Xá lợi Phật là kết quả của quá trình huân tu Giới, Định, Tuệ rất khó đạt được, cho nên nó là ruộng phước tối thượng trên đời”. Luận Đại trí độ (quyển 59), nói: “Cúng dường xá lợi Phật, cho dù nhỏ như hạt cải, cũng được phước báo vô lượng vô biên”. Luận này cũng cho biết, xá lợi là kết quả tu tập sáu pháp ba-la-mật mà thành.

Xá lợi Phật trong các bản kinh

Trước đây người ta không tin là có xá lợi Phật. Mãi đến năm 1898, ông W.C. Peppé, người Pháp, tiến hành khảo cổ tại vùng Pīprāvā, phía Nam nước Népal, đã tìm thấy một cái hộp bằng đá khá lớn, trong đó có chứa hai chiếc bình bằng đá và vài dụng cụ bằng đá khác như tách trà…

Hai bình đá một lớn một nhỏ đều có chứa những viên xá lợi. Bình đá nhỏ dạng hình cầu, chia thành hai phần thượng hạ. Nửa phần trên có hình tay cầm, khắc niên đại của vua A-dục bằng văn tự Brahmī, và người ta đã đọc được nội dung của nó như sau: “Đây là xá lợi của Đức Phật. Phần xá lợi này do bộ tộc Śākya, nước Śrāvastī phụng thờ”.

Kết quả của việc khảo cổ này đã chứng minh những gì được ghi lại trong kinh Trường A-hàm và rải rác ở những kinh khác về việc phân chia xá lợi của Phật thành 8 phần cho 8 quốc gia cổ đại Ấn Độ sau khi Phật nhập Niết-bàn hoàn toàn là sự thật.

Xá lợi Phật được tôn trí tại Bảo tàng New Delhi (Ấn Độ)

Kinh Trường A-hàm (kinh Du hành) ghi: “Lúc đó dân Mạt-la nước Ba-bà nghe Phật diệt độ tại Song thọ, tự nghĩ: ‘Ta nên đến đó cầu lấy phần xá lợi về dựng tháp cúng dường tại trong nước’. Các người Mạt-la nước Ba-bà liền hạ lệnh đem bốn thứ binh là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, đi đến thành Câu-thi và cử sứ giả nói:

‘Chúng tôi nghe Đức Phật đã diệt độ tại đây. Phật cũng là thầy chúng tôi. Vì lòng kính mộ Ngài, chúng tôi đến xin phần xá lợi về nước dựng tháp cúng dường’.

Vua Câu-thi đáp:

‘Thật vậy, đúng như ngài nói. Nhưng vì Đức Thế Tôn đã giáng lâm và diệt độ tại đây. Nhân dân trong nước tôi tự lo cúng dường. Phiền các ngài từ xa đến cầu xá lợi. Nhưng điều đó hẳn là không được!’.

Đồng thời dân Bạt-ly nước Giá-la-phả, dân Câu-lị nước La-ma-gia, dân chúng dòng Bà-la-môn nước Tỳ-lưu-đề, dân chúng dòng họ Thích nước Ca-duy-la-vệ, dân chúng dòng Lệ-xa nước Tỳ-xá-ly, và vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, nghe Đức Như Lai diệt độ tại rừng Sa-la ở thành Câu-thi, đều tự nghĩ: ‘Ta nay nên đến đó chia phần xá lợi’.

Bấy giờ, Bà-la-môn Hương Tánh đứng ra hiểu dụ mọi người:

‘Chư hiền lãnh thụ giáo huấn của Phật đã lâu, miệng tụng pháp ngôn, tâm khoác nhân hóa, thường mong cho chúng sanh thảy được an lành, nay há lẽ vì giành xá lợi của Phật mà trở nên tàn hại nhau sao? Di thể Như Lai nếu muốn có lợi ích rộng rãi, thì xá lợi hiện tại nên chia ra nhiều phần’.

Chúng đều khen phải. Họ lại bàn nghị nên nhờ ai đủ sức chia giúp. Mọi người đều nói Bà-la-môn Hương Tánh là người nhân trí quân bình, có thể chia được. Các quốc vương bèn sai Hương Tánh:

‘Ngươi hãy vì chúng ta mà chia xá lợi làm 8 phần bằng nhau’.

Tiếp đó Hương Tánh lấy một bình dung lượng chừng một thạch, rồi chia đều xá lợi ra làm 8 phần, xong, ông nói với mọi người:

‘Các ngài bàn bạc cho tôi xin cái bình đó để dựng tháp thờ tại nhà riêng’.

Mọi người đều nói:

‘Trí tuệ thay. Như thế là thích hợp’. Và họ đồng ý cho.

Lúc đó, có người thôn Tất-bát cũng đến xin phần tro còn lại để dựng tháp cúng dường. Mọi người cũng bằng lòng.

