Giờ đây, mọi chuyện đã sáng tỏ. kẻ thủ ác đã phải trả giá, như ánh trăng kia đang lấp lánh trên sườn đồi. Ngọc tuy không thể nào vui như xưa nhưng hình như đã quẳng được hòn đá bấy lâu nay đè nặng.
Tác giả: Bùi Thị Kim Loan KP Phú Thọ, P. Phú Chánh, TX.Tân Uyên, Bình Dương
Trăng sáng vằng vặc trên sườn đồi. Gia Lào mùa này có gió se se lạnh. Ngọc đứng trên vọng gác nhìn xuống con đường mòn ngoằng ngoèo mờ tỏ trong sương mà lòng không gợn sóng. Ngọc không suy nghĩ gì cả, chính việc muốn cho đầu óc mình không chìm trong những tiêu cực dẫn đến bế tắc đã thôi thúc Ngọc mang hai con về Bình Thuận. Đêm nay nữa là tròn một tháng Ngọc và các con ở lại núi, nơi có ngôi chùa ngày xưa Duy dẫn Ngọc đến ra mắt vị sư trụ trì mà Duy rất kính trọng.
Từ ngày Duy mất, Ngọc không thể nào ngủ được trong ngôi nhà của hai người vì hình ảnh Duy cứ tràn ngập mọi lúc mọi nơi. Ngọc như luôn thấy Duy đi, đứng, ngồi nằm, nói chuyện, ca hát... Và cũng vì một câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu, vì sao Duy chết?
Duy và Ngọc là thanh mai trúc mã, hai người ở cùng thôn và học chung từ lớp 1 đến lớp 12, nhưng có lẽ tình cảm chỉ phát sinh khi cả hai cùng lên học ở Sài Gòn. Duy là một chàng trai ưu tú, vừa đẹp trai lại vừa học giỏi, anh đậu đại học Kiến Trúc với số điểm rất cao. Còn Ngọc là một cô gái có thể nói là xinh xinh chứ không quá nổi bật, sức học cũng bình thường. Nếu như Duy đỗ vào trường đại học thì Ngọc chỉ đủ khả năng theo học trung cấp kế toán ở một trung tâm. Cô lại bị cận nặng đến mười mấy độ lúc nào cũng đeo cái kính như đít chai dày cộm.
Vậy mà Ngọc đã khiến cho bao cô gái ngưỡng mộ khi được chàng kiến trúc sư tương lai theo đuổi và si mê. Duy đưa đón đưa Ngọc bất kể là Ngọc đi học hay đi làm thêm. Duy hát hay và hoạt ngôn, bạn bè của Ngọc vô cùng quý mến. Cả hai ra trường, rồi đi làm. Duy vẫn đưa đón cô đến công ty đều đặn, nuông chiều Ngọc hết mực. Đúng như tên gọi, Ngọc được Duy nâng niu như viên ngọc quý. Yêu Duy, Ngọc như một nàng công chúa, cuộc sống vô tư không lo nghĩ. Một đám cưới vào lúc cả hai đều có thu nhập ổn định là điều hiển nhiên.
Cưới nhau được bảy năm, hai vợ chồng có hai đứa con nếp tẻ đủ cả, rất xinh xắn. Đứa con trai lớn 6 tuổi sắp vào lớp 1 và đứa con gái nhỏ mới 16 tháng tuổi, Ngọc thuê bảo mẫu chăm sóc tại nhà. Hai đứa con ra đời làm cho cuộc sống chật vật hơn. Vậy mà công ty Duy đang làm lại nợ lương không trả. Để đảm bảo kinh tế gia đình, Duy đã nhận lời làm cho công ty của Phong, người bạn cùng khóa làm bên lĩnh vực xây dựng. Công trình xa nên có khi tuần lễ, có khi nửa tháng Duy mới về một lần, hàng ngày cũng chỉ liên lạc qua điện thoại. Đợt đó Ngọc gọi cho Duy hoài mà không được, ban đầu không bắt máy, sau thì không có tín hiệu. Đến ngày thứ ba không liên lạc được Duy, Ngọc liền gọi cho Phong, Phong bảo vừa mới vừa gặp Duy, nên Ngọc cũng yên tâm phần nào. Từ nhà đến công trình cũng không phải quá xa nhưng thực sự là Ngọc cũng không biết địa chỉ ở đó, và một phần cũng bận bịu con nhỏ nên Ngọc ráng đợi thêm.
