MỞ ĐỀ

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu kỷ nguyên Tây lịch, kể từ đó giữa tư tưởng Phật giáo và văn hóa dân tộc hòa quyện vào nhau, hỗ tương cho nhau để đồng hành suốt chiều dài lịch sử hơn 2000 năm đến tận ngày hôm nay. Một minh chứng hùng hồn cho sự hòa quyện ấy chính là những triết lý Phật giáo đã thấm đậm vào trong nhận thức mỗi người con Việt, qua những câu ca dao, tục ngữ, điệu lý, câu hò, lời ru, những câu chuyện thần thoại mà khi còn nằm nôi đã được nghe, bập bẹ biết nói đã được ông bà, cha mẹ dạy, kể cho nghe như những lời khuyên, bài học cho đạo đức làm người, nhân nghĩa trong cuộc đời này.

Ca dao, tục ngữ là vốn liếng văn hóa hun đúc bao đời của cha ông chúng ta, sắc thái độc đáo, ý tứ tinh tế mà cũng mộc mạc vô cùng. Ca dao, tục ngữ là một kho tàng văn học đáng được tự hào của dân tộc, vì không phải đất nước nào cũng có. Tìm về Ca dao, tục ngữ chính là hành trình trở về nguồn cội, cái gốc vốn liếng linh hồn của dân tộc, để qua đó chúng ta hiểu được tâm tư, tình cảm, tư duy nhận thức, cách sống của dân tộc mình trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đồng thời qua đó, chúng ta sẽ thấy được một bộ phận lớn tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu vào lòng dân tộc, nó không phải là những triết lý sâu xa, thay vào đó là những câu nói mộc mạc, những câu nói cửa miệng khi cần dạy khuyên cho con cháu đạo lý sống giữa cuộc đời.

Tag: Phật giáo, ca dao, tục ngữ, đời sống văn hóa dân gian, văn hóa phật giáo, văn hóa dân tộc, văn học, …

NỘI DUNG

1. Tìm hiểu Ca dao, tục ngữ Việt nam

1.1. Khái niệm

Như chúng ta đã biết, Ca dao, tục ngữ thuộc tác phẩm văn học dân gian truyền miệng và hiện nay khá được phổ biến, nhưng có nhiều người lại không phân biệt được đâu là ca dao, đâu là tục ngữ. Để hiểu rõ hơn về hai thể loại này thì chúng ta hãy điểm qua khái niệm của chúng.

Ca dao là gì?

Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán Việt. Theo Đinh Gia Khánh có chú thích như sau: “Trong kinh Thi, phần Ngụy phong bài Viên hữu đào có câu: “Tâm chi ưu hĩ, ngã ca thả dao” (lòng ta buồn, ta ca và dao)”[1]. Sách Mao truyện viết: “Khúc hợp nhạc viết ca, đô ca viết dao” (khúc hát có nhạc đệm theo lời gọi là ca, còn hát trơn thì gọi là dao). Trong sách Cổ dao ngạn, bài Phàm lệ lại phân biệt thêm: “Ca và dao khác nhau ở chỗ dao có thể là lời của nhiều bài ca…”[2].

Đối với ca dao Việt Nam ta thì có câu bốn chữ, năm chữ, sáu tám hay hai bảy sáu tám, đều có thể ngâm được nguyên câu, không cần tiếng đệm như người ta ngâm thơ, khi ca dao để hát thì bài ca dao đó sẽ trở thành bài dân ca. Nên ca dao là một loại thơ dân gian có thể ngâm được như các loại thơ khác và có thể xây dựng thành các điệu dân ca[3].

Tục ngữ là gì?

Có rất nhiều khái niệm về tục ngữ, theo Dương Quảng Hàm thì: “Một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn, hoặc chỉ bảo điều gì”[4]. Nhưng qua khái niệm này thì không làm rõ nghĩa của tục ngữ, khi người đọc khái niệm này thì họ vẫn chưa hiểu được tục ngữ đang khuyên răn và chỉ bảo về vấn đề gì.

