Mỗi người khi lớn lên đều có một diện mạo nhất định và tướng thực ra là do “tâm sinh

Có người nói diện mạo do cha mẹ sinh ra. Đúng vậy, nhưng khi lớn lên thì khuôn mặt từng người sẽ thay đổi dần theo tâm tính của mình và không còn do cha mẹ quyết định nữa. Vậy nên văn hóa phương Đông mới cho rằng “tướng tùy tâm sinh” là vậy. Và ngay cả người phương Tây cũng coi trọng tướng mạo.

Có một câu chuyện sau đây. Một lần Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln phỏng vấn một ứng viên nam đến xin làm việc cho Văn phòng Tổng thống. Mặc dù người này xuất trình các bằng cấp chứng tỏ là người có tài năng nhưng Tổng thống vẫn không tuyển dụng. Người phụ tá thấy vậy liền hỏi Tổng thống nguyên nhân vì sao. Tổng thống nói: “Tôi không thích tướng mạo của người này”.

Người phụ tá không hiểu nên hỏi lại: “Chẳng lẽ một người có khuôn mặt không được ưa nhìn thì cũng là lỗi của họ sao?”

Tổng thống Lincoln trả lời: “Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng sau 40 tuổi họ đều phải chịu trách nhiệm về khuôn mặt của mình!”

Trong thực tế cuộc sống, con người đến tuổi trung niên, thì tướng mạo sẽ thể hiện tính cách và phẩm chất của người đó. Người có lòng khoan dung thì phần lớn sẽ có khuôn mặt phúc hậu. Người có tính tình hiền dịu thì tướng mạo sẽ đẹp một cách nhu hòa thánh thiện. Người có tính cách thô bạo lỗ mãng thì tướng mạo sẽ hung dữ. Người có lòng dạ nhỏ nhen của kẻ tiểu nhân thì phần lớn có tướng mạo xấu xí (mắt trắng dã, môi thâm xì, hai hàng lông mày nhíu chặt).

Người nào tướng mạo lộ ra vẻ đặc biệt trẻ trung và xinh đẹp thì người này nhất định phải là người lương thiện. Đây là do kết quả của quá trình tu dưỡng tâm tính và hành vi phản chiếu lên khuôn mặt. Cho nên tướng mạo cũng chỉ ra vận mệnh tương lai của người đó.

Nhưng tướng mạo của một người không phải là bất biến, mà có thể từng bước cải biến được. Tướng mạo cũng có thể thay đổi nhờ giáo dục và rèn luyện. Vậy để có tướng mạo đẹp chúng ta hãy thường xuyên tu dưỡng những điều sau đây:

1. Thường xuyên mỉm cười

Người xưa có câu: “Tay hung không đánh mặt cười”. Nụ cười luôn làm rung động lòng người, khiến mọi người vui vẻ, thân thiện và gần gũi nhau hơn. Mỉm cười luôn mang đến cho người khác niềm vui và hạnh phúc, mang đến sự chia sẻ về tinh thần.

2. Khen ngợi người khác

Khi ta nói những lời khen ngợi, khích lệ người khác cũng sẽ làm rung động tinh thần của họ. Và đồng thời, chính những lời thiện cảm, tốt đẹp mà ta nói ra cũng sẽ làm cho bản thân mình thêm đẹp hơn, tốt hơn.

3. Nhẫn nhịn nhiều hơn, tức giận ít đi

Người biết nhẫn nhịn, ít tức giận thì sắc mặt sẽ đẹp hơn. Trong cuốn “Phật thuyết tội phúc báo ứng kinh” nói rằng: Người xấu xí là do thường xuyên tức giận, không biết nhẫn nhịn. Người đoan trang trắng trẻo, vẻ mặt rạng ngời, tươi tắn, ai gặp cũng quý mến, đó là kết quả của tu nhẫn mà nên.

4. Luôn biết cảm ơn

Người biết nói lời cảm ơn đúng lúc, đúng chỗ, biết quý trọng người khác, mọi hành xử đều xuất phát từ thiện ý, thiện nguyện, thiện tâm thì trong lòng người đó lúc nào cũng tựa như nở ra một bông hoa thơm ngát hấp dẫn người khác. Người trong tâm tràn đầy hương thơm như vậy thì bên ngoài cũng sẽ trở nên xinh đẹp rạng ngời.

5. Sức mạnh của thiện tâm

Vẻ bề ngoài của một người liên quan mật thiết với nội tâm bên trong của người đó. Tướng do tâm sinh, cho nên bên trong thiện lành thì bên ngoài sẽ xinh đẹp. Một nhà tâm lý học từng nói: “Tâm tình của một người như thế nào thì cuộc sống của người đó sẽ là như thế, vận mệnh của người đó cũng sẽ lại giống như thế”.

Bởi vậy, khi gặp khó khăn, trắc trở hay hoạn nạn…, bạn đừng vội kêu Trời rồi than thân trách phận, mà hãy nhìn lại mình, xem lại tâm mình thế nào, cách hành xử đối đãi của mình với đời ra sao? Đức Phật đã chỉ ra luật nhân quả mà, nhiều khi vận hạn lại do chính mình gây ra đấy!

6. Tiếp xúc nhiều hơn với người có tâm tính tốt đẹp

Người xưa có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là có ý nói rằng, nếu như bạn thường xuyên tiếp xúc nhiều với những người tốt, bây giờ gọi là “người tử tế” thì bạn sẽ chịu ảnh hưởng của họ, dần dần bạn cũng trở nên giống như họ. Người có diện mạo đẹp là người không chỉ có vẻ đẹp bề ngoài mà quan trọng hơn là vẻ đẹp nội tâm bên trong của người đó!

Thực ra tướng theo cách nhìn của Phật giáo sẽ khó hơn nhiều, bởi tướng chỉ là một cách biểu hiện đã lộ ra bên ngoài, còn cái tâm lại là thứ ẩn bên trong và chính thứ ẩn bên trong mới là cái quyết định căn cốt và đạo đức của một con người.

Do vậy, trong những bối cảnh và sự kiện nhất định, một người có vẻ đạo mạo về tướng đẹp theo quan điểm thông thường nhưng chưa hẳn người đó đã là một người có nhân cách và đạo đức tốt theo quan điểm của Phật giáo. Đối với Phật giáo, quan sát diện mạo của một người kết hợp với quan sát hành động và các biểu hiện khác mới là điều cốt lõi quan trọng.

Tướng chỉ là một phần của con người, quan trọng hơn cả là chiều sâu trong nhân cách và cách hành xử đạo đức đối với mọi người xung quanh trong các mối quan hệ xã hội. Đấy mới là điều mà đạo Phật quan niệm và đề cao.

Tác giả: Vũ Tất Tiến Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2016