Nằm ở vị thế cách mặt nước biển hơn 1000m, ngôi chùa đồng trên đỉnh núi Yên Tử từ lâu đã trở thành địa điểm tâm linh nổi tiếng đối với người dân trên khắp cả nước.

Không biết tự bao giờ, trong dân gian đã xuất hiện câu ca dao: “Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”. Liệu có phải chúng ta dẫu “trăm năm” tu hành, tích đức nhưng chưa một lần đặt chân đến non thiêng Yên Tử thì không thể “đắc thành chánh quả” như câu ca dao trên hay không?

Không thể phủ nhận sự linh thiêng và những giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Phật Yên Tử, nhưng có chăng, vài người trong chúng ta lại quá chấp vào câu chữ, khiến cho việc hiểu câu ca dao “Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu” chưa thực sự chính xác.

Một số người có lẽ đang hiểu câu ca dao theo đúng “nghĩa đen” của nó. Nghĩa là phải lên được Yên Tử và leo lên đỉnh chùa Đồng khấn lễ thì mới được Phật “chứng” và gặp nhiều may mắn trong năm mới? Điều này đã dẫn đến tình trạng một lượng người rất đông đổ về Yên Tử vào dịp đầu xuân năm mới. Sẽ không có gì đáng nói nếu như việc hành hương của mọi người không kéo theo hàng loạt những hành động chưa đẹp và kém “văn minh” như chen lấy, xô đẩy, xả rác bừa bãi, hay tiện đâu thì nằm nghỉ chân luôn, kể cả nơi sân chùa… Việc hành hương dường như chỉ còn lại phần “hình thức” mà lãng quên đi giá trị “nội dung” chứa đựng bên trong.

Vậy vì sao lại nói: “Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”?

Ngôi chùa Đồng nằm trên ngọn núi Yên Tử cheo leo ngút ngàn - ngọn núi cao nhất nằm ở phía Tây Bắc. Đường lên đỉnh là dốc đá, dễ làm nhụt chí người hành hương. Bởi vậy, sau một hành trình dài, cùng chặng đường leo núi gian nan và ý chí quyết tâm mạnh mẽ, chúng ta mới có thể đặt chân đến ngôi chùa Đồng, ngôi chùa có một ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức của mỗi người dân Việt.

Việc đặt chân lên đỉnh chùa Đồng không đơn thuần chỉ là một chuyến hành hương, mà ẩn đằng sau nó là một ý nghĩa cao cả hơn. Đó chính là chúng ta đã thực sự chiến thắng được bản thân, vượt qua những mệt mỏi, khó khăn khiến bản thân chùn bước, để rồi cuối cùng được hòa mình vào trời đất, đắm mình vào sự tĩnh mịch, trầm lắng nơi cõi tâm, cõi thiện.

Nhưng sự tĩnh mịch, trang nghiêm của cõi Phật đâu chỉ có ở nơi non thiêng Yên Tử hay ở những ngôi chùa mà chúng ta vẫn hay truyền tai nhau là “thiêng” lắm. Cõi Phật ở ngay đây, nơi tự thân mỗi chúng ta, trong cái “tâm” của mỗi người. Gạt bỏ bớt tham, sân, si, biết bằng lòng với những gì hiện có và nhìn đời bằng đôi mắt yêu thương… chính là bước chân đầu tiên giúp chúng ta đến được với cõi Phật trong “cái tâm” của chính mình. Nào có phải đi đâu xa cầu cúng và kiếm tìm…

Câu ca dao “Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu” phải chăng còn mang trong mình một ý nghĩa ẩn dụ và sâu sắc hơn, nếu như chúng ta hiểu câu ca dao theo một khía cạnh và góc nhìn khác. Dẫu ta có mất hàng “trăm năm” đi cầu khấn ở hàng vạn ngôi chùa khác nhau, nhưng lại quên mất “cầu khấn” và chăm sóc cho ngôi chùa “tại tâm” thì “quả tu” liệu có được “chứng đắc”?

Hãy tưởng tượng mình là một người trồng cây. Chúng ta mong ngày mong đêm đến ngày cây ra quả để hưởng trái ngọt. Muốn có trái ngọt thì chúng ta phải tự tay tưới nước, bón phân và chăm sóc cho cây. Nếu ta bỏ mặc cây và đi khấn vái, xin cầu ra rả ở tứ phương cho cây ra quả thì khác nào hành động “nấu cát thành cơm”.

Tiền tài, danh vọng, sức khỏe… của chúng ta cũng giống như những trái ngọt kia. Chúng ta phải vun đắp cái cây của mình bằng những hành động phước đức, thiện tâm của chính bản thân. Có như vậy mới mong cây ra quả, chứ không có đức Phật hay thần thánh phương nào sử dụng “quyền năng” để giúp ta “chứng quả” được.

Nếu ai chưa từng có cơ hội đặt chân đến vùng non thiêng Yên Tử cũng đừng buồn và quá lo nghĩ. Hãy cứ tận tâm “chăm sóc” cho ngôi chùa “tại tâm” của mình. Vùng non thiêng Yên Tử với vẻ huyền bí tĩnh mịch sẽ luôn ở nơi đây, đợi chúng ta một ngày “đủ duyên” sẽ ghé qua hành hương và đảnh lễ chư Phật. Để một lần giữa dòng đời trần thế, chúng ta có thể tĩnh tâm lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng trên đỉnh núi, cảm nhận hơi thở của đất trời và gạt bỏ hết mọi tham, sân, si trong cõi lòng:

“Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ Trí tuệ lớn bồ đề sinh Lìa địa ngục thoát vô minh Nguyện thành Phật độ chúng sinh”.

Tác giả: Kim Tâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2017