Theo Vũ Ngọc Phan thì tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lí, một công lý, có khi là một sự phê phán, (…) tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng đã là một câu hoàn chỉnh. Tóm lại, tục ngữ là những câu thông tục, thiên về diễn ý, đúc kết một số ý kiến dựa theo kinh nghiệm, dựa theo luân lý và công lý để nhận xét về một con người và xã hội, hay dựa theo trí thức để nhận xét về con người và vũ trụ[5].

1.2. Nguồn gốc và lưu truyền của Ca dao, tục ngữ

Khi nói đến văn học dân gian (Ca dao tục ngữ thuộc văn học dân gian) thì đây là những tác phẩm do quần chúng, nhân dân sáng tác tập thể, được lưu truyền bằng miệng từ đời này sang đời khác, có khi được truyền từ nơi này qua nơi khác và rất được phổ biến rộng rãi trong dân gian. Vì sáng tác tập thể nên có người này người kia thêm, bớt, sửa chữa cho đến khi hoàn chỉnh và phù hợp cả lời lẫn ý. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa… Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng. Các sáng tác ấy rất hay mà lại ngắn, chứ không trường thiên đại hải, dây cà ra dây muống”[6]. Hay một nhà lý luận văn học Liên Xô đã viết: “Trong thời đại chúng ta, thơ ca dân gian tồn tại dưới hình thức truyền miệng và cả dưới hình thức thành văn. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quy luật; nó phản ánh quá trình hoàn mỹ của nền văn học nghệ thuật của quần chúng nhân dân”[7].

1.3. Nội dung của Ca dao, tục ngữ

Có thể nói nội dung của Ca dao, tục ngữ Việt Nam rất phong phú và đa dạng, được thể hiện qua từng câu, từng chữ rất là mộc mạc và chân thật làm cho người đọc, người nghe hiểu liền nội dung muốn đề cập đến vấn đề gì.

Cao dao: Những câu ca dao luôn gần gũi với đời sống của nhân dân Việt Nam, nói lên ý thức lao động, sản xuất của nhân dân, tình yêu thiên nhiên, đất nước con người hay tình yêu của đôi lứa, số phận của người phụ nữ,… như:

Giã ơn cái cối cái chày, Nữa đêm gà gáy, có mày, có tao Giã ơn cái cọc cầu ao Nửa đêm gà gáy, có tao, có mày. Hay: Thân em như hạt mưa sa, Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày[8].

Ngoài ra, nội dung của ca dao còn thể hiện tư tưởng đấu tranh của nhân dân ta, phản ánh ý thức lao động, sản xuất của con người. Qua đó, chúng ta thấy rằng nội dung chủ yếu của ca dao là trữ tình, bởi vì các câu ca dao đã nói lên cảm xúc, tình cảm mặn nồng, tha thiết và phẩm chất của con người như:

Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương. Nhớ ai dãi nắng dầm sương, Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao![9].

Tục ngữ: Có thể nói tục ngữ là những câu thể hiện kinh nghiệm về lao động, sản xuất của tổ tiên ông cha ta để lại và được phổ biến trong dân gian như về thời tiết, cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi hay mối quan hệ giữa người với người như giải thích, khuyên răn được thể hiện mạnh mẽ ở lý trí hơn là cảm xúc và tư tưởng thì đanh thép, sắc bén:

Vỏ quýt dày, móng tay nhọn. Cõng rắn cắn gà nhà. Đông sao thì nắng, vắng sao thì mưa Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm,…

Tóm lại, nội dung của tục ngữ là những trải nghiệm, kinh nghiệm của con người về lao động, sản xuất, cuộc sống gia đình và xã hội. Nội dung này rất phong phú, vững chắc được thể hiện qua câu từ và hình thức.

