Vừa rồi, cộng đồng mạng nóng lên bởi câu chuyện về chú chó bị dán mõm đến hoại tử. Giận vì loài người đã ra tay tàn độc với loài vật, vui vì chú chó sớm được cứu sống. Tưởng vậy là hết, nhưng chưa, câu chuyện lại kéo dài thêm bởi tranh luận: “Nên cứu chó hay cứu người”.
Nếu chỉ là chuyện về một chú chó, nó sẽ nhanh chóng kết thúc thôi. Nhưng nó dài hơn chuyện về một con chó, bởi nó đã trở thành chuyện của con người. Bàn về chó, thật ra chúng ta đang bàn về thái độ của chính chúng ta. Ở đây tôi không tranh luận thế nào là đúng, thế nào là sai, nên cứu chó hay nên cứu người, mà tôi chỉ xin chia sẻ một mẩu chuyện nhỏ để chúng ta cùng chiêm nghiệm.
Có một lần tôi giới thiệu một người bạn đến quy y Tam bảo, sư dặn “con cũng vào ngồi hỗ trợ bạn cùng làm lễ” nên tôi có mặt trong chánh điện lúc đó. Trước khi làm lễ, sư hỏi người bạn đó: “Ví dụ có một người bệnh sắp chết, chỉ có cách giết con cọp làm thuốc mới cứu được, ngoài ra không còn cách khác, vậy con chọn giết cọp cứu người hay không giết cọp cũng không cứu người?”.
Nếu là các bạn, các bạn trả lời thế nào?
Còn bạn tôi, sau một lúc trả lời không ổn, sư nói: “Con có thể giết cọp cứu người, nhưng liệu là khi khỏi bệnh, người đó sẽ là người tốt? Nếu khỏi bệnh người đó trở thành kẻ cướp của, giết người thì hy sinh một sanh mạng để cứu một sanh mạng có đáng không?”.
Mẩu chuyện này không phải mục đích là tranh luận đúng sai, nên cứu người hay cứu vật, mà là giải phóng chúng ta khỏi sự vướng chấp vào việc phải chọn lựa giữa người và vật. Bởi, vạn pháp tùy duyên.
Mẩu chuyện trên là một bài học thâm thúy, nhằm muốn phá chấp về cách nhìn. Vậy mà một số bạn trẻ đọc xong - chưa biết có giải chấp về cách nhìn được chưa - mà trước tiên đã thấy họ vướng chấp vào câu chữ rồi. Có người nói: “Nếu vì nghi kị cứu người đó rồi sẽ thành người tốt hay người xấu, suốt đời sẽ không giúp được ai cả”. Có người lại nói: “Thế thì hỏi làm gì vì biết câu trả lời nào cũng đúng và cũng sai”.
Hãy đọc kỹ, không ai bảo bạn đừng nên cứu người, hoặc là khi cứu người phải tự hỏi sau này họ thành người tốt hay xấu. Nếu gặp phải trường hợp như ví dụ trên, bạn vẫn có thể giết cọp cứu người, bởi quyền chọn lựa thuộc về bạn, không ai ép buộc, ngăn cấm bạn cả. Như vị sư kia chỉ nói rằng: “Con có thể…” và “nhưng liệu là…”.
Bài học rút ra từ mẩu chuyện chỉ có: phá chấp, lý nhân duyên, chúng sanh bình đẳng… chứ không đề ra phương án đúng hay phương án sai để lựa chọn. Đâu phải ta đang tranh luận “nên làm thế nào” mà bạn nọ lại than rằng “câu trả lời nào cũng đúng và cũng sai”. Mà là chúng ta đang cố gắng giải trừ sự phân biệt đúng sai được hình thành bởi sự chấp trước. Vấn đề ở đây là không nên ràng buộc mình vào quan điểm cứng nhắc.
Trở lại với cuộc tranh luận, một số người cho rằng xã hội còn quá nhiều người khổ, còn những trại mồ côi, viện dưỡng lão… sao chúng ta không giúp mà làm ầm lên vì mấy con chó. Lối nói này hơi có phần bảo thủ cực đoan, bởi những người đang quan tâm đến chú chó xấu số không có nghĩa là họ thờ ơ với các trại mồ côi hay viện dưỡng lão. Mà đơn giản, một chú chó đáng thương như thế xuất hiện trước mắt bạn, làm sao bạn có thể làm ngơ?
Bây giờ thử ví dụ, có một tên tội phạm giết hàng loạt người hiện đang bị cảnh sát truy nã và bắn trọng thương, hắn vào nhà bạn và nhờ bạn giúp ẩn náu, bạn có giúp không? Rõ ràng, không thể đặt quan điểm cứng nhắc là ta phải cứu chó hay cứu người. Mà, như trên đã nói, vạn pháp tùy duyên!
Nên tôi thắc mắc, tại sao cộng đồng mạng phải bỏ quá nhiều thời gian để bàn với nhau về việc chúng ta nên cứu vật hay cứu người. Bởi, một cách giải quyết hết sức đơn giản là khi bạn gặp sự bất hạnh nào mà mình có thể giúp, thì cứ giúp thôi, hà tất gì phải tranh luận là chó hay người?
Tác giả: Vĩnh Thông Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2016
Bình luận (0)