Sau khi người nước Câu-thi được xá lợi liền dựng tháp cúng dường. Các nước Ba-bà, Giá-la, La-ma-già, Tỳ-lưu-đề, Ca-duy-la-vệ, Tỳ-xá-ly, Ma-kiệt sau khi được xá lợi đều đem về nước dựng tháp cúng dường. Bà-la-môn Hương Tánh đem cái bình dùng chia xá lợi về nhà dựng tháp cúng dường. Dân chúng thôn Tất-bát đem phần tro còn lại về dựng tháp cúng dường.

Như vậy, xá lợi Phật được chia thờ ở 8 tháp, tháp thứ 9 là cái bình, tháp thứ 10 là tháp tro và tháp thứ 11 là tháp tóc, thờ tóc Phật khi còn tại thế”.

Như vậy, theo ghi chép trong kinh, xá lợi Phật được chia thành 8 phần cho 8 quốc gia dựng tháp phụng thờ, và thực tế đến thời đại A-dục thống nhất Ấn Độ, vua khai quật tháp xá lợi ở nước La-ma-già (Rāmagāma) và 7 nước kia, lấy xá lợi phân chia thành 84.000 phần để trong 84.000 bảo tráp (cái hộp nhỏ), rồi kiến lập 84.000 bảo tháp để phụng thờ khắp nơi.

Xá lợi (舍利), Phạn śarīra, nguyên nghĩa là tử thi, di cốt, xương cốt còn lại sau khi chết, còn gọi là thật-lợi (實利), thiết-lợi-la (設利羅), thất-lợi-la (室利羅), tất cả đều chỉ cho xương cốt còn lại sau khi thiêu. Thông thường, khi chỉ cho di cốt của Phật, gọi là Phật cốt (佛骨), Phật xá lợi (佛舍利). Sau này, tất cả chư vị cao tăng viên tịch, sau khi thiêu, tro cốt còn lại đều được gọi là xá lợi.

Theo kinh Kim quang minh (quyển 4, phẩm Xả thân): “Xá lợi là kết quả của quá trình huân tu Giới, Định, Tuệ rất khó đạt được, cho nên nó là ruộng phước tối thượng trên đời”.

Luận Đại trí độ (quyển 59), nói: “Cúng dường xá lợi Phật, cho dù nhỏ như hạt cải, cũng được phước báo vô lượng vô biên”. Luận này cũng cho biết, xá lợi là kết quả tu tập sáu pháp ba-la-mật mà thành.

Trường A-hàm (quyển 4, kinh Du hành); Bồ-tát xử thai kinh (quyển 3, phẩm Thường, vô thường), Pháp hoa kinh (phẩm Đề-bà-đạt-đa) v.v… đều ghi nhận có hai loại xá lợi là toàn thân xá lợi (xá lợi nguyên vẹn thân thể) và toái thân xá lợi (xá lợi sau khi thiêu).

Như vậy, chư vị Thánh tăng, những người đã đạt được giải thoát đều có xá lợi. Tuy nhiên, việc lưu lại xá lợi tùy theo hạnh nguyện của mỗi người mà có vị lưu lại toàn thân xá lợi (như Phật Đa Bảo, Lục tổ Huệ Năng, Thiền sư Vũ Khắc Minh…), có người lưu lại toái thân xá lợi (Như Phật Thích-ca lưu lại xá lợi xương cốt, Cưu-ma-la-thập lưu lại xá lợi lưỡi, Hòa thượng Thích Quảng Đức lưu lại xá lợi quả tim…), thậm chí có vị không lưu lại xá lợi.

Sự linh nghiệm của xá lợi Phật

Xá lợi là kết của quá trình tu chứng. Nó vừa là giá trị của sự tu học, vừa là bằng chứng chứng minh cho giáo pháp của Đức Phật thật sự đưa đến kết quả giác ngộ giải thoát.

Kinh Công đức tắm Phật phân xá lợi làm hai loại:

1. Sanh thân xá lợi, còn gọi là thân cốt xá lợi, tức là di cốt của Phật và các Thánh tăng, gồm toàn thân xá lợi và toái thân xá lợi.

2. Pháp thân xá lợi, còn gọi là pháp tụng xá lợi, tức là giáo pháp, giới luật do Phật giảng dạy. Loại xá lợi này hiển thị sau khi Phật diệt độ, bởi người Phật tử nhận thức rằng, giáo pháp và giới luật do Phật giảng dạy tồn tại mãi ở đời làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sanh, nó không khác gì Đức Phật còn tại thế, không khác gì thân cốt xá lợi, nên gọi giáo và giới luật là pháp tụng xá lợi, hay gọi tắt là pháp xá lợi. Đây mới là xá lợi đích thực!

