Từ việc tìm hiểu vấn đề xóa đói giảm nghèo theo quan điểm Phật giáo ta có thể thấy rằng: Mặc dù lý tưởng cao nhất của người tu Phật là buông bỏ để giải thoát. Nhưng trên hành trình buông bỏ ấy ngoài trí tuệ còn có từ bi. Có trí tuệ để thấy không có gì bám víu, có từ bi để thấy không ai nằm ngoài niềm thương của chính mình.
Tác giả: Ni sinh Thích Ni sinh Thích nữ Thánh Nhã (Đặng Huỳnh Mỹ Trang)
DẪN LUẬN
Từ xưa đến nay nghèo, đói luôn được xem là thách thức chung của nhân loại trong vấn đề mưu cầu hạnh phúc. Nhất là thời điểm hiện nay, khi những cuộc xung đột bạo lực, thiên tai, v.v... đã và đang xảy ra trên thế giới khiến hàng triệu triệu người trên thế giới lâm vào cảnh đói khổ. Theo ước tính cứ một phút trôi qua thì mười một người trên thế giới có thể mất mạng vì thiếu ăn. Trong đó, Phật giáo với mục đích cho con người và vì con người đã làm gì để góp phần giải quyết tình trạng trên?
Đây là lý do cho việc tìm hiểu về vấn đề xóa đói giảm nghèo theo quan điểm Phật giáo để thấy rằng mặc dù những mối quan tâm thực tiễn của đức Phật không nhằm mang lại cuộc cách mạng kinh tế. Nhưng những lời dạy của ngài hoàn toàn có thể giúp con người xóa đói, giảm nghèo và phát triển nền kinh tế bền vững.
Qua đó, khẳng định chân giá trị rằng: Chừng nào còn khổ đau, con người còn cần kiên nhẫn lắng nghe từng bài kinh Phật để thấy rõ “con đường” và thực hiện “con đường”. Đây là tiếng nói siêu triết lý, siêu tôn giáo và siêu xã hội mà nhân loại đang cần.
1. Kinh tế từ góc nhìn Phật giáo
Đức Phật không cách mạng kinh tế, nhưng lời Phật dạy có đề cập đến những khía cạnh đạo đức của kinh tế học. Đức Phật chỉ dẫn và những quy định liên quan đến những khía cạnh đặc biệt của kinh tế mà đến nay tính thích ứng của nó vẫn còn nguyên giá trị.
Trong kinh Tăng Chi[1] đức Phật đưa ra quan niệm về việc có được tài sản và sử dụng chúng hợp lý là hai trong bốn điều hạnh phúc của con người. Bên cạnh đó, ngài còn dạy các vị Tăng sĩ không nên bận tâm hoặc vướng dính đến các khía cạnh của vật chất. Không nên bận tâm đến các loại hình kinh doanh liên quan đến lợi nhuận vật chất. Hãy quan tâm đến tài sản tâm linh để có cơ hội đạt được sự tiến bộ về tinh thần. Đối với người tại gia, việc quan tâm đến tiến bộ vật chất là không thể thiếu. Tuy nhiên trong quá trình mưu cầu hạnh phúc qua tiện ích vật chất, đạo Phật khích lệ người tại gia không nên lầm nhận vật chất là cứu cánh của cuộc sống. Khích lệ các hình thức hợp pháp trong nghề nghiệp để tạo ra những sở hữu tài sản. Điều này một mặt mang lại những giá tị cao quý cho bản thân, đồng thời góp phần chia sẻ các sở hữu hợp pháp đó đến với các mảnh đời bất hạnh và kém may mắn. Sở hữu nhiều tài sản không có nghĩa sở hữu cuộc sống bình an. Bằng chứng: nhiều người thụ hưởng các sở hữu vật chất và các tiện ích xã hội nhưng vẫn không là người được hạnh phúc. Lý do vì họ thiếu tài sản trí tuệ. Trí tuệ được đẳng thức với tài sản, đây chính là một giá trị to lớn của đức Phật.
