Tác giả: Nguyễn Văn An Bảo tàng Bắc Ninh
Trong đợt khai quật khảo cổ học phế tích chùa Đông Lâm trên đỉnh núi Thiên Thai thuộc địa phận thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh vào cuối năm 2022(1) vừa qua đã phát hiện được khá nhiều di vật các loại, cho phép khẳng định sự tồn tại của di tích chùa Đông Lâm trong lịch sử.
Đặc biệt là tấm bia đá 究嶺山上頂天台寺碑記 “Cứu Lĩnh sơn thượng đỉnh Thiên Thai tự bi ký”, dù đã bị gãy đôi nhưng nội dung thông tin ghi khắc trên bia còn khá đầy đủ, cho biết chính xác quy mô kiến trúc chùa Đông Lâm dưới thời Lê Trung Hưng (đầu thế kỷ XVII).
Sách “Việt sử lược” chép rằng: “vào năm 1055, vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072) cho xây chùa Đông Lâm và Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu”. Như vậy, chùa Đông Lâm được khởi dựng trước chùa Phật Tích (1057) hai năm, chùa Dạm (1086) là 31 năm và trở thành một danh lam thắng cảnh, trung tâm Phật giáo lớn trên vùng đất Kinh Bắc dưới thời kỳ nhà Lý sang triều Trần đến Lê, Nguyễn. Tiếc thay trải trường kỳ lịch sử, chùa Đông Lâm bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn sau Cách mạng tháng tám năm 1945.
Tấm bia phát hiện tại hố khai quật chính, nằm sát góc bên phải lô cốt phía Tây ở độ sâu 0,6m so với mặt nền lô cốt. Bia được chế tác bằng đá xanh nguyên khối, dạng dẹt, kích thước rộng 49cm, cao 72cm, dày 15cm, gồm hai mặt: mặt trước, trán bia trang trí lưỡng long chầu nhật, bên dưới khắc nổi dòng chữ 究嶺山上頂天台寺碑記 “Cứu Lĩnh sơn thượng đỉnh Thiên Thai tự bi ký” (nghĩa là bia ghi chép về chùa Thiên Thai trên đỉnh núi Cứu Lĩnh), diềm bia hai bên trang trí hoa cúc dây, diềm dưới trang trí hoa văn cánh sen. Mặt sau, trán bia trang trí phượng chầu mặt nguyệt, bên dưới khắc nổi dòng chữ 士娓信施碑記 “Sãi vãi tín thí bi ký” (nghĩa là ghi chép các vị sãi vãi công đức), diềm bia hai bên trang trí dây lá cuốn, diềm dưới trang trí hoa văn cánh sen. Lòng bia cả 2 mặt khắc chữ Hán, thể chân phương còn khá rõ nét. Nội dung chính ghi chép lại toàn bộ quá trình trùng tu, tôn tạo và quy mô kiến trúc chùa Đông Lâm(2) cùng họ tên các vị sãi vãi công đức tiền, ruộng cho chùa vào đầu thế kỷ 17. Phần đầu văn bia cho biết:
[順安府嘉定縣東究究嶺山山寳塔上頂原古跡舊代有塔有寺名藍巍業禪天日失弊頹存一基也.至玆立愛社屋東究社虞芮鄉在宝塔村恩王蔭又茂林佐郎鄭福源在家十八爲師濟世號玄宗仁至三十三士請捨業出家住持靜慮寺集福六七年餘見人悖道.至辛亥回開創唱率嘉定桂陽寺縣各社士娓十方善信而共發家財新造上殿燒香前堂再造三教聖尊諸佛又買碑記名號也自此再造左右行郞後堂又坐禪…庵并開三椀房主山庵寺所再造佛三寳座八部金剛座聖佛佛祖二座孤魂主山龍神護法各軀共得五十七…至丙寅大圓满成…庚午年造庵睹一座辛未年再重修前堂并買碑記各功德…僧讚曰大老自開創寺天台坐高山加持祝聖十方釋子聞經悟道各逍遙檀越林中先世後承均利樂斯二碑遺傳萬代… 德隆三年四月十三日 開僧惠覺撰并書本縣 大拜社玉石局阮揚刊…]
“Nghĩa là: trên đỉnh núi Cứu Lĩnh thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Định, phủ Thuận An từ xa xưa lâu đời đã có tháp có chùa thuộc hàng danh lam to lớn, sừng sững nghiệp thiền, trải qua thời gian đã bị đổ nát chỉ còn lại nền móng vậy. Đến nay nhờ ơn người ở xã Lập Ái có nhà ở thôn Bảo Tháp, hương Ngu Nhuế, xã Đông Cứu tên là Trịnh Phúc được [Vương] ấm phong chức Mậu lâm Tá lang vốn xuất thân từ một gia đình có 18 người đi tu hành cứu đời, hiệu ngài là Huyền Tông cùng với 33 vị sãi xin được trút bỏ sự nghiệp xuất gia làm điều phúc tại chùa Tĩnh Lự đến hơn 6, 7 năm tìm người học đạo.