Ảnh St

2. Tư tưởng Phật giáo trong Ca dao, tục ngữ Việt Nam

2.1. Tư tưởng hiếu đạo

Hiếu đạo là một tư tưởng chủ đạo của văn hóa dân tộc Việt Nam, một đất nước chú trọng chữ “hiếu”, lấy hiếu thảo làm nền tảng cho đạo đức, làm căn cứ để xét đoán một nhân cách, phẩm giá của một con người. Không hẳn chữ “hiếu” là riêng của đạo Phật mà nó còn có ở đạo Khổng, Lão mà hơn hết nó là cái “tâm”, cái “đạo” của một con người.

Chính vì lẽ đó, ngay từ còn nằm nôi trong mỗi người con Việt đều được nghe những câu à ơi đi vào giấc ngủ:

Ru hời, ru hỡi, ru ơi, Công cha như núi ngất trời Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông Núi cao biển rộng mênh mông Cù lao chín chữ con ơi! Ru hời, ru hỡi, ru ơi, Làm trai đứng ở trên đời Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta. Hay: Ví dàu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi Khó đi mẹ dắt con đi Con thi trường học mẹ thi trường đời. Cái công của cha, cái nghĩa của mẹ thật khó báo đền, trong kinh Vu Lan Phật đã từng dạy: “Ví có người ơn sâu dốc trả, Cõng mẹ cha tất cả hai vai, Giáp vòng hòn núi Tu di, Đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền”[10]. Khi lớn lên với lớp vỡ lòng mỗi trẻ em Việt Nam sẽ được dạy: Công cha như núi thái sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp mặn, như đường mía lau. Chính vì những giá trị cao đẹp đó mà mỗi người con khi sinh ra đều phải nhớ công ơn cha mẹ để báo đền: Làm con hiếu đạo vi tiên Nhớ mà báo đáp thung huyên cao dày.

Những cái tình, cái đạo của một con người Việt Nam đã cùng với giáo lý nhà Phật hòa quyện như một chỉnh thể tròn nhất, bổ sung và gắn bó với nhau không thể tách rời. Chính vì lẽ đó mà có những câu ca dao mang âm hưởng hoàn toàn nhà Phật với hiếu đạo :

Đã đành thọ phép Di Đà Hiếu trung giữ trọn, gian tà mặc ai Nhớ ngày xá tội vong nhân Lên chùa lễ Phật đền ơn sinh thành Vu lan tháng bảy ngày rằm Lòng con hiếu thảo ghi lòng chớ quên.

Chữ “hiếu” không đơn thuần chỉ gói gém ở cái tình cha mẹ với con cái mà nó còn gói trọn cả các nhân tính khác của một con người. Xưa kia vua Nghiêu, vua Thuấn truyền hiền không truyền tử, thấy người có hiếu thì chọn làm vua, từ xưa đến nay chữ “hiếu” luôn đặt lên hàng đầu trong các nhân cách khác hơn cả nhân, lễ, nghĩa, trí, tín nếu là người có hiếu thì đủ cả năm thứ ấy.

2.2. Tư tưởng luân hồi nghiệp báo

Luân hồi nghiệp báo trong đạo Phật là một phạm trù rất căn bản, đồng thời cực kỳ sâu rộng. Luân hồi nghiệp báo là nói đến kiếp sống của con người nói riêng và các chúng sinh nói chung, không có khởi đầu và kết thúc, các thân phận của một chúng sinh trong cuộc đời này là sự kế thừa của các nghiệp duyên mà chủ nhân cũng chính là chúng ta gây tạo.