Bên cạnh đó, theo kinh tế học Phật giáo thì sự sai lầm về chấp thủ đối với của cải vật chất sẽ tạo ra nhiều rắc rối hơn là hạnh phúc cho con người. Đây được xem là đặc trưng của nền kinh tế học Phật giáo. Bởi quan điểm của Phật giáo nhấn mạnh tinh thần vô ngã nên kinh tế Phật giáo tin rằng cách tiếp cận đạo đức cơ hội, dựa trên tư lợi sẽ luôn thất bại. Vậy cho nên, thay vì chăm vào lợi nhuận như kinh tế truyền thống thì kinh tế Phật giáo hướng con người đến việc làm kinh tế sao cho giảm thiểu những đau khổ của tất cả muôn loài đến mức tối đa.
Từ trên có thể thấy kinh tế học Phật giáo nhấn mạnh hạnh phúc tổng thể sẽ giảm nếu con người theo đuổi những ham muốn vô nghĩa; muốn ít hơn sẽ mang lại lợi ích cho con người, cộng đồng họ đang sống và thiên nhiên nói chung. Trong kinh Trường Bộ[2], đức Phật dạy chỉ có đạo đức và trí tuệ là hai loại tài sản tâm linh cần thiết mang lại hạnh phúc cho con người. Và ngài nhấn mạnh rằng: Của cải vật chất không bảo đảm được cái hạnh phúc chân thực. Qua đó, Đức Phật kêu gọi nỗ lực đạt được tài sản tâm linh, thánh tài (Ariyadhana) gồm: (1). Tín tài (Saddhādhana), (2). Giới tài (Sīladhana), (3). Tàm tài (Hiridhana), (4). Quý tài (Ottappadhana), (5). Văn tài (Sutadhana), (6). Thí tài (Cāgadhana), (7). Tuệ tài (Paññādhana). Khi con người sở hữu thất thánh tài cũng như sở hữu được các nhân cách cao quý, con người sẽ biết cách sử dụng những sở hữu tài sản vật chất của mình hợp lý và có những giá trị cao quý khác. Đặc biệt, bảy loại tài sản cao quí này không bị cướp đoạt, không bị cái gì hư hoại; ai sở hữu chúng thân tâm được an lạc, giàu có như đức Phật khẳng định trong kinh rằng: “Bảy tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối”[3].
2. Xóa đói giảm nghèo và sự phát triển kinh tế bền vững theo quan điểm Phật giáo
Đức Phật nói gì về sự nghèo đói của con người?
Theo quan điểm của đức Phật, một đời sống có ý nghĩa là một đời sống con người có đủ điều kiện để nuôi sống thật dễ dàng[4]. Nếu đời sống quá khó khăn, lâm vào cảnh túng thiếu, nghèo đói thì dễ dẫn đến những bất hạnh kéo theo như mang nợ và dễ bị sa ngã vào những mưu sinh bất chính như trong kinh Tăng Chi đức Phật có đề cập rằng: “Như vậy, nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; mắc nợ cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời…”[5]. Ngược lại, không mắc nợ là hạnh phúc[6]. Vậy tại sao cùng là loài người nhưng có người giảu sang, có người luôn chịu cảnh túng quẩn?
Trong kinh “Tiểu nghiệp phân biệt”[7] đức Phật đã dạy thanh niên Subha Todeyyaputta về lý do vì sao cùng là loài người với nhau nhưng có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn. Qua đó, đức Phật khẳng định Bố thí và cúng dường là những nhân lành để tạo hoa trái phước báo giàu sang cho đời này và những đời sau. Do vậy, những người khá giả, có tài sản lớn trong hiện đời là biểu hiện cụ thể, rõ rệt nhất của phước báo bố thí và cúng dường. Ngược lại, những người không tu tập hạnh bố thí và cúng dường thì không có phước báo nên hiện tại rất nghèo hèn, có tài sản ít ỏi dù quanh năm lam lủ, lao nhọc. Sự phát tâm bố thí rộng rãi, không phân biệt, không chấp thủ được xem là đỉnh cao của bố thí và tạo ra phước báo vô lượng.
