước đi thì làm gì sóng có thể hiện hữu. Cũng vậy, Phật và chúng sinh là hiện hữu trong mỗi một hữu tình chúng sinh ai cũng có, tách rời chúng sinh thì làm gì có Phật, mà là nơi con người chúng sinh này chúng ta tinh tấn tu tập đoạn trừ phiền não thì mới thành tựu Như Lai tạng hay quả vị Phật được. Phật và chúng sinh là khác nhau về niệm mê và giác. Lúc mê là phàm phu, chúng sinh, mà khi tỉnh giác thì được xem như Phật hay còn gọi “Phiền não tức Bồ Đề” là vậy. Như sự kiện lịch sử về anh chàng Vô Não (Angulimala), lúc chưa gặp Phật, do mê muội trên con đường tà đạo, mà đã ra tay chặt hết 999 của mọi người, nhưng đến khi gặp Phật, được Phật hóa độ, và chàng Vô Não đã buông bỏ đao kiếm, theo Phật tu tập rồi chứng Thánh quả. Câu chuyện này ý muốn nói rằng, khi mê thì con người là chúng sinh, nhưng hễ giác ngộ chính là Phật. Phật và chúng sinh chỉ khác nhau có ý niệm. Ý niệm xấu ác thì là chúng sinh, mà ý niệm thiện, biết chuyển hóa tham, sân… thì đưa con người đến bến giác. Và bản lĩnh của người tu là làm sao sống trong phiền não mà tu tập dùng trí tuệ chuyển hóa được, gạn lọc được tham, sân, si… để tâm an lạc, thanh tịnh đắc đạo, thì mới là điều cốt yếu đáng lưu tâm. Như tấm gương của Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài hạ phàm với lịch sử con người bình thường như bao người khác, nhưng Ngài không giống họ là vì Ngài có Bi, Trí, Dũng quyết lòng tu tập đoạn diệt phiền não, thành tựu được quả vị Phât. Cho nên chúng ta phải noi gương Phật tu tập thành tựu kết quả như thế mới đúng với lời Phật dạy.

Bên cạnh đó, Như Lai tạng trong kinh Lăng Già còn chỉ cho chúng ta thấy được những quan điểm sai lầm của các bậc Thinh văn, Duyên giác, với nhiều Triết gia về những vấn đề như phân biệt, nhị nguyên, chấp hữu, chấp vô, linh hồn trường cửu. Điều này cho thấy chủ thuyết Như Lai tạng ra đời nhằm phê phán một số quan điểm của các bộ phái Phật giáo tiêu cực, cố chấp…đại khái như là phê phán phái Độc Tử Bộ, vì phái này cho rằng có một cái ngã thật hữu và bất biến.

Như vậy Như Lai tạng là kết quả của thức A Lại Da đã được loại bỏ phần nhiễm ô, còn lại phần thanh tịnh, nên được gọi là Như Lai tạng. Thanh tịnh là chân như và ô nhiễm là phiền não. Sự thanh tịnh và phiền não vốn là hai phương diện đối lập nhau, nhưng không thể tách rời nhau khi còn người tứ đại hiện hữu. Ở nơi mỗi người đều ẩn giấu viên ngọc quý đó chính là bản tâm thanh tịnh, là chân như bất sinh bất diệt. Vì vậy, mỗi người cùng nhau tinh tấn tu tập, diệt trừ phiền não, nhận thức “Như Lai tạng” Phật tính thanh tịnh nơi tự thân chúng ta, để tự thân và tha nhân đều được an lạc giải thoát.

Tư tưởng Như Lai tạng trong Kinh Lăng Già rất cao thâm, vi diệu, không thể nghĩ bàn. Như trong tác phẩm Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng viết: “Như Lai tạng có tự tính thanh tịnh, nhưng bị khách trần phiền não và các phiền não thượng phẩm làm nhiễm ô, đó là cảnh giới Như Lai không thể nghĩ bàn” [12]; Và cảnh giới này cũng không thể dùng ngôn ngữ làm sáng tỏ được, mà chỉ có ai thực nghiệm tu hành, tự thân chứng đắc mới có thể biết được.

