DẪN NHẬP
Đức Phật là người sáng lập ra đạo Phật tại đất nước Ấn Độ và lan truyền đến ngày nay. Những giáo lý của đức Phật giống như ánh sáng xua đi những bóng đêm u tối tạo nên những ánh mặt trời rực rỡ mang lại nhiều pháp lạc cho nhân loại trên khắp toàn cầu. Giáo lý của Ngài truyền đến đâu thì dễ dung hòa với nền văn hóa bản địa, tạo nên bản sắc riêng của Phật giáo từng quốc gia, vùng miền. Nhưng sự thật thì là chân lý vẫn không thể thay đổi, giáo lý cũng giống như thời gian địa điểm nương vào nhau mà dễ dàng tùy thuận, hóa hiện và tiếp biến với nhau tạo nên một quốc gia hưng thịnh, hào hùng. Nói thế là vì từ quan niệm đức Phật lịch sử trở thành ông Bụt có thể biến hóa giúp đỡ mọi người lúc khó khăn. Với tác phẩm Lý hoặc Luận của Mâu Tử là minh chứng cho tình hình Phật giáo lúc bấy giờ, thể hiện quan niệm trong buổi đầu du nhập, và cách dân chúng hiểu về đức Phật. Để hiểu rõ hơn người viết chọn: “Tìm hiểu về Mâu Tử qua tác phẩm Lý hoặc Luận” làm đề tài tiểu luận để khẳng định mối liên hệ giữa văn hóa bản địa với một triết lý mới, Phật giáo và dân tộc là sự hỗ tương cho nhau mà không gì tách ra được.
Tag: Mâu Tử, Lý Hoặc Luận, đức Phật, Phật giáo, tín ngưỡng, Việt Nam, Trung Quốc, Bụt, …
NỘI DUNG
1. Tác giả, tác phẩm
Mâu Tử “cũng gọi là Mâu Bác, ông sinh khoảng 165-170 là người nước Thương Ngô, vì thời ấy tại phương Bắc có nạn, vua Linh đế băng hà, chỉ có xứ Giao Châu là yên bình, ông cùng mẹ sang đây lánh nạn, 26 tuổi ông trở về Thương Ngô lấy vợ”[1]. Ông với trí tuệ thông minh hơn người, học hiểu sâu, “thái thú Sĩ Nhiếp nghe danh mời ông làm quan, nhưng ông một mực từ chối vì thấy đời loạn lạc, chẳng phải lúc khoe tài”. Lần khác, ông cũng cáo bệnh, không đi “trí kỉnh Kinh Châu”. Cuối cùng, ông đồng ý nhưng mẹ mất đột ngột, liền từ chối tất cả mà chuyên tâm nghiên cứu giáo lý Phật cùng với sách của Lão Tử. “Mâu Tử đã học kinh truyện, chư tử, sách lớn nhỏ không gì là không ham. Tuy không ưa binh pháp, nhưng cũng vẫn đọc. Tuy đọc sách thần tiên bất tử, dẹp đi không tin, cho là dối trá.”[2] Đặc biệt là khi ông đọc sách của Lão giáo thì đối với Phật giáo ông thâm nhập rất nhanh, sau khi mẹ mất ông dành thời gian vào việc nghiên cứu Phật. Theo Nguyễn Lang: “ông học Phật khoảng từ năm ông 30 đến 35 tuổi.”[3] Ông dùng những điều ông hiểu biết và lý lẽ của Phật giáo mà hỏi đáp lại các “đạo gia, thuật sĩ”, mà ngay cả họ không ai trả lời lại được. Mâu Tử nói: “Tôi lúc chưa hiểu đạo lớn cũng thường học phép tịch cốc có mầy ngàn trăm thuật, thực hành thì không hiệu nghiệm, làm theo thì không kết quả, nên tôi bỏ. Xem ba ông thầy tôi theo học, mỗi ông hoặc tự xưng 700, 500, 300 tuổi. Nhưng tôi theo họ học chưa đầy ba năm, thì mỗi ông đã tự chết. Sở dĩ như vậy là do tuyệt cốc không ăn, mà lại đi ăn trăm thứ trái cây, nhậu thịt nướng thì nhiều mâm, uống rượu thì nhiều vò”[4] chính vì thế mà ông dồn tâm huyết của mình vào việc chuyên tâm học đọa lớn. Về tác phẩm, có lẽ trình bày rõ “về tư tưởng, quan niệm, của một tôn giáo mới vào nước ta trong giai đoạn đầu khoản thế kỷ thứ II Tây lịch. Giao Chỉ chỉ là bị đồng hóa bởi phong kiến phương Bắc.Về văn hóa, tư tưởng đều bị ảnh hưởng bằng đạo Nho, Lão. Tác phẩm của Mâu Tử xuất hiện đúng lúc để đưa tư tưởng của con người đến với cái đạo làm người của riêng người dân Việt. Theo Lê Mạnh Thát, tác phẩm được viết khoảng năm 198”[5].