Từ chân lý Phật soi rọi vào hiện thực cuộc sống ta thấy rõ ràng một trong những nguyên nhân tạo nên sự bất an trong xã hội như cướp bóc, tham nhũng, bạo hành, … đều bắt nguồn từ sự bế tắc do thiếu ăn, nghèo khổ của con người. Điều này, được đức Phật chỉ rõ trong Kinh Cứu La Đàn Đầu rằng: Một đất nước quá nghèo khổ thì các loại tội phạm, giặc cỏ cùng những tệ nạn rất dễ xảy ra. Là một quân vương thông tuệ sẽ không chỉ nghĩ đến việc trừng trị những người này, vì giải pháp trừng trị chỉ là giải pháp nhất thời, không phải là con đường tốt nhất để đem đến sự bình an cho xã hội, cũng như không thể ngăn ngừa các loại tội phạm phát sinh. Cách tốt nhất theo kinh văn: Nếu theo phương pháp sau đây, bọn giặc cỏ ấy sẽ được trừ diệt một cách hoàn toàn: những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật […]. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì với nhà cửa mở rộng”[8].
Như vậy, sự an lạc của mỗi người là cơ sở bình an của tất cả mọi người. Khi mỗi chúng sinh không còn đói khổ, khi đất nước ngày một đi lên, khi sự quan tâm của các nhà lãnh đạo sâu sát với thực tế đời sống… thì hạnh phúc, bình an sẽ có mặt trong đời sống của mỗi con người. Ở đây, có thể thấy chủ trương xuyên suốt trong giáo lý của đức Phật là nhằm giúp chúng sinh vơi bớt và thậm chí đoạn tận khổ đau trong nghĩa hiện thực nhất. Sự phú cường của một quốc gia, của một thôn xóm, của một gia đình luôn là những điều mà đức Phật mong mỏi, quan tâm.
Trong ý nghĩa cụ thể, có thể thấy quan niệm về sự thiếu thốn, đói khổ của con người cũng là một sự quan tâm sâu sắc của đức Phật đối với hiện thực sống của con người nói chung.
Trung đạo Phật giáo – phương thức sinh tồn và phát triển tối ưu
Kinh tế học Phật giáo được xây dựng trên nền tảng giáo nghĩa trung đạo Phật giáo. Phật Giáo đề xướng không tham cầu và không đói nghèo. Theo đó, một nền kinh tế theo chủ trương Phật giáo trước tiên phải lo giải quyết những nhu cầu căn bản, đói rét, cơm áo, bệnh tật, nhu cầu giáo dục, trường học và công ăn việc làm cho người dân. Trung đạo là thực hành việc xa lìa hai cực đoan: khổ hạnh và dục lạc. Nói cách khác con đường Trung đạo của Phật giáo là một sự thống nhất (tính đồng hiện và đồng biến), nhưng từ chối sự “thái quá” hoặc “bất cập” của chúng; đồng thời chỉ ra tính “thống nhất trong đa dạng” của vạn vật và bản chất tùy thuộc, chuyển hóa lẫn nhau (tức vô ngã, vô thường). Đây chính là phương thức sinh tồn và phát triển tối ưu của vạn vật, trong đó có con người và các quan hệ xã hội của họ. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân để có thể lựa chọn cho mình một sinh kế phù hợp. Với một cái nhìn đại lược, Đức Phật cho rằng con người có thể kiếm sống qua một số sinh kế như: nông nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, công chức, quân đội… thậm chí bất cứ ngành nghề nào hiện có trong xã hội[9].
Đạo Phật tuy chú trọng về đời sống tâm linh tinh thần, nhưng đức Phật cũng luôn ý thức được sự chi phối của kinh tế vật chất đối với đời sống xã hội con người. Phật Giáo không xem việc giàu sang, sung túc về mặt vật chất là một trở ngại lớn cho việc tu tập, nhưng đối với lòng ham muốn sở hữu của cải nhằm mục đích hưởng thụ cho bản thân thì đó mới là vấn đề. Mặc dù những mối quan tâm thực tiễn của đức Phật không nhằm mang lại cuộc cách mang kinh tế, nhưng chúng ta có thể tìm thấy rãi rác trong giáo lý đức Phật một số những quan sát chỉ dẫn và những lời dạy liên quan đến những khía cạnh đạo đức của kinh tế mà đến nay vẫn còn có liên hệ đến những học thuyết kinh tế học hiện đại như giáo lý duyên khởi, nhân quả, nghiệp báo và đặc biệt là Bát chính đạo.