Khi tư tưởng này đi vào cuộc sống, mà ở đây là vào dân tộc Việt Nam từ xa xưa, nó nhanh chóng được biến tấu thành những câu giản thuần dễ nhớ, như những câu đạo lý để răn dạy con người hiểu về kiếp sống nhân sinh trong một kiếp người “đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ”, “bụng làm dạ chịu”. Nghĩa là chúng ta đời này có được những gì là do đời trước gây tạo, chúng ta có được phước thiện là đời trước tạo nhiều công đức, còn gặp nhiều trái ngang là do chúng ta đã gieo những nỗi ưu phiền trong kiếp quá khứ. Qua tư tưởng đó mà các ông bà ta đã hình thành mặc định nên một đạo lý sống trong cuộc đời, hướng các con cháu mình cần phải bỏ ác làm lành, tránh xa các điều ác mà hướng về các điều tốt đẹp vì: “Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, có tiền thì bậu mới hay, có trồng cây đức mới gây nên nhân”.

Nhân quả nghiệp báo rành rành không sai mảy may không trốn đâu được: “Đời xưa trả báo thì chầy, đời nay quả báo một giây nhãn tiền. Đạo trời báo phúc chẳng lâu, hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai”. Từ những nhận thức như vậy, tin tưởng như thế mà “Khuyên ai ăn ở cho lành, kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau”, “Làm ơn ắt chẳng nên ơn, trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ”.

Ngoài việc “Mình làm mình chịu, chẳng ông tổ ông tông nào làm” thì cũng còn có câu “Cây xanh thì lá cũng xanh, tu nhân tích đức để dành cho con”, qua đó thể hiện sợi dây gắn kết trong gia đình, cái tình của cha mẹ, ông bà nghĩ về con cái “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, những câu như trên nhằm khuyên răn con người cho dù không nghĩ đến bản thân mình thì cũng nên nghĩ đến con cái mà ăn ở cho có nhân đức, đừng vì cái lợi trước mắt cho mình mà sau này con cái mình phải lãnh lấy những hậu quả do chính mình làm ra. Ca dao, tục ngữ là những câu được đúc kết bao đời, được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, những câu nói mang ý nghĩa khuyên răn đạo đức con người thì đôi khi đừng mong cầu tính chân lý tuyệt đối.

Như đã trình bày, một học thuyết không đơn thuần chỉ vài ba câu mà có thể nói hết được, thậm chí bỏ cả đời để nghiên cứu chưa chắc đã thông hiểu. Tuy nhiên khác với các học thuyết khác, Phật giáo chú trọng sự thực hành và mang tính thực tiễn, quan trọng là thực hành để đem lại kết quả chứ không phải các lý thuyết suông chỉ để tôn thờ và kính ngưỡng. Chính các yếu tố đó đã làm nên một đạo Phật dung dị, dễ gần và mang tính hiện thực.

2.3. Tư tưởng vô thường

Vô thường nghĩa là không có gì thường hằng bất biến cả mọi thứ đều có thể thay đổi, là quy luật của cả vũ trụ này. Nếu nói trên phương diện triết lý thì vô thường không tốt cũng không xấu, là một nguyên tắc trong kiếp sống nhân sinh, chi phối toàn bộ vũ trụ này. Đạo lý vô thường chính là bài học, phương châm sống cho một cái nhìn vô chấp; chấp vào thân thể, công danh, sự nghiệp, tiền tài vật chất, phú quý,… từ đó có một lối sống đạo đức, hiền từ, yêu thương và giúp đỡ.

Chúng ta thường nghe “dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằng mà chẳng ra công cán gì” hay “công danh bánh vẽ, sang giàu chiêm bao”,ông bà mình đã hấp thu và thấu hiểu cái đạo lý vô thường này trong một kiếp sống ngắn ngủi, cực khổ một đời để rồi như một giấc chiêm bao “đời người sống mấy gang tay, hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm”. Ngày nay, chúng ta bắt đầu ý thức về vấn đề công việc và sức khỏe, về tiền tài và thời gian hạnh phúc bên gia đình. Chúng ta cặm cụi một đời để rồi khi ngoảnh lại một đời sống vô vị không một chút an yên nào, để rồi “người đời như giấc mộng tàn, vào sinh ra tử hợp tan khó lường”, giữa các tư tưởng trong nhân sinh mà tư tưởng nhân gian Việt Nam có được là một kiếp sống tạm bợ và một kiếp sau khó lường, và mấu chốt cho cuộc đời này chính là làm các điều phúc đức và sống an lạc thảnh thơi “biết sự trời, mười đời chẳng khó”.