Đến ngày thứ tư khi Ngọc đang làm việc ở công ty thì nhận được những cuộc điện thoại rất lạ. Ban đầu có một cô bạn học xưa của hai người khi còn ở quê gọi để hỏi thăm Duy. Rồi tiếp đó là điện thoại của chị dâu bảo Ngọc xin nghỉ làm để thu xếp về quê. Đang hoang mang thì có điện thoại của Phong. Phong nói Duy đang bị tai nạn, tình trạng rất nặng. Ngọc bủn rủn chay tay, cô định sẽ chạy xuống chỗ chồng bị tai nạn đồng thời nhờ Phong tranh thủ giúp chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Phong nói tình trạng nặng lắm rồi không thể chuyển được nữa. Nhưng không biết vì lý do gì mà Phong đã nói dối như vậy, thật sự là Duy đã chết. Xác của Duy được một người đi câu phát hiện trong bụi rậm dưới bờ ruộng cách đường khoảng 20 mét. Ở đó là một khúc quanh vắng, xe của Duy cũng ngã gần đó nhưng không hư hại nhiều. Sở dĩ Ngọc biết vì một người chị gái đã không kìm được mà khóc trong điện thoại: chồng em chết rồi mà em không biết sao Ngọc?
Ngọc hỡi ơi, chắc lúc người bạn ở quê và chị dâu gọi điện, mọi người đã biết là Duy chết rồi, sao cứ quanh co giấu cô như vậy chứ?
Ngọc buông điện thoại rồi như kẻ mất hồn. Ngọc không khóc gào mà chỉ ngơ ngác nói với một chị đồng nghiệp. Rồi không biết bằng cách nào mà Ngọc về được nhà. Không phải sự thật đâu, Ngọc thầm nhủ, không phải như vậy đâu, Duy còn sống, nhất định là mọi người đã nhầm lẫn gì đó, anh không chết, không đời nào bỏ mẹ con em phải không Duy? Rồi cũng không biết thời gian bao lâu và ai đã bế mấy mẹ con cô lên cỗ xe đã có sẵn chiếc quan tài của chồng. Ngọc không thể tin người nằm trong đó là Duy, vậy là Ngọc đã không được thấy mặt Duy lần cuối. Ngọc như người mất hồn suốt mấy ngày tang lễ, chỉ cho con bú khi con đói, còn lại cô ngồi đờ đẫn bên cạnh quan tài. Gặp những người làm chung đến viếng Ngọc đều hỏi anh Duy em đâu, khiến cho ai cũng không khỏi xót xa. Đứa con trai hỏi sao mẹ khóc hoài thế, mẹ nín đi mẹ! Còn đứa con gái nhỏ vẫn chưa biết gì, chưa kịp có ký ức gì về cha.