CHƯƠNG NĂM: SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NHƯ LAI TẠNG VÀ NGÃ CỦA BÀ LA MÔN

Có nhiều quan điểm cho rằng, Như Lai tạng theo hệ Phật giáo Phát triển ngày một giống với cái “ngã” (Àtman) của Bà La Môn. Vậy Phật giáo sẽ trả lời cũng như biện luận ra sao về vấn đề này? Đại diện cho mọi người, nên ở Lăng Già Kinh, ngài Đại Huệ Bồ tát nhiều lần bạch Phật thế này: “Lại nữa, bạch đức Thế tôn! Như Lai tạng đã được diễn tả trong kinh, và thật sự được Ngài thuyết rằng nó có tự tính sáng chói, thanh tịnh, thanh tịnh thù thắng, chuyển vận thành đủ ba mươi hai đặc tướng đi vào trong thân tất cả chúng sinh. Ví như viên ngọc có giá trị lớn bị bao bọc bởi vật dơ bẩn, Như Lai tạng bị bao quanh bởi vật uẩn, giới, xứ, bị nhiễm ô bởi sự dơ bẩn của sự phân biệt không thật gồm tham, sân, si nhưng nó là thường, kiên cố, thiện và bất hoại. Bạch Thế tôn! Thuyết Như Lai tạng như thế không phải là giống với thuyết tự ngã của ngoại đạo ư? Bạch Thế tôn! Những người ngoại đạo cũng giảng về thuyết tự ngã rằng nó là thường, là kẻ tạo tác, phẩm tính siêu việt, tự tại, bất diệt” [13]. Và, tương tự câu trong Kinh Đại Bát Niết Bàn giải thích: “Ngã có ý nghĩa là Như Lai tạng; tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nghĩa là có Ngã”[14]. Hết thảy chúng sinh đều có tánh giác, thường hằng, hiện hữu và Phật tính ấy chính là Như Lai tạng, vậy thì liệu đây có phải là cơ sở, nền tản tạo nên cái Ngã hay không. Thế nên theo kinh Lăng Già, đây là Bồ Tát Đại Huệ thấy các chúng sinh ngu si, mê muội không hiểu biết gì, hiểu sai về Như Lai tạng, nên đã vì chúng sinh mà đại diện bạch hỏi Phật, để Phật giải đáp tường tận, giúp chúng sinh khai mở trí tuệ, hiểu về Phật pháp một cách rõ ràng, sáng suốt. Qua câu hỏi của Bồ tát Đại Huệ, Phật trả lời như sau: “Đại Huệ! Như Lai tạng mà Ta thuyết khác với khái niệm Ngã mà ngoại đạo chủ trương. Đại Huệ! Có khi Ta nói về Không, Vô tướng, Vô nguyện, Như, Thật tế, Pháp tính, Pháp thân, Niết bàn”[15]. Đoạn kinh trên cho chúng thấy rằng, Phật thuyết pháp là tùy theo phương tiện căn cơ chúng sinh mà dẫn dụ, tùy vào đối tượng mà nói có Như Lai tạng, tùy căn cơ mà bảo Như Lai tạng bản chất vốn không hình tướng, không có ngã, mà vô ngã hoàn toàn. Chỉ vì chúng sinh mê muội nên phải dùng hình thức để ẩn dụ có Như Lai tạng… chứ trên thực tế thì tất cả là vô ngã, kể cả Như Lai tạng.