Từ nhận thức vô thường, chúng ta sẽ sống an vui hơn, nhẹ nhàng hơn với những thịnh suy trong trần thế:

Chợ Bến Thành dời đổi Người sao khỏi hiệp tan Xa gần giữ ngãi tào khang Chớ tham quyền quý phụ phàng nghĩa xưa.

Để rồi từ đó sống với nghĩa tình, sống với đạo đức, giữ trọn cái “nhân” cái “hiếu” đạo đức luân lý con người. Từ đó, hình thành nên nếp sống đẹp, văn hóa đẹp của một dân tộc Việt Nam giàu lòng nhân ái, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau “lá lành đùm lá rách; chị ngã em nâng, bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

2.4. Tư tưởng “Tâm”

“Tâm” là một phạm trù quan trọng của Phật giáo, tâm còn được hiểu qua nhiều tên gọi khác trong ngôn ngữ Phật học như tánh, thức, ý “tâm là lòng, ý cũng là lòng”, có nghĩa là khởi nguyên của mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm: ”Ý làm dẫn đầu các pháp; Ý làm chủ ý tạo”.

“Tâm” còn được hiểu đơn giản là “suy nghĩ của mình”, tấm lòng hay lòng dạ,… dù ở phương diện nào thì tâm được xem là chủ nhân của tất cả những việc làm của mình, là ông chủ điều khiển mọi hành động, nên nó quyết định tính thiện hay ác; tốt hay xấu; thật lòng hay giả dối,.…

Chúng ta thường nghe “khẩu tâm bất nhất; khẩu xà tâm Phật”, ý muốn nói suy nghĩ và việc làm khác nhau, không đồng nhất, nhiều khi miệng nói vậy mà trong lòng lại nghĩ khác, miệng nói tốt mà trong lòng lại chỉ muốn hại người “lỗ miệng thì nói nam mô, trong bụng lại đựng một bồ dao găm; miệng nam mô Bồ tát, giấu dao mác sau lưng”. Chính vì lẽ đó mà “tri nhân tri diện bất tri tâm, biết người biết mặt chứ ai biết lòng; sông sâu còn có thể dò, lòng người tráo trở ai đo cho cùng”.

Cái “tâm” quyết định mọi việc và cũng là căn cứ để xét đoán một con người là tốt hay xấu, bởi đôi khi không thể xét đoán qua lời nói hay việc làm mà cái chính là trong lòng họ nghĩ gì mới quan trọng, có câu “đi lâu mới biết đường dài, ở lâu mới biết con người có tâm”, nhiều khi sống với nhau tiếp xúc hằng ngày nhưng chưa chắc đã hiểu nhau, huống hồ chỉ qua một vài lời nói sao có thể thấu hiểu nhau được. Trong Phật giáo thường đề cao cái chân tâm “chân tâm tức Phật; Phật tại tâm; tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, qua đó đủ cho chúng ta thấy cái “tâm” quan trọng như thế nào, thậm chí chỉ cần thật tâm thì ngay đó chẳng cầu Phật nơi khác “nhất cao là núi Tản Viên, bình yên vô sự cửa thiền trong tâm”.

Cái “tâm” đã ăn sâu và một phần chân lý thật trong lòng người con Việt, coi đó như thước đo nhân cách thanh cao của một con người, vì không thể dễ dàng mà hiểu được, cũng không dễ thấy một con người là tốt hay xấu được. Hơn thế nữa, những con người có cái tâm trong sáng, thanh cao thì họ lại càng dấu nó đi, không phô trương cho người khác biết, chỉ âm thầm nghĩ và làm các việc tốt để giúp đời cho nên “đi lâu mới biết đường dài, ở lâu mới biết con người có tu”.