Từ hôm đến nhận xác Duy trong nhà xác, mọi người đã đặt ra nghi vấn xung quanh cái chết của Duy. Phải chăng có mờ ám gì khi Duy làm việc ở cách xa nhà, nơi không có một người thân, còn những người đồng nghiệp thì không biết là bạn hay thù. Duy là một kiến trúc sư giỏi nhưng có một khuyết điểm là luôn thẳng tính và không chịu thua ai, không ít lần xảy ra tranh cãi trong các cuộc thảo luận. Hơn nữa, lúc Duy nhận lời mời của Phong thì một người bạn khác cũng đang muốn mời Duy về, và giữa hai người đó cũng xảy ra mâu thuẫn. Xâu chuỗi với sự việc xác Duy nằm cách quá xa chiếc xe và hầu như không bị trầy xước nhiều, xe cũng ít bị hư hại. Người thân ai cũng nghi ngờ Duy bị hãm hại hoặc lỡ tay đánh chết rồi tạo dựng hiện trường giả. Một việc khó hiểu hơn nữa là về anh bạn chủ đầu tư tên Phong kia. Anh ta đã rất bình tĩnh khi phát hiện sự việc. Vì bố mẹ Duy cũng là người ở quê và là người nơi khác đến khi hay tin con mất nên đã phó thác cho Phong lo mọi việc ở đó, phần vì đau buồn, phần vì tin tưởng bạn của con mình. Phong lo thủ tục nhận xác Duy một cách nhanh gọn, thoáng chốc, Duy đã ở trong chiếc hòm mà Phong đã liên hệ gấp rút với cơ sở mai táng tại địa phương. Đặc biệt là chiếc laptop của Duy, nơi chứa nhiều thông tin trong quá trình làm việc, Phong đã không trả lại.
Những tưởng đó là đỉnh điểm của nỗi đau nhưng vẫn còn chưa hết. Sáng, một người sếp cũ từng nhiều tháng không thanh toán dẫn đến việc Duy phải nhảy qua làm cho Phong. Lợi dụng lúc mọi người đang nghi ngờ cái chết của Duy là có người cố tình hãm hại nên Sáng đã đề nghị là sẽ giúp gia đình chăm lo cho các con của Duy và “lo” bên công an điều tra để làm họ làm sáng tỏ sự thật. Bên công an đã kết luận là tai nạn, giờ muốn lật lại vụ án phải khám nghiệm tử thi mà cả 2 gia đình bên Duy hay bên Ngọc đều không chấp nhận.
Sáng bảo phải dùng tiền lo lót. Khi thì quà cáp cho cán bộ khi thì ăn uống... Sáng cứ viện mấy cớ đó bảo Ngọc đưa lúc thì 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu... lên đến hơn 150 triệu, hầu như tất cả số tiền mà hôm đám tang người ta phúng điếu mà vẫn không thấy kết quả gì. Đến khi muốn gọi để hỏi tình hình thì điện thoại Sáng không liên lạc được. Một lần nữa cái cảm giác nghe tiếng ò í e thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được làm Ngọc chao đảo. Vốn tin người, vốn nghĩ không ai lại lừa một phụ nữ trẻ vừa mới mất chồng có hai đứa con nhỏ như Ngọc hiện tại. Hơn nữa Sáng cũng làm việc với Duy nhiều năm, nên Ngọc đưa tiền mà không biết nhà Sáng ở đâu. Công ty mà Sáng làm chủ khi xưa đã phá sản và trả lại mặt bằng, nên Ngọc không biết tìm anh ta ở đâu cả, mà nếu tìm được chắc anh ta cũng không trả. Anh ta đã có tiền sử không trả lương cho Duy nhưng trong lúc bối rối Ngọc đã không nhận ra. Ngọc vừa mất chồng vừa mất hết số tiền đáng lý để lo cho con. Từ một người được chồng cưng chìu yêu thương, không để làm bất cứ làm việc gì nặng nhọc, trong thời gian ngắn Ngọc bị cuộc đời này vùi dập không thương tiếc. Còn về phần Phong, anh ta không những không trả lại laptop, viện cớ là còn để nghiên cứu mấy dự án đang dang dở mà còn không trả lương, không có một khoảng trợ cấp tai nạn nào. Khi Ngọc gọi điện ngỏ ý muốn lấy lại laptop cho con học hành, thì anh ta chuyển cho 5 triệu, duy nhất một lần rồi mất hút.