Chúng sinh sở dĩ chìm đắm trong biển sinh tử luân hồi, là vì không nhận ra được Phật tính nơi chính mình, như trong Luận Bảo Tính dạy: “Trong chúng sinh giới,không có một chúng sinh nào tách rời pháp thân Như Lai, tồn tại ngoài pháp thân Như Lai; không có chúng sinh nào tách rời trí tuệ Như Lai, tồn tại ngoài trí tuệ Như Lai. Giống như các sự vật hình tượng không tách rời hư không, nên nói bài kệ rằng: Như các sự vật hình tượng, tồn tại không tách rời hư không, thân chúng sinh cũng như vậy, không lìa trí tuệ chư Phật. Do vì ý nghĩa như thế, cho nên nói tất cả chúng sinh, đều có Như Lai tạng”[16]. Đứng về mặt sự vật hiện tượng thế gian mà nói thì Phật (Như Lai tạng), để mọi người tinh tấn tu tập, đạt được sự an vui giải thoát. Đứng về mặt lý tính tuyệt đối thì tất cả là vô ngã, kể cả danh gọi Như Lai tạng cũng không, vì như thế mới thật sự là cốt tủy chư Phật muốn nói. Hay nói đúng hơn ”Vô Ngã mới chính là Niết Bàn”, Vô ngã là Như Lai tạng, vô ngã mới chính là Phật. Thế nên Như Lai tạng mà Phật dạy thì chỉ là ẩn dụ giúp chúng sinh tu tập, vì vậy chúng ta phải hiểu rằng: “Như Lai tạng mà Phật thuyết ấy là ẩn dụ cho khả năng thành tựu giác ngộ của mỗi chúng sinh, thật sự nó vốn là tính không…chẳng có một dấu hiệu nào để nắm bắt được. Nó không phải là hư vô nhưng cũng không phải hình tướng mà chúng sinh có thể thấy hay là một mô thức bất kỳ được hình dung tạo ra. Nó cũng không phải đối tượng để cầu xin có được mà phải chính mình nỗ lực tu tập mới chứng đắc. Chứng đắc cũng không phải là nắm bắt, mà chính là trở về và sống hòa nhập với trạng thái tịch tĩnh vốn có ấy, cho nên kinh nói rằng Như Lai tạng cũng dược gọi là Niết Bàn”[17]. Bởi vì chúng sinh mê muội, khó hiểu Phật pháp sâu xa, nên Phật luôn dùng nhiều phương tiện thiện xảo, nhiều ẩn dụ,… để giúp chúng sinh dễ hiểu Phật pháp, không còn ngu muội sợ hãi,vô minh che mờ tuệ giác, mà thấu đáo được chân tâm, Phật tính của chính mình, nên Phật dạy có Như Lai tạng, có Niết bàn, có tu, có chứng… Chứ thật thì tất cả là không, là vô ngã.

Phía Bà La Môn giáo vì tư tưởng bắt nguồn từ Vệ Đà (Vedas) cũng như Áo Nghĩa Thư (Upanishad), họ đồng nhất giữa Đại ngã (Brahman) tối cao và Tiểu ngã (Àtman) cá thể, là một thể thống nhất, tức không phải hai, được gọi là linh hồn vũ trụ, và quan niệm mọi thứ trong vũ trụ đều từ đây mà sinh, chính đây là duy nhất, bất diệt, sáng tạo… không mất trong thế giới này. Nên quan niệm về cái ngã của họ thật sự là rất phức tạp, cố chấp, đưa đến đau khổ không lối thoát. Phật giáo thì phủ nhận hoàn toàn tư tưởng Ngã của các ngại đạo, kể cả Bà la môn giáo. Vì Phật giáo chủ trương Vô ngã. Vô ngã mới là điểm cốt yếu của Phật giáo. Đức Phật luôn lấy Duyên khởi và Vô ngã đả phá mọi quan niệm của các học thuyết ngoại đạo. vì vạn pháp vũ trụ là duyên sinh duyên diệt, và chúng cũng là vô ngã.

Ngày nay trên đà Phật giáo phát triển, việc thờ tôn tượng Phật ở các chùa v.v..là nhằm mục đích để chúng sinh thấy hình tướng Phật mà quay về nương tựa chính mình, tìm ra chân tâm, Phật tính của mình, để tinh tấn tu tập giải thoát, đạt được quả vị Phật, và đây cũng là một hình thức phương tiện thiện xảo thu phục lòng người quay về Phật pháp, chứ không phải hình tượng để mọi người thờ cúng bái lạy là Phật còn cái ngã, mà chúng ta nên hiểu đó chính là duyên khởi, không có bản ngã, như vậy mới đúng với tinh thần của đạo Phật.

CHƯƠNG SÁU: KẾT LUẬN

Nói tóm lại, tư tưởng Như Lai Tạng được trình bày qua ba phương diện thời gian từ Nguyên thủy đến Bộ phái và Đại thừa Phật giáo. Chúng ta nhận thấy rằng, từ thời Phật giáo Nguyên thủy thì khái niệm về Như Lai Tạng không được đề cập đến, mà chỉ xuất hiện trong thời kỳ Phật giáo Phát triển, thế kỷ thứ ba Tây lịch. Sau đó vào thế kỷ thứ bốn và năm trước Công Nguyên phát triển rất thịnh cũng như lưu hành đến hiện tại ngày nay. Như Lai tạng cũng chính là A Lại Da; là A Lại Da sau khi đã bỏ nhiễm còn tịnh.