Đến năm Tân Hợi quay về xướng suất sáng lập lên chùa ở các huyện Gia Định, Quế Dương cùng với các vị sãi vãi, thiện tín thập phương ở trong xã, huyện đó bỏ tiền riêng của nhà […] xây dựng mới tòa thượng điện, thiêu hương, tái tạo lại tòa tiền đường. Phụng thờ tam giáo thánh tôn chư phật lại mua đá khắc bia ghi tên hiệu các vị vậy. Ngoài ra còn xây dựng lại hai bên tả hữu hành lang, nhà hậu đường, nhà tọa thiền, am […], mở ra 3 phòng oản, xây dựng lại am chúa núi ở tại chùa. Cùng tạc lại tượng phật gồm các tòa: Tam bảo, bát bộ kim cương, hai tòa thánh phật, phật tổ, cô hồn, chúa núi, long thần, hộ pháp tất cả cộng lại được 57 pho […] quy mô thật to lớn, xung quanh trồng thêm các loại cây như tùng, đa, vạn vật đều sinh sôi nảy nở. Đến năm Bính Dần hoàn thành viên mãn […] năm Canh Ngọ xây dựng thêm một tòa am đổ. Năm Tân Mùi trùng tu lại tòa tiền đường cùng mua bia đá ghi khắc công đức, tên hiệu các vị sãi vãi đem khắc lên đá an bài vậy...”
Bia được lập vào ngày 13 tháng 4 niên hiệu Đức Long năm thứ 3 - 1631. Khai tăng Huệ Giác là người soạn nội dung và viết chữ. Khắc bia là Nguyễn Dương - người cục Ngọc Thạch, xã Đại Bái của bản huyện(3).
Văn bia chùa Đông Lâm chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Nội dung văn bia ghi chép chi tiết về quy mô, thời gian khởi dựng và hoàn thành các hạng mục kiến trúc cùng hệ thống tượng Phật được bài trí quy chuẩn cho thấy chùa Đông Lâm xứng tầm là quốc tự, một đại danh lam nổi tiếng từng tồn tại lâu dài trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra những ghi chép trên văn bia còn là cơ sở khoa học quan trọng bổ trợ cho công tác trùng tu, tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị khu di tích chùa Đông Lâm trong tương lai, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội và văn hóa, du lịch của địa phương.
Tác giả: Nguyễn Văn An Bảo tàng Bắc Ninh ***Chú thích: - (1) Thời gian khai quật phế tích chùa Đông Lâm diễn ra từ ngày 22/11/2022 đến ngày 05/01/2023 do Viện Nghiên cứu Kinh thành phối hợp với Bảo tàng Bắc Ninh thực hiện. - (2) Theo nội dung văn bia đầu thế kỷ XVII chùa Đông Lâm đã được đổi tên là Thiên Thai tự. - (3) Nay thuộc địa phận xã Đại Bái, huyện Gia Bình.
Bình luận (0)