Lý hoặc luận là tác phẩm lý luận về những cái mê lầm của những kẻ lánh nạn từ phương Bắc, là giới trí thức nhưng đã bị nhiễm bởi tư tưởng Nho, Lão của Trung Quốc. Cho rằng ông đã đi ngược lại với cái đạo của mình mà theo dị đạo nên công kích ông. Nhưng ông đã rõ được cái đạo lớn, muốn bác bỏ những mê lầm của đạo giáo và những kẻ cuồng tín, muốn cho họ thấy cái thiển cận, thấp kém của đạo họ đang tôn sùng và thấy được cái rộng lớn, thiết thực trong giáo lý của đạo giác ngộ, muốn nói lên những điều mình nghĩ mà làm Lý hoặc Luận. Mâu Tử có ý đồ muốn mượn cấu trúc tinh túy của Nho Lão để phản bác Nho Lão.
Kết cấu: Từ điều 1 đến 3 nội dung giới thiệu tổng quan về đạo Phật, điều 4 đến 28 giải thích những sai lầm của giới tri thức của nhà Nho đối với Phật giáo. điều 29 đến 37 giải thích những nghi hoặc thành kiến của nhà Lão đối với Phật giáo. Lý hoặc luận có giá trị về mặt tư tưởng, nhân sinh quan Phật giáo. Các luận điểm về Phật, đạo, và hiếu được lý giải một cách rõ ràng, tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử dùng triết lý của nhà Nho và Lão để đả kích Nho và Lão trong việc bài xích Phật giáo.
2. Quan điểm về đức Phật
Chúng ta đã biết, khi Phật giáo du nhập vào nước ta qua quá trình tiếp biến văn hóa bản địa trở thành Phật giáo Việt Nam. Mang nền văn hóa và tư tưởng của dân tộc. Chính vì thế mà Phật giáo phát triển trên nền móng của văn hóa Việt. Tín ngưỡng ban đầu của dân là tín ngưỡng tứ pháp: “Pháp vân, pháp vũ, pháp lôi, pháp điện” niềm tin vững chắc, chỗ nương tựa tinh thần để giải quyết những nổi khổ, bế tắc trong cuộc sống, họ tin vào một đấng tối cao luôn che chở.
Phần lớn tầng lớp nhân dân lúc này là nông dân, sự hiểu biết còn giới hạn, chúng ta không thể khái quát một đức Phật lịch sử với những giáo lý cao siêu. Mà đức Phật ấy phải phù hợp với thực tế đời sống của người dân lúc bấy giờ. Cho nên, đức Phật thời Mâu Tử trở thành đức Phật quyền năng, hiện thân của hình ảnh ông Bụt thông qua các câu truyện cổ tích Việt Nam, để người dân dễ nắm bắt và đón nhận. Thế nên quan điểm Phật thể lúc ấy hiện thân ra với hình thức con người, dễ hình dung phù hợp với đời sống tâm linh của người Việt. Ngoài những cái chung giữa ông Bụt với ông trời như có thần thông, giúp kẻ khó khăn thì các nhà sư còn cung cấp cái riêng của ông Bụt là có thần thông biến hóa khắp nơi, đi dưới nước như đi trên cạn, tồn vong tự do, phân thân tán thể... đối với kẻ ác thì ông Bụt không trừng phạt mà dạy họ hướng thiện.
