Những cơn mưa xuân rơi rả rích, từng cơn gió nhẹ thổi làm cành lá khẽ xao động... Dường như vạn vật đang được nạp một luồng sinh khí mới, tâm tình ai ai cũng cảm thấy phấn khởi và hoan hỷ đón mừng mùa xuân an lạc, hạnh phúc, cát tường như ý. Người ta thường nói hương xuân làm con người lạc quan yêu đời, cũng là thời gian để chúng ta tu tâm dưỡng tính, dành cho mình một khoảng lặng bình yên cho tâm hồn, sau một năm dài vất vả ngược xuôi với biết bao nỗi lo làm hao gầy đôi vai, mệt mỏi tâm trí.

Nhưng phải chăng chỉ đến khi cảm nhận được thời khắc mùa xuân đang tới, chúng ta mới bắt đầu sống chậm và quán xét lại bản thân?

Tôi có cơ duyên được ghé thăm nhiều đạo tràng tu tập, đặc biệt gần đây nhất là Tu viện Chơn Như. Điều làm tôi ấn tượng không chỉ là không khí an nhiên, trang nghiêm nơi đây mà còn là lời chia sẻ chân thành của cô phật tử khi tôi hỏi: “Cô ơi, mùa xuân này ở tu viện chắc đông phật tử tham dự và tổ chức rộn ràng lắm cô nhỉ?”. “Không đâu con ơi, mọi người đều chú tâm tu tập, chẳng màng đến thời gian và cảnh vật xung quanh. Ở tu viện, giữ tâm mình bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì lúc nào cũng là Tết hết, xuân lúc nào cũng ngập tràn phải không con?”.

Lời đáp của cô nhẹ nhàng như ánh nắng sớm mai nhưng đã dạy tôi một bài học đầy ý nghĩa: Tết chẳng ở đâu xa, xuân cũng chẳng ở đâu xa, mà ở ngay nơi tâm của chính chúng ta mà thôi. Giây phút khi chúng ta xả bỏ được những cảm xúc tiêu cực, những độc tố tham - sân - si, phiền muộn chính là lúc chúng ta tìm lại và phát huy những phẩm tính thuần hậu nhất của tâm.

“Ngay trong việc làm mà biết xả tâm là an vui trong việc làm, đó là giải thoát.

Ngay trong hoàn cảnh, bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch mà biết xả tâm, mà biết sống thuận đạo lý nhân quả không làm khổ mình, khổ người thì đó là giải thoát.

Ngay trong gia đình, sống chung với mọi người thân mà biết xả tâm, tức là biết nhẫn nhục, tùy thuận, vui lòng; biết tha thứ, biết thương yêu và hòa hợp với nhau thì đó là giải thoát.

Ngay trong bệnh khổ mà biết xả tâm, tức là biết giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì ngay đó bệnh khổ sẽ chấm dứt, đó là giải thoát”.

Khi chúng ta không còn lo nghĩ ưu buồn, an nhiên vô vi, tâm rỗng như hư không thì lúc này mọi khái niệm về thời gian hay không gian đều trở nên vô nghĩa. Bởi dù có là Tết hay một ngày bình thường thì những phẩm tính tốt đẹp của tâm hồn vẫn luôn được lưu giữ trong chúng ta. Khi ấy, đối với chúng ta lúc nào cũng là mùa xuân ngập tràn.

Bởi vậy, chúng ta hãy mở rộng lòng mình để cảm thông, chia sẻ đến mọi người, mọi vật và tìm thấy ý nghĩa đời sống đích thực. Một đời sống không phải nhìn bằng cái tâm rối loạn, phân tán mà bằng cái tâm trong sáng, an lạc nhất. Tâm thức rộng mở, thanh thản, bình yên và đầy ắp niềm an vui, hạnh phúc.

Giờ đây, một mùa xuân nữa lại về, nhưng đó cũng chỉ là một mùa xuân “bình thường”, theo tiến trình thời gian như những mùa xuân khác. Có khác chăng là xuân Mậu Tuất thay vì xuân Đinh Dậu, có khác chăng là mỗi năm chúng ta lại già thêm một tuổi, mỗi năm qua đi lại khiến dấu vết thời gian về nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhân tình thế thái hằn sâu thêm nơi gương mặt.

Nhưng nếu chúng ta biết tỉnh thức để lắng nghe những phẩm chất tốt đẹp đang biểu hiện từ trong lòng ra thành những tiết điệu của văn hóa và văn minh, nhận diện được nó từ sự hướng dẫn, học hỏi của người khác rồi tự mình giữ gìn, nuôi dưỡng tâm an lạc trong suốt cuộc đời, thì chúng ta sẽ biết được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Và vì ý nghĩa tích cực đó mà chúng ta đang có mặt, hiện hữu ở giữa chốn nhân gian này.

Chúng ta sẽ sống một mùa xuân vĩnh cửu, một mùa xuân “không nở không tàn, không bao giờ tận”, tất cả không gian và thời gian đều là xuân; chúng ta sẽ biến toàn bộ đời sống thành một mùa xuân, mỗi khoảnh khắc là một mùa xuân… Khi ấy, những người con Phật ai ai cũng đạt được mong ước vô lượng an lạc, vạn sự cát tường, phật sự hanh thông, Phật đạo viên thành và đạt được mùa xuân viên mãn, như những lời chúc đầy đạo vị mỗi khi xuân về.

Hoa yêu thương nở trước thềm Xuân đem hạnh phúc khắp miền nhân gian

Tâm an tức xuân ngập tràn…

Tác giả: Tuệ Minh

Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 3/2018