Bát chính đạo bao gồm ba hoạt động tương quan lẫn nhau và có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh tế đó là chính nghiệp, chính mạng và chính tinh tấn.
Ba yếu tố này thể hiện trong hoạt động kinh tế tạo ra của cải vật chất, giữ gìn tài sản và tiêu dùng hợp lý, trong sự chính niệm và từ bi, không vì mưu lợi cho mình mà làm tổn hại đến đối tượng khác. Từ đó, nỗ lực tạo nên một cuộc sống tốt đẹp, không vì mục đích tăng trưởng lợi nhuận cho riêng mình mà là đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người. Quan điểm về chính mạng trong Bát Chính Đạo của giáo lí nhà Phật là xuất phát điểm giúp con người có những suy tư về một mô thức kinh tế Phật giáo. Khi Phật còn tại thế, kinh tế còn đơn giản, nhưng đức Phật đã khuyến cáo các hàng đệ tử không nên làm các nghề không chính đáng và gây tổn hại sinh mạng cho chúng sinh, như bán thịt, bán vũ khí và bán rượu, …
Trong nhiều bản kinh, đức Phật cũng đã từng khuyên dạy cho các hàng đệ tử cụ thể làm thế nào để có một cuộc đời trong sạch và hạnh phúc. Đức Phật xem những điều kiện tiện nghi vật chất chỉ là phương tiện để chúng ta có điều kiện chuyên tâm và tinh tấn trên con đường tu tập giải thoát tâm linh. Và theo quan điểm Phật giáo vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích tối hậu của đời người. Các nhà kinh tế thị trường thường xem lịch sử, văn hóa và các cơ sở thượng tầng đạo đức tôn giáo, cho rằng việc sung túc về mặt vật chất của một cá nhân hay quốc gia có thể tạo ra được một xã hội đạo đức đem đến hạnh phúc cho cá nhân và hòa bình cho thế giới. Tuy nhiên, theo giáo lí nhà Phật khi tâm không an thì dù giàu có đến đâu cũng vẫn không thể thấy được hạnh phúc. Điển hình đời sống hiện tại của các nước giàu có trên thế giới như Mỹ, Bắc Âu, Tây Âu, … liệu rằng họ có thực sự đang hạnh phúc như những gì họ đã suy nghĩ?
Trong Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt[10], đức Phật dạy cho các hàng đệ tử biết cách sử dụng tài sản sao cho hợp lí và ẩn đằng sau ấy là cả một triết lý kinh tế rằng: Nên chia số tiền mình có được thành bốn phần, một phần dùng để chi tiêu cuộc sống hàng ngày, hai phần kế tiếp dùng để đầu tư sinh lợi, và phần còn lại hoặc để dành hoặc dùng để giúp đỡ người nghèo khó. Theo tinh thần lời dạy này thì luôn phải có một phần tích lũy bằng một phần tư số tiền mình kiếm được để sử dụng đến khi cần thiết. Như vậy, theo lời Phật dạy, chúng ta chỉ cần một phần tư số tiền kiếm được là có thể sống một cuộc sống tạm ổn. Việc chi tiêu hợp lý theo Phật dạy có thể giúp ta đơn giản hóa cuộc sống và từ việc đơn giản hóa cuộc sống sẽ giúp chúng ta có đời sống nhẹ nhàng thoải mái hơn thay vì bon chen danh lợi kiếm thật nhiều tiền mà ít có cơ hội tận hưởng hạnh phúc.