Cụ thể nhất là qua tác phẩm Lý hoặc luận nhà Nho hỏi Mâu Tử về nguồn gốc của đức Phật: “Phật từ đâu sinh ra? có làng nước tổ tiên gì không? Đã làm được gì? Giống người nào?” Mâu Tử đáp: “giàu thay câu hỏi! Xin đem dốt nát nói qua điểm chính. Bởi nghe công hạnh của Phật, tích chứa đạo đức, hàng ngàn ức đời không sao ghi chép. Nhưng khi sắp thành Phật thì sinh ở Thiên Trúc, mượn hình nơi vợ vua Bạch Tĩnh. Bà ngủ ngày, mộng thấy cưỡi voi trắng, thân có sáu ngà, hớn hở thích thú bèn xúc cảm mà có thai. Đến tháng tư mùng tám, Phật theo sườn bên phải mẹ sinh, đặt chân xuống đất đi bảy bước, đi bảy bước giơ tay phải nên nói trên trời dưới trời có gì hơn ta”[6]. Rõ ràng, ngay điều đầu tiên của tác phẩm Lý hoặc Luận, Mâu Tử đã xác định hình ảnh đức Phật đản sinh từ trong huyền sử Phật giáo Ấn Độ được khắc họa lại bằng hình ảnh đức Phật lịch sử, hiện thân của một con người thật có mặt trong cuộc đời. Từ một vị thái tử, nhờ công phu tu tập hành trì mà chứng ngộ trở thành bậc giác ngộ giữa đời, được mô tả theo tâm thức của người Việt bấy giờ. Nội dung của tác phẩm không chỉ giới thiệu cuộc đời của đức Phật khi đản sinh cho đến thành đạo còn để lại nhiều bộ kinh làm cơ sở thiết lập Phật thể hiện thực từ trong đời sống hằng ngày của xã hội bấy giờ. Hình ảnh đức Phật được Mâu Tử ghi nhận là một con người với vẻ đẹp đạo đức và các phẩm chất năng lực siêu việt, đầy quyền năng như là một khát vọng sống. Mục đích là để con người vượt qua những chướng duyên và khó khăn trong cuộc đời. Và như thế, Phật cũng trở thành mục tiêu hướng tới cho mọi người sống trên đời đều có khả năng vươn tới thành tựu.
Đức Phật được xây dựng do công phu tu tập mà có, là người hoàn thiện nhân cách.
“Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly Phật diện do như mãn nguyệt huy Phật tại thế gian thường cứu khổ Phật tâm vô xứ bất từ bi”.
Vào thời Mâu Tử, ngoài việc nêu Phật là “nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần linh, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn được, tròn được vuông được, già được trẻ được, đạp lử không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì đi, ngồi thì lóe sáng”[7]. Một người phật tử khi làm được điều này là có nghĩa thực hiện được mục đích cao cả mà Phật giáo thời đó.
3. Quan điểm về Pháp
Cuối thế kỉ I đầu thế kỷ II các nhà sư Ấn Độ theo đoàn thương buôn vào Việt Nam truyền giáo. Trong khoảng thời gian đó, đời sống sinh hoạt của các nhà sư rất là đơn giản và gần gũi với đời sống người dân bản địa. Ban đêm các sư tụng các bài kinh căn bản và quy y Tam bảo, kinh cầu an…truyền tải những vấn đề thiết thực phù hợp với trình độ của người dân như dạy tam Quy ngũ Giới, cúng dường bố thí, giáo lý nhân quả, thuyết luân hồi… Ngoài ra, phép của Bụt còn được xuất hiện trong đời sống hằng ngày của người dân qua đời sống sinh hoạt:
“Rủ nhau xuống biển mò cua Lên non hái củi vào rừng nghe kinh”[8].