Ảnh St

3. Vai trò của Ca dao, tục ngữ trong truyền bá tư tưởng Phật giáo.

Nói như Hoài Thanh (1909-1982) nhà phê bình văn học xuất sắc: “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài… văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”[11]. Trong kho tàng Ca dao, tục ngữ Việt Nam thấm đẫm tư tưởng Phật giáo, về mặt nhân văn qua những câu ca dao, tục ngữ chúng ta có thể truyền tải những giá trị, những bài học luân lý đạo đức cho con cháu, từ thế hệ này sang thế khác một cách dễ dàng. Về phương diện Phật giáo, qua những câu thơ ca đó, tư tưởng Phật giáo được truyền tới quần chúng nhân dân một cách tự nhiên, dễ dàng, hoàn toàn không gượng ép, khuông sáo, như những làn gió mát lướt qua nhận thức chúng ta một cách êm ái, như chính những lời ru à ơi của mẹ ngày nào.

Nếu chúng ta sử dụng Ca dao, tục ngữ trong hoằng pháp là một phương tiện tuyệt vời bởi có nhiều nguyên nhân: Một là, xóa bỏ định kiến tôn giáo, đơn thuần nếu như ở một nước đa tôn giáo như Việt Nam thì các tôn giáo khác có đem những tư tưởng Phật giáo để dạy các tín đồ họ không? Mặc dù các tư tưởng đó là hướng thiện, nhưng nếu là sản phẩm của dân tộc thì sẽ không còn rào cản đó nữa. Chính chúng ta khi truyền tư tưởng Phật giáo qua Ca dao, tục ngữ thì người ngoài tôn giáo cũng dễ dàng đón nhận. Ngày nay, một trong những nhà truyền đạo phi tôn giáo chính là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, khi Ngài dạy thiền có rất nhiều tín đồ khác tôn giáo, một trong những lý do là ngài dùng ngôn ngữ phi tôn giáo, không dùng thuần túy ngôn ngữ Phật giáo để dạy.

Hai là, tính mộc mạc, đơn giản, dễ nhớ, kỳ thực giáo lý Phật giáo nếu không phải là những chuyên gia nghiên cứu và có hành trì thì thật không dễ mà thấu đạt được đâu, ngay cả những giáo lý chúng ta thường nghe hằng ngày như giáo lý Nghiệp hay Duyên khởi, nhưng không phải giản thuần như chúng ta hiểu “Ai thấy duyên khởi là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy Phật”[12], chúng ta thấy chính đức Phật đã khẳng định như vậy, nhưng khi qua Ca dao, tục ngữ chỉ là “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu” và được biến hành những câu cửa miệng để làm những bài học đạo đức, lối sống của một con người đúng mực. Qua đó cho chúng ta một kết quả ứng dụng cao, bởi lẽ đâu cần phải cao siêu, sâu sắc, vì nếu không ứng dụng được, không phổ biến mang tính cộng đồng phổ quát thì cao siêu để làm gì, trong khi giáo lý Phật thì “thiết thực và hiện tại”.

Bản thân của đạo Phật là tôn giáo vô ngã, một tôn giáo vô chấp, vô trụ và đức Thế Tôn ra đời để dạy đạo cho toàn chúng sinh chứ không phải chỉ giảng thuyết cho những người đạo Phật, giáo pháp Ngài để cho chúng sinh nghe theo và thực hành chứ không phải chỉ để cầu nguyện và trong chờ. Chính vì lẽ đó, việc xóa bỏ các chướng ngại ban đầu trong nhận thức của quần chúng, đưa các lời Phật dạy vào trong những quan điểm sống hàng ngày, biến nó thành những quy chuẩn đạo đức luân thường, là phương châm sống, là lý tưởng sống, là nhân cách, là tiêu chuẩn để đánh giá một phẩm chất của một con người, đó chính thật là cách làm cho Phật pháp cửu trụ lâu dài trong nhân gian.