Một khía cạnh khác triết lí kinh doanh của nhà Phật hướng đến cho phật tử đó là tìm đến sự thỏa mãn tối đa, nghĩa là đạt đến mức an lạc, với những phương tiện vật chất tối thiểu. Trong kinh Tiểu Bộ, đức Phật khẳng định rằng: “Người giàu có tài sản. Có vàng bạc thực vật. Hưởng vị ngọt một mình. Chính cửa vào bại vong”[11] Ở ngay đây, mặc dù về cơ bản, “tất cả chúng sinh đều tồn tại nhờ đồ ăn”[12] nhưng nếu như chỉ sử dụng toàn bộ tài sản và tiền bạc kiếm được chăm lo cho bản thân, thì chưa thật sự toàn vẹn về nhân cách. Thông thường theo các nhà kinh tế thị trường thường đánh giá mức sống tiêu thụ trên mỗi đầu người với giả định người nào càng tạo nhiều của cải vật chất, tiêu thụ nhiều chừng nào thì họ sẽ có nhiều hạnh phúc chừng nấy và ngược lại đối với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, triết lí kinh tế theo tư tưởng Phật giáo lại tăng mức tối đa sự an lạc, hạnh phúc và hạn chế tối thiểu việc tiêu thụ của cải vật chất, bởi vì vật chất chỉ là phương tiện góp phần vào đời sống an sinh xã hội chứ không phải là mục tiêu an lạc hạnh phúc của con người.
Từ sự phân tích trên có thể thấy Trung đạo là con đường để phục vụ, để dẫn dắt con người hướng lên trong tinh thần và trí tuệ. Thực hiện theo tinh thần Trung đạo không phải đòi hỏi hay gây khó khăn cho con người mà ngược lại hướng con người đến một xã hội có một mức sống tối thiểu trong xã hội văn minh. Chẳng hạn, trong cùng một nước, người dân ở một mảnh đất hoang lại cũng có quyền có một mức sống tối thiểu ngang với người dân ở miền châu thổ phì nhiêu vì cả hai đều làm việc. Vậy nên, nếu chưa hiểu sâu sắc vai trò và giá trị của kinh tế Phật giáo chúng ta sẽ dễ sai lầm khi đánh giá rằng kinh tế Phật giáo đặt trên nền tảng giáo lý Trung đạo là gượng ép và lạc điệu[13]. Như ta thấy rõ ràng, đức Phật không phải là không để ý việc tạo dựng một xã hội sung túc. Ngược lại, ngài luôn quan tâm đến sự phát triển vững của đời sống con người nói chung là sự phối hợp cân bằng giữa các giá trị vật chất cùng những điều kiện tinh thần.
Thật ra, cách đây 26 thế kỷ trong bài Kinh Aggannasutta[14] đức Phật đã chỉ ra sự bình đẳng giữa con người. Đến nay thì nhiều nước đã cố gắng thực hiện giảm bất bình đẳng qua việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là giáo dục và y tế. Người nghèo được đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, và luôn có các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ khi cần thiết. Tăng trưởng kinh tế lâu bền trong khuôn khổ phát triển bền vững là yếu tố cơ bản để xóa đói giảm nghèo. Công cuộc xóa đói giảm nghèo do phải phụ thuộc mạnh vào kinh tế nên nếu chỉ có quyết tâm chính trị thì chưa đủ. Điều đó có thể thấy ở một số nước Mỹ Latinh (Braxin, Mêhicô), bất bình đẳng ngày càng tăng buộc các chính sách điều chỉnh có thể “khuyến khích các nhóm người nghèo khổ đầu tư vào nhân lực, giúp họ tăng sức sản xuất và như vậy sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”[15]. Tuy nhiên, tăng trưởng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để giảm bớt bất bình đẳng. Vì vậy, không thể bắt những người nghèo khổ phải tiếp tục chờ đợi đến mức tăng trưởng cao thì mới cho họ thoát khỏi nghèo đói. Điều đó cho thấy chính sách xóa đói giảm nghèo cho những đối tượng nghèo nhất phải được tiến hành ngay cùng với sự tăng trưởng về kinh tế. Rõ ràng xóa đói, giảm nghèo có mối quan hệ chặt chẽ với bất bình đẳng xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế. Để có thể làm hài hòa mối quan hệ này, Nhà nước có thể can thiệp vào lĩnh vực xã hội dưới hình thức đầu tư hàng loạt vào việc xóa đói nghèo và bất bình đẳng.