Đây là một hình thức mà giáo lý Phật đi vào đời sống của người dân phù hợp với triết lý sống của nhân dân lúc bấy giờ. Trong thời kỳ này, đạo Phật lấy kinh làm gốc nhưng không chỉ đơn thuần mang tính lý thuyết mà thể nhập bằng thái độ sống. Mục đích giáo lý của đức Phật là hướng con người đến một đời sống “chân-thiện-mỹ” là bản chất của Phật: “Pháp được xem như là đạo, đạo dẫn dắt con người đến chỗ vô vi, dắt không có đàng trước, dẫn không có đàng sau, giơ lên không có trên, đè xuống không có dưới. Nhìn không có hình tướng, nghe không có tiếng. Bốn phương là lớn, nó vượt ra ngoài , tơ hào là nhỏ nó lọt vào trong đó gọi là đạo”[9]. Pháp của Phật không ra ngoài thế gian vì pháp chỉ dẫn con người đi vào hạnh phúc. Pháp của Phật “có tám vạn bốn ngàn, hợp lại thành 12 bộ”, nhưng sự hiểu biết của chúng sinh tùy theo trình độ của mọi người mà áp dụng. Tóm lại, pháp mà đức Phật nói ra chỉ có một vị đó là giải thoát. Bởi vì điều đó, mà các học sĩ Nho gia đả phá pháp của Phật giáo cho pháp mà Thế Tôn thuyết giảng thì dài dòng mập mờ không rõ nghĩa. Cụ thể: “Thánh Nho có bảy kinh làm gốc, chỉ ba vạn lời là đủ sự việc. Kinh Phật có hàng vạn quyển, lời đến ức triệu. Tôi cho là phiền phức là không thiết yếu. Mâu Tử đáp Kinh Phật nói sự việc hàng ức năm, lại dạy điều yếu lý của vạn đời, cho nên kinh Phật có hàng vạn, lời nói có hàng ức, càng nhiều càng đầy đủ, càng phong phú. Một người không kham nổi ư, cũng như người khác xuống song uống nước, uống đủ khác thì thôi, hỏi chỉ nước thừa là chi.”[10]
Chúng ta thấy rằng quan niệm về pháp thời Mâu Tử thiết thực phong phú đa dạng, pháp ấy phù hợp với thực tiễn đời sống người dân nước Đại Việt lúc bấy giờ là nền tảng đạo đức bản thân của mỗi người đưa con người đến gần nhau hơn, làm cho cuộc sống có giá trị. Do đó, pháp của Phật có một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người.
Chúng ta thấy rằng tác phẩm Lý hoặc luận khẳng định sự chuẩn mực đạo đức tạo ra lối sống văn minh, từ đó con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
4. Quan điểm về Tăng
Phật giáo khẳng định đạo Phật là đạo gắn liền với đời. Mục đích hoàn thiện bản thân một cách rốt ráo thì mới có khả năng hoằng pháp. Vậy nên, sống đời phạm hạnh không gia đình, không vướng bận. Lấy đời sống phạm hạnh làm cơ sở giải thoát, trong tác phẩm Lý hoặc luận Mâu Tử viết: “ở trong nhà là hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường là giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì tự điều chỉnh thân tâm”[11]. Chủ trương đời sống của người dân là tự hoàn thiện bản thân kết nối gia đình tham gia đóng góp cho xã hội. Huống gì Phật giáo là người từ bỏ gia đình, sống không gia đình lại càng có khả năng để hoàn thiện bản thân để giúp đời, việc nhà nho phản bác việc hủy bỏ râu tóc, thân thể, từ bỏ tài sản, được Mâu Tử lý giải một cách tận tường mà ta đã phân tích ở trên, các câu hỏi nhà Nho thắc mắc về ăn mặc, ứng xử của tăng sĩ ở Giao Châu thời đó khác với thế gian thì cho thấy rõ hơn về tình hình sinh hoạt chư tăng được phản ánh trong tác phẩm Lý hoặc luận. Phật giáo có giới luật và hình thức sinh hoạt riêng, không theo phong tục tập quán lễ nghi của nho giáo là điều bình thường. Chưa dừng lại, tác phẩm còn cho ta thấy sự phát triển đời sống tăng già vào trong đời sống thực tiễn, dẫn đến tha hóa một vài cá nhân nào đó. Đây là một quy luật của bất cứ tổ chức nào, không riêng gì Phật giáo. Điều thứ 16 nhà Nho-Lão phỉ báng đức Phật, một số tăng sĩ phạm giới. Đối với những việc như tăng sĩ phạm giới có vợ con, mua đất, giữ tài sản, coi tướng số. Mâu Tử trả lời rằng: “Đạo tốt hay xấu không phải do người hành đạo mà do bản thân của đạo. Còn bất cứ đạo nào kể cả đạo khổng cũng có người xấu người tốt.”[12] Rõ ràng đạo Phật đã đi vào cuộc sống thực tiễn, tăng già đã có những việc xảy ra ngoài sự kiểm dẫn đến sự sai lầm của một số cá nhân là điều tất nhiên.
5. Giá trị tư tưởng
Tác phẩm Lý Hoặc Luận được Mâu Tử kết đúc trong 37 điều. Nói về việc nhà Nho và Lão bài xích nhà Phật. Trong đó nói lên sự trọng tâm của đạo Phật về những quan niệm về Phật-Pháp-Tăng hay hạnh hiếu những quan niệm đó được Mâu Tử so sánh, ẩn dụ, mang giá trị nhân văn.