Trong cơn sóng gió, cũng may Ngọc còn có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, rốt cuộc rồi cô cũng nguôi ngoai phần nào. Nhưng hình ảnh Duy thì vẫn đầy trong tâm trí. Người cũng đã mất rồi, tiền cũng đã mất rồi, Ngọc không cần trả thù hay Ngọc cũng không muốn ai đền tội, cô chỉ muốn biết nguyên nhân. Cô muốn biết vì sao chồng cô chết. Nghĩ đến việc anh đã phải đau đớn như thế nào, đã cô đơn ra sao? Có đôi lần Ngọc cũng muốn chết đi cho xong nhưng còn hai đứa con nhỏ, Ngọc làm sao có thể để chúng bơ vơ trên cõi đời này chứ?
Ngọc nhớ ngày còn sống Duy hay nói đến việc đi tu. Là người đàn ông có vợ nhưng Duy luôn tâm niệm sau này sẽ đi tu, cũng thật là khó hiểu! Những lúc ấy Ngọc toàn gạt đi nhưng giờ nghĩ lại thấy chắc đó là số của Duy. Ngọc bèn xin nghỉ phép và đưa con về quê nhà, Bình Thuận vẫn nắng và gió như ngày nào, ba mẹ con lọt thỏm giữa con đường mòn quanh co lên núi.
Thắm thoát mà đã một tháng Ngọc và hai con sống trong căn nhà nhỏ dùng cho khách xa đến viếng chùa lưu trú. Mỗi ngày dâng hương cúng Phật, làm công quả bếp núc, quét sân chùa, nghe sư giảng pháp, đọc kinh, thật kỳ diệu, Ngọc thấy lòng lắng dịu phần nào, không còn đau đáu về nguyên nhân cái chết của Duy và ai là kẻ hãm hại. Không còn vướng mắc vào sự đến đi vô thường mà tiếc nuối những ngày tháng hạnh phúc trước đây. Càng nghe pháp và sống trong nơi chốn thanh tịnh này giúp Ngọc ngộ ra nhiều chuyện nhân quả và nghiệp duyên của mỗi người. Việc xảy ra ắt hẳn là số kiếp của Duy và Ngọc. Đã đến lúc Duy không còn nợ trần và Ngọc phải trả những oan nghiệt những kiếp trước của cô. Ngọc còn có hai con, dòng máu của Duy vẫn còn ở lại, nên Ngọc phải thật mạnh mẽ để sống, để vừa làm mẹ vừa làm cha cho các con nữa chứ.
Hôm nay, Ngọc nghe tin có người đã khai ra sự thật, thủ phạm không ai khác là Phong. Do một trong những đồng phạm của Phong trong lúc tiêu thụ tài sản không rõ nguồn gốc đã bị cơ quan điều tra bắt, cuối cùng hắn đã khai rõ sự thật. Duy quá thẳng tính và trung thực trong công việc nên đã không đồng tình và nhiều lần phản đối những sai phạm của Phong đối với công trình đang thi công. Đúng ra Phong chỉ thuê người dọa Duy, xảy ra án mạng là điều ngoài dự tính. Kẻ đó cũng biết tung tích của Sáng, chúng cùng một giuộc là những kẻ lợi dụng lòng tin của vợ chồng Duy.
Giờ đây, mọi chuyện đã sáng tỏ. kẻ thủ ác đã phải trả giá, như ánh trăng kia đang lấp lánh trên sườn đồi. Ngọc tuy không thể nào vui như xưa nhưng hình như đã quẳng được hòn đá bấy lâu nay đè nặng. Cô thở phào nhìn vào căn phòng nơi hai con đang say giấc trẻ. Cây vô ưu trong sân chùa hoa rụng đầy gốc, có một đóa rơi vào tay Ngọc, thơm thơm mùi của bình yên, mùi mà đã lâu rồi Ngọc không có được. Có lẽ là Duy đã về với Ngọc chăng? Cô thì thầm: Duy ơi, mỉm cười nơi suối vàng anh nhé!
Tác giả: Bùi Thị Kim Loan KP Phú Thọ, P. Phú Chánh, TX.Tân Uyên, Bình Dương
Bình luận (0)