KẾT LUẬN

Qua Ca dao, tục ngữ chúng ta có thể thấy ảnh hưởng lớn lao của tư tưởng Phật giáo trong hệ tư tưởng đạo đức Việt Nam. Sẽ không mấy ai quan tâm đến những giáo lý cao siêu, xa lạ mà thay vào đó là những tư tưởng thiết thực và gần gũi, dễ nhớ, dễ thực hành và đây cũng là một đặc điểm đặc biệt của hệ văn học dân gian này.

Việc tìm lại hệ giá trị văn học này nói chúng và Ca dao, tục ngữ Phật giáo nói riêng là một việc làm cần thiết và quan trọng, qua các câu Ca dao, tục ngữ này mà chúng ta có thể hiểu được bản chất sâu xa của một hệ thống tư tưởng chính xuyên suốt chiều dài văn học dân gian chính là nhân đạo, lòng thương người, hướng thiện, chán xa cái ác, cổ xúy điều lành, nhân nghĩa, trung hiếu,… từ đó cho chúng ta một nhận định bản chất của một con người Việt Nam hiền lành, chất phát, giản dị và dễ thương.

Cần phải có nhiều công trình hơn nữa về những giá trị đạo đức qua văn học dân gian, tìm lại những tư tưởng Phật giáo, đồng thời phát triển nó để xứng tầm là những tư tưởng, giá trị lâu đời của văn hóa dân tộc.

Thích Tâm Ý – Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

------------------

CHÚ THÍCH:

[1] Đinh Gia Khánh, Văn học dân gian, tập II, Nxb.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1973. [2] Xem Trung Quốc ca dao của Chu Tự Thanh (bản dịch của Đinh Gia Khánh-tài liệu đánh máy). [3] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, 2017, tr.31. [4] Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, in lần thứ hai tại Hà Nội, 1951, tr.15. [5] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, 2017, tr.28-29. [6] Hồ Chí Minh, Bàn về văn hóa văn nghệ, Nxb.Văn hóa, HN, 1972. [7] V.Chihêrốp, Những vấn đề lý luận và lịch sử sáng tác dân gian, Nxb.Nhà văn Xô Viết, Mạc Tư Khoa, 1957. [8] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, 2017, tr.42-47. [9] Sđd, tr.43. [10] HT.Thích Huệ Đăng, kinh Vu Lan và Báo Hiếu, Nxb.Hồng Đức, HN, 2016, tr.42. [11] https://hangnuoc.home.blog/2018/08/21/7-2-y-nghia-van-chuong-1936-hoai-thanh/. Truy cập ngày 8/3/2021 [12] HT.Thích Minh Châu, Trung Bộ 1, kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi,VNCPHVN ấn hành,1992,tr.422.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Gia Khánh, Văn học dân gian, tập II, Nxb.Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1973. 2. Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb.Văn học, HN, 2017. 3. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, in lần thứ hai tại Hà Nội, 1951. 4. Hồ Chí Minh, Bàn về văn hóa văn nghệ, Nxb.Văn hóa, HN, 1972. 5. Chihêrốp, Những vấn đề lý luận và lịch sử sáng tác dân gian, Nxb.Nhà văn Xô Viết, Mạc Tư Khoa, 1957. 6. Thích Huệ Đăng, kinh Vu Lan và Báo Hiếu, Nxb.Hồng Đức, HN, 2016. 7. Thích Minh Châu, Trung bộ 1, kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi,VNCPHVN ấn hành,1992. 8. https://hangnuoc.home.blog/2018/08/21/7-2-y-nghia-van-chuong-1936-hoai-thanh/. Truy cập ngày 8/3/2021.