Về thể loại, tác phẩm Lý hoặc luận được viết bằng hình thức luận dưới dạng văn vấn đáp. Ngôn ngữ được viết bằng chữ Hán diễn đạt bằng hình thức tự sự, cấu trúc ngữ pháp đơn giản, cú pháp nghệ thuật thì tác giả dùng điển tích, điển cố của nhà Nho để mà phản bác lại nhà Nho và trả lại sự trong sáng cho Phật giáo.
Về giá trị học thuật, tác giả đã giải quyết những mâu thuẫn giữa Nho, Phật và Đạo giáo trong bối cảnh xã hội lúc đó. Giao Châu là trung tâm Phật giáo Luy Lâu, Lý hoặc luận không những đánh dấu sự khởi đầu trong quan hệ tam giáo mà còn định hình nội dung cách xử lý mâu thuẫn cũng như vai trò của từng tôn giáo trong mối quan hệ này ở Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, tinh thần bất bạo động không tuyệt đối hóa vấn đề luôn tìm cách giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình, đồng thời không quên khẳng định tính ưu việt của mình trong quá trình đó, cũng là một trong những vấn đề giàu giá trị học thuật cần phải nghiên cứu.
Về giá trị thực tiễn, trên phương diện thực tế truyền bá Phật giáo, một tôn giáo ngoại bang không ngừng truyền bá, phát triển và gắn bó với một nền văn hóa khác. Chúng ta hoàn toàn có thể xem là những bài học kinh nghiệm, ứng dụng trực tiếp vào thực tế tiếp xúc tôn giáo, tiếp xúc văn hóa, thậm chí bao gồm cả lĩnh vực ngoại giao, quan hệ quốc tế của đất nước.
KẾT LUẬN
Tóm lại, Lý Hoặc Luận của Mâu Tử là tác phẩm lý luận là hành trang của người Phật giáo.Từ đó Phật giáo được hình thành và đi vào đời sống tâm linh của người Việt. Là nền tảng chứng minh cho Phật giáo có khả năng giúp con người giải thoát khổ đau đem lại hạnh phúc, mang giá trị hiện thực và nhân bản cũng là tác phẩm Phật học được xem là tiếng vang của học thuật thời đó.
Qua đó, tác phẩm Lý hoặc Luận ra đời trong một bối cảnh lịch sử như thế, nó khẳng định ý thức tự chủ của người Việt, phản kháng tư tưởng nhà Hán, đại tôn của đế chế Trung Hoa áp đặt lên các quốc gia khác. Sự chủ trương đồng hóa văn học, văn hóa trong đời sống người Việt vì thế bị phản tác dụng, nó còn tạo ra sức kháng cự quyết liệt để chống lại khi ý thức của tác giả lại dùng chính cái văn hóa Trung Hoa để đập vỡ sự bài xích văn hóa người Việt như thế Phật giáo được cộng đồng người Việt tiếp thu, phù hợp với tín ngưỡng phong tục tập quán. Thế nên, Lý hoặc Luận trở thành tác phẩm có giá trị về tư tưởng và cả học thuật.
Thích Chúc Hòa - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM ---------------- CHÚ THÍCH: [1] Lê Mạnh Thát, “Nghiên cứu về Mâu Tử”, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2008, tr. 61. [2] Ctsđd, tr. 61. [3] Nguyễn Lang, “Việt Nam Phật giáo sử luận”, Nxb Phương Đông, 2012, tr. 39. [4] Lê Mạnh Thát, “Nghiên cứu về Mâu Tử”, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2008, tr. 72. [5] Sđ d, tr. 12. [6] Lê Mạnh Thát, “Nghiên cứu về Mâu Tử”, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2008, tr. 503. [7] Sđd, tr. 504. [8] Nguồn: https://aonau.wordpress.com/2016/08/14/dao-phat-la-dao-hieu/ Truy cập: 29/3/2021. [9] Lê Mạnh Thát, “Nghiên cứu về Mâu Tử”, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2008, tr. 505. [10] Sđd, tr. 506. [11] Sđd, tr. 505. [12] Sđd, tr. 515.THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2008. 2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, 2012. 3. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Hồng Đức, 2013. 4. Nguồn: https://aonau.wordpress.com/2016/08/14/dao-phat-la-dao-hieu/ Truy cập: 29/3/2021.
Bình luận (0)