A Lại Da hay còn có tên khác là chủng tử, mầm móng sinh ra các pháp. Thế giới ngoại tại do tâm tạo ra, cũng như tất cả pháp đều thức biến hiện, và thức này cũng duyên sinh. Khi nó được gọi là chủng tử, hạt giống của các pháp thì nó là cái mầm, cái gốc sinh ra vạn pháp nên hình thành tư tưởng “nhất thiết duy tâm tạo”. Con người sống trên đời, sở dĩ có hoàn cảnh xuất thân nghèo giàu, trắng đen, địa vị và không địa vị, thì tất cả là do tâm, ý niệm tư duy rồi dẫn đến hành động tạo tác nghiệp tốt hoặc xấu, nên dẫn đến tương lai tái sinh mỗi người với phước báu khác nhau là vậy. Nghiên cứu về tư tưởng Như Lai tạng trong Kinh Lăng Già không chỉ giúp mọi hành giả mở mang tri thức, hiểu thêm khái niệm mới về “bào thai chứa Phật tính” mà mọi người sẽ tự tin hơn trên lộ trình tiến tu giải thoát, chứng thành Phật quả. Vì cần tinh tấn, dùng trí tuệ gạn lọc phiền não, chuyển thức thành trí, bỏ nhiễm còn tịnh, thì nhất định sẽ có kết quả an lạc trong đời sống. Đúng với câu nói: “tâm tính vốn thanh tịnh, bị khách trần làm nhiễm ô”[18], tức chỉ cho tâm con người vốn dĩ vắng lặng, nhưng do vô minh, nên đưa đến sinh tử khổ đau. Khi chúng ta hiểu được điều này, thiết nghĩ là mỗi người hãy ý thức tu tập trừ diệt mọi phiền não nhiễm ô ra khỏi cuộc đời mình, để cuộc sống có được sự bình an nội tại và ý nghĩa hơn.

Thích Nữ Như An – Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM -----------------------------------

THƯ MỤC THAM KHẢO 1. Nghiên cứu Kinh Lăng Già, Thích Chơn Thiện (dịch), NXB.Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr.215- 216 2. Thích Chơn Thiện (dịch), Lăng Già Đại Thừa Kinh, NXB.Tôn giáo, 2005, tr.3 3. Thích Chơn Thiện (dịch), Lăng Già Đại Thừa Kinh, NXB.Tôn giáo, 2005, tr.35 4. Nghiên cứu Học thuyết Như Lai Tạng, Pháp sư Ấn Thuận (Tác giả),Thích Nhuận Thịnh (dịch và phụ chú), NXB.Hồng Đức, Hà Nội, 2019, tr. Xxiii 5. Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2017, tr.193 6. Nghiên Cứu Tư Tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2017, tr.15 7. Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2017, tr.33 8. Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2017, tr.34. 9. Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, 2017, tr.34. 10. Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, 2017, tr.35 11. Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, 2017, tr.30 12. Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai tạng, Hòa thượng Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, 2017, tr. 390 13. Nghiên cứu Học thuyết Như Lai Tạng, Pháp sư Ấn Thuận (Tác giả), Thích Nhuận Thịnh (dịch và phụ chú), NXB. Hồng Đức, 2019, tr. 403. 14. NNghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, 2017, tr.195 15. Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, 2017, tr.384 16. Nghiên cứu Tư tưởng Như Lai Tạng, HT.Ấn Thuận (Tác giả), Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), NXB.Phương Đông, 2017, tr.274-275 17. Nghiên cứu Học thuyết Như Lai Tạng, Pháp sư Ấn Thuận (Tác giả), Thích Nhuận Thịnh (dịch và phụ chú), NXB.Hồng Đức, 2019, tr. Lii 18. Nghiên cứu Học thuyết Như Lai Tạng, Pháp sư Ấn Thuận (Tác giả),Thích Nhuận Thịnh (dịch và phụ chú), NXB.Hồng Đức, 2019, tr. 113.