Từ đây, chúng ta hiểu rằng bức tường ngăn cách giữa giàu và nghèo là vấn nạn chung của các nước tăng trưởng nhanh. Cuộc đấu tranh xóa đói, giảm nghèo để giảm trừ bất bình đẳng không chỉ là một việc làm bình thường, mà còn là một nhu cầu đạo lý và cần phải được ưu tiên, được quan tâm. Thuyết Trung đạo của Phật giáo mang bản chất an sinh xã hội tinh thần; giải quyết rốt ráo mọi khủng hoảng nội tâm vốn là nguyên nhân mọi bất ổn xã hội. Bởi “Xã hội Phật giáo là một xã hội để phục vụ con người chứ không phải để bóc lột con người; một xã hội để giải phóng con người chứ không phải để ràng buộc con người…”[16] Trong trường hợp một xã hội tuân thủ thuyết Trung Đạo, các quan hệ xã hội mà phần lớn mang tính đối kháng cao độ như nghiệp chủ - làm thuê, lãnh đạo - nhân viên, giàu - nghèo, địa vị xã hội cao - thấp, sang – hèn … dần dần trở nên tùy thuộc lẫn nhau, cộng sinh nhau, không phân biệt nhau, dù không hết sự không phân biệt, đối đãi. Các quan hệ xã hội trở nên không bất cập, cũng không thái quá. Khi ấy, xã hội sẽ phát triển hài hòa, bền vững. Những bất công, bất bình đẳng, đói nghèo, xung đột và tệ nạn xã hội. Đó cũng là quá trình chuyển hóa từ lĩnh vực an sinh tinh thần xã hội sang lĩnh vực an sinh vật chất xã hội, thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
Trong bài Kinh Mangalasutta[17] giảng thuyết về Phật giáo và liên quan trực tiếp đến vấn đề xây dựng một xã hội hòa bình, ta thấy chân lý Phật luôn hướng đến tất cả mọi giới, và lời nói của ngài về một xây dựng xã hội bình đẳng nhằm vào việc dập tắt chiến tranh, ngăn cản bạo động, xóa bớt những bất công xã hội, đập vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các thế cấp, chống tham nhũng và thất thoát, xây dựng tự do và là nền an ninh xã hội chung cho toàn thể.
Vì vậy mà kinh Mangalasutta được xem “là hệ thống những lời dạy về đạo đức xã hội của Phật giáo, mở ra cho chúng ta một chiều kích khác trong không gian tương quan xã hội: hạnh phúc và thành công trong cuộc sống dựa vào chuẩn mực đạo đức của một cá nhân”[18]. Từ đây có thể thấy Phật giáo luôn thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò giáo dục đạo đức con người, đưa con người đến sự an lạc, hạnh phúc không chỉ đời này mà còn ở đời sau.
3. Phật giáo và sự nỗ lực giải quyết nghèo đói cho con người
Phật giáo với hạnh nguyện chuyển hóa để giải quyết khổ đau và mang lại sự an lạc cho con người, trong đó giải quyết khổ đau từ nghèo đói thiếu thốn luôn được cộng đồng, các tổ chức Phật giáo thực hiện theo tinh thần “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Chẳng hạn như Tổ chức Phật giáo Nhập thế Toàn cầu BGR - Buddhist Global Relief mỗi năm luôn thực hiện chương trình đi bộ gây quỹ xóa đói nghèo trong số các hoạt động của mình. Những năm gần đây do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 nên tổ chức Phật giáo này đang triển khai chuỗi sự kiện trực tuyến với mong muốn thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng có thể “giúp cộng đồng nhận thức đầy đủ hơn về nạn đói toàn cầu cũng như duy trì sự thực hành Phật giáo của các thành viên trong thời gian khủng hoảng do dịch bệnh”[19].