Về xá lợi của Phật Thích-ca, căn cứ Đại sử (Mahāvaṃsa), chương XVII, ghi: Con trai của vua A-dục là thái tử Ma-hin-da (Mahinda) sau khi xuất gia đã đến Tích Lan hoằng pháp. Vua Tích Lan bấy giờ là Thiên Ái Đế Tu (Devānaṃpiya-tissa) nhiệt liệt hoan nghênh và đích thân hướng về quốc vương A-dục để thỉnh cầu xá lợi răng Phật bằng nghi thức trang nghiêm nhất của quốc gia mình.

Trong Truyện Cao tăng Pháp Hiển cũng có ghi, vua của nước Sư Tử (Tích Lan) cầu được xá lợi răng Phật. Đại Đường Tây Vực ký (quyển 11), cũng ghi chép tương tự rằng, trong vương cung của Tích Lan có tinh xá tôn thờ xá lợi răng Phật.

Truyện Cao tăng Pháp Hiển còn cho biết trong đô phủ Hê-la (Hiḍḍa) của nước Na-yết-la-hạt (Nagarahāra) có tinh xá thờ xá lợi đảnh cốt của Phật, cho nên đô phủ này còn có tên là ‘Phật đảnh cốt thành’ (Thành thờ cốt đỉnh đầu của Phật).

Truyện Cao tăng nhà Đường đi Tây Vực cầu pháp (quyển thượng, mục Huyền Chiếu), cũng có ghi rằng: Huyền Chiếu từng đến nước Ca-tất-thí (Kapiśa) để lễ bái xá lợi đỉnh đầu của Như Lai.

Đại Đường Tây Vực ký (quyển 20), chép rằng: Lúc Huyền Trang về nước có thỉnh về 150 viên xá lợi nhục thân của Như Lai.

Truyện Cao tăng đời nhà Tống (quyển 1), cũng có ghi rằng: Lúc Nghĩa Tịnh về nước có đem về 300 viên xá lợi.

Người đời sau cho rằng xá lợi có hình dạng như những hạt đậu, rất cứng và hơi trơn láng, phần nhiều được an trí trong những tháp nhỏ để cúng dường. Đại bộ phận quần chúng phật tử đều tin rằng sau khi làm lễ trà tỳ di thể của đức Phật, người ta thu được rất nhiều những viên xá lợi như thế, và rất cứng chắc, cứng đến nỗi dùng búa đập vẫn không vỡ, nhưng nếu lấy xá lợi đệ tử của Phật để cắt thì phân chia được!

Tuy nhiên, trong những thế kỷ gần đây, tại Ấn Độ, các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện ra được một phần trong tám phần xá lợi của đức Phật và nhận ra rằng hình dạng của xá lợi cũng giống như xương cốt của người bình thường sau khi hỏa táng, chứ không phải là hình hạt đậu mà cũng không phải cứng chắc như người ta tưởng!

Sự linh nghiệm của xá lợi Phật xưa nay xảy ra rất nhiều. Chuyện do thành tâm cầu nguyện mà cảm được xá lợi Phật cũng có ghi chép rất nhiều.

Theo cuốn Truyện Cao tăng (quyển 1), mục ghi chép chuyện cao tăng người Việt Nam là Khương Tăng Hội, có kể rằng: Vào lúc bấy giờ vua nước Ngô là Tôn Quyền vốn không tin Phật giáo, nên đã từng triệu Khương Tăng Hội vào cung để hỏi xem Phật giáo có sự linh nghiệm gì?

Tăng Hội nói nội trong vòng ba tuần sẽ cầu được xá lợi, có hào quang năm màu chiếu diệu vô cùng. Quả nhiên sau hai mươi mốt ngày Khương Tăng Hội cầu được xá lợi, Tôn Quyền sai lực sĩ dùng chày đá đập xá lợi, kỳ lạ thay chày đá vỡ tan mà xá lợi không mảy may hao tổn, Tôn Quyền khi ấy mới tin Tam bảo.

Sự kiện cầu xá lợi có cảm ứng như vậy đều thấy ghi chép trong Tam bảo cảm thông lục, Quảng hoằng minh tập, Pháp uyển châu lâm…

Tuy nhiên, căn cứ vào khảo cổ học và những điều được ghi chép trong kinh A-hàm thì Đức Phật Thích Ca đã để lại xá lợi mà ngày nay chúng ta có thể trông thấy tôn trí trong Bảo tàng quốc gia Ấn Độ, nó trông như xương cốt của người bình thường sau khi thiêu còn lại, chứ không phải có những hình thù như chúng ta trông thấy trong các cuộc triển lãm và cho thỉnh xá lợi tràn lan gần đây.

Do đó, thay vì chạy theo những giá trị hư ảo và phong trào, chúng ta hãy quay về nương tựa pháp thân xá lợi, tức là giáo pháp và giới luật của Phật để lại, nhằm nỗ lực hành trì nhằm chuyển hóa khổ đau mới là hành động học Phật, tu Phật thiết thực nhất.

Thích Nguyên Hùng Nguồn: Báo Giác Ngộ

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhung-huyen-thoai-ve-ngoc-xa-loi.html