“Đi bộ để nuôi sống người đói” nhằm kêu gọi Phật tử và người có sự thực hành Phật giáo khu vực Bắc Mỹ tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng hướng đến việc loại bỏ khổ đau về mặt xã hội, kinh tế của người dân trên thế giới. Đặc biệt, BGR cũng tài trợ nhiều dự án xoa dịu cộng đồng yếu thế hoặc bị ảnh hưởng, khó khăn tài chính trên thế giới. Kể từ năm 2010, nguồn quỹ tài trợ của BGR dành cho các dự án xóa đói giảm nghèo đều được huy động từ chương trình mang tên “Đi bộ để nuôi sống người đói” (Walk to Feed the Hungry).
Đức Phật từng tán thán việc cúng dường, trao tặng thực phẩm cho người khác và khẳng định rằng: Một người có tư lương tốt đẹp sẵn sàng chia sẻ phần ăn sau cùng của bản thân nếu như có người đang đói khát hiện diện trước mặt mình. Trong khi gần 1 tỷ người khắp nơi trên thế giới phải chiến đấu mỗi ngày chỉ để có cái ăn nên chúng ta phải cảm thấy sự cần thiết phải giúp đỡ họ tìm ra phương cách thoát nghèo đói và hướng đến đời sống đạo đức, có mục đích sống cao đẹp. Trên tinh thần này, các tổ chức Phật giáo trên các nước đã không ngừng trực tiếp cung cấp thực phẩm đến các vùng đói nghèo, thiếu dinh dưỡng; hỗ trợ phát triển phương thức quản lý, sản xuất thực phẩm bền vững, phù hợp với đặc trưng và truyền thống bản địa; thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái, phụ nữ về đói nghèo và suy dinh dưỡng; mang đến cơ hội khởi nghiệp, mưu sinh chính mạng để phụ nữ có thể giúp đỡ tự thân, gia đình và phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững.
Tổ chức BGR với khẩu hiệu: “Dù đang sinh sống nơi đâu, bạn đều có thể tham gia với chúng tôi, cùng hành động để đánh bại nạn đói và thiếu dinh dưỡng trên nền tảng lòng từ bi của người con Phật”[20]. Theo đó, các hoạt động online được thiết kế và vận hành thay thế cho chương trình đi bộ bị gián đoạn bởi dịch bệnh như: chia sẻ pháp thoại trực tuyến, thiền tập có hướng dẫn, tọa đàm xoay quanh chủ đề nghèo đói và tình trạng suy dinh dưỡng toàn cầu, giới thiệu và trình chiếu phim ngắn về các dự án nhân đạo xã hội của BGR.
Từ việc BGR chung nỗ lực xóa giảm đói nghèo với thế giới, trong đó có Việt Nam đã cho thấy sứ mệnh của người con Phật nói riêng và của cả nhân loại nói chung là xóa bỏ tình trạng thiếu ăn và suy dinh dưỡng ở các cộng đồng thuộc nhóm nghèo đói của thế giới. Luôn ghi nhớ lời dạy của Đức Phật rằng, “đói kém là loại bệnh tật nguy hại nhất” và “món quà thực phẩm là món quà của sự sống” sẽ giúp chúng ta nỗ lực đồng hành với các dự án thúc đẩy giảm thiểu đói nghèo, xoa dịu các cá nhân và cộng đồng chịu ảnh hưởng của đói nghèo khắp nơi trên thế giới.
C. Kết luận
Từ việc tìm hiểu vấn đề xóa đói giảm nghèo theo quan điểm Phật giáo ta có thể thấy rằng: Mặc dù lý tưởng cao nhất của người tu Phật là buông bỏ để giải thoát. Nhưng trên hành trình buông bỏ ấy ngoài trí tuệ còn có từ bi. Có trí tuệ để thấy không có gì bám víu, có từ bi để thấy không ai nằm ngoài niềm thương của chính mình. Do đó, đứng trước những đau khổ trong cảnh nghèo, đói của chúng sinh Phật giáo đã không ngừng nổ lực đem sự bình an bằng các giá trị vật chất lẫn tinh thần cho con người có hoàn cảnh thiếu thốn. Đem chân giá trị từ lời Phật dạy giải quyết khổ đau cho chúng sinh.
Nếu có con đường giúp nhân loại thoát khỏi cảnh nghèo, đói và phát triển nền kinh tế bền vững mà ít bị chướng ngại thì đó là con đường trung đạo của kinh tế học Phật giáo. Đây được xem như một cứu cánh nhân sinh, nhân quyền và nhân bản cho con người vậy.
Tác giả: Ni sinh Thích nữ Thánh Nhã (Đặng Huỳnh Mỹ Trang) ***TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN, 1991. ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN ấn hành, 1992. ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tp. HCM, 1999. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN ấn hành, 1992. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi bộ, tập 3, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN ấn hành, 1996. ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 4, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN ấn hành, 1996. Thích Tâm Đức, Kinh Tế Phật Giáo Một Giải Pháp Toàn Diện. Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a14616/kinh-te-phat-giao-mot-giai-phap-toan-dien Thích Giải Hiền, Kinh Tế Học Phật Giáo, Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a4309/kinh-te-hoc-phat-giao-thich-giai-hien. Quán Như Phan Quán Như Phan Văn Minh. Kinh tế Phật giáo, Nxb. Văn Hóa-Văn Nghệ, 2012. Trần Ngọc Ninh, Đức Phật giữa chúng ta, Lá Bối, 1972. Ngân hàng Thế giới, Thúc đẩy phát triển xã hội, đóng góp của Ngân hàng Thế giới vào Hội nghị thượng đỉnh xã hội, Washington, 1995. https://ncov.vnanet.vn. https://giacngo.vn.
CHÚ THÍCH [1] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Chương 4 pháp, phẩm Nghiệp Công đức, kinh Không nợ, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN, 1996, tr.682. [2] ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN, 1991, tr.541. [3] Sđd, tr.541. [4] ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Kinh Tập, Kinh Từ bi, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tp. HCM, 1999, tr.507. [5] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, Chương 6 pháp, phẩm Dhammika, Kinh Nghèo khổ, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.119. [6] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi bộ, tập 1, Chương 4 pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Không nợ, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.682. [7] ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, tập 1, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.478. [8] ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, tập 1, Kinh Cứu la đàn đầu, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN, 1991, tr.242. [9] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 3, chương 8 pháp, phẩm Gotami, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN, 1996, tr.662. [10] ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, 1991, tr.541. [11] ĐTKVN, Kinh Tiểu bộ, tập 1, Kinh Tập, Kinh Bại vong, HT. Thích Minh Châu (dịch), Nxb. TP. HCM, 1999, tr.496. [12] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 4, Chương 10 pháp, Phẩm Lớn, Kinh Những câu hỏi lớn, HT. Thích Minh Châu (dịch), VNCPHVN, 1996, tr.307. [13] Quán Như Phan Văn Minh. Kinh tế Phật giáo, Nxb. Văn Hóa-Văn Nghệ, 2012. [14] ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, tập 2, 27. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp. HCM, 1991, tr.387. [15] Ngân hàng Thế giới, Thúc đẩy phát triển xã hội, đóng góp của Ngân hàng Thế giới vào Hội nghị thượng đỉnh xã hội, Washington, 1995, tr.11. [16] Trần Ngọc Ninh, Đức Phật giữa chúng ta, Lá Bối, 1972. [17] ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Chương X. Phẩm Mười Bài Kệ 453. Chuyện Điềm Lành Lớn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp. HCM, 2002, tr.504. [18] Thích Tâm Đức, Kinh Tế Phật Giáo Một Giải Pháp Toàn Diện. Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a14616/kinh-te-phat-giao-mot-giai-phap-toan-dien [19] https://giacngo.vn/to-chuc-phat-giao-no-luc-xoa-doi-ngheo-trong-dich-benh-post53828.html [20] https://giacngo.vn/to-chuc-phat-giao-no-luc-xoa-doi-ngheo-trong-dich-benh-post53828.html
Bình luận (0)