Do cuộc mưu sinh, tôi đi nhiều... Đây đó, gặp bao mảnh đời lay động hồn và có lần tôi viết trong thư gửi chị biên tập viên một nhật báo hàng đầu trên thành phố, nhắc lại câu đã nghe - đọc đâu đó, như tâm niệm “tôi đã khóc khi không có giày để mang, nhưng rồi tôi thôi khóc khi nhìn thấy những người không còn chân để mang giày”.
Có những phận đời không còn chân để mang giày, theo nghĩa đen và nhất là theo nghĩa hàm ẩn, bóng.
Xứ sở phát triển cao ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Úc hay Hàn, Tân Tây Lan..., thặng dư kinh tế, ngân khố dồi dào, ngân khoản cho phúc lợi xã hội cao, người già được chăm sóc tốt cả về tinh thần lẫn vật chất, ở mức có thể khiến dân trong nước mình khó tin. Thêm nữa, người cao tuổi được sống trong môi trường xã hội vững về nhiều phương diện, cả sinh thái - an ninh - hạ tầng - ý thức cộng đồng...
Tôi biết và thân cụ X, một công dân Thụy Điển, thường về sống với thân nhân ở Tắc Vân, Cà Mau. Cụ và bạn đời đều già, không còn lao động, hưởng trợ cấp của chính phủ, vậy mà đủ chi dùng và thậm chí đều đặn bay về Việt Nam chia sẻ cuộc sống nhiệt đới ở quê hương - mỗi lần 6 tháng! Đời sống của cụ và gia đình hạnh phúc, ấm êm theo mọi tiêu chí.
Cụ Y ở gần nhà, phường 1 thị xã Giá Rai, Bạc Liêu, định cư bên Mỹ không được như thế dù tuổi thấp hơn. Hai ông bà, theo cách nói dân dã miệt này, hưu bổng thấp hơn, thỉnh thoảng mới về Việt Nam và rất vui san sẻ với bà con, khá an lành. Tuổi già các cụ thật khiến người ngoài bớt lo. Và, những ví dụ như thế khá nhiều, quỹ an sinh cao và chăm sóc y tế, xã hội tốt, do nhà nước và cộng đồng cùng góp phần. Đời sống người già là một khía cạnh trong các chiến dịch tranh cử bên ấy và ưu tiên của chính phủ, nó phản ánh trình độ phát triển kinh tế xã hội.
Nước ta còn nghèo, đời sống chung cho dù có thay đổi, nhưng cũng không nhiều lắm. Chính sách an sinh xã hội còn mỏng manh, ý thức cộng đồng, tiềm lực tài chính quốc gia cũng khiêm tốn. Những đối tượng dễ tổn thương như người thất nghiệp, trẻ em, phụ nữ, người già.... cơ bản tự bươn chải duy trì cuộc sống khó khăn, hỗ trợ từ cộng đồng và nhà nước rất tượng trưng, như người ta thường nói “tinh thần là chính”. Nói riêng, người già ở ta còn rất khổ.
Ở ấp Mỹ Tường i, xã Hưng Phú, Hồng Dân, Bạc Liêu, tôi từng biết cụ B (nay đã mất), trải qua những năm tháng cuối đời trong lao khổ cùng cực dù sống bên con cháu cật ruột. Trên một chiếc chõng tre cũ và ẩm thấp, ở mái tranh rách như cảnh chị Dậu trong văn học, cụ nằm qua tháng ngày le lói, với chồng tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trên đầu giường. Con trai là thương binh chiến trường K, mất chân; đến bữa cô con dâu hay cháu mang đến tô cơm hẩm, khi có, khi không! Không thăm viếng, không thuốc thang, cụ vướng lao phổi rồi ra đi... Mỗi lần nghe ai nói đến nhà văn Hồ Biểu Chánh là tôi nghĩ ngay đến cụ.
Trường hợp ấy rơi vào gia cảnh nghèo, đã đành. Ngay cạnh nhà tôi, ông C có gia sản lớn, con cháu thành đạt vậy mà tuổi già rơi vào hiu quạnh, bệnh hoạn lăn lóc một mình trong gian nhà khóa cổng im ỉm vì dâu con giáo chức đến giờ lại lên xe đến cửa công làm việc. Cứ nhác thấy bóng ai ngang qua có vẻ quen quen ông lại hét lớn gọi chỉ để nói mấy câu! Trường hợp này người già không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình dù có điều kiện tốt. Ngoài nguyên nhân do ngân sách và chính sách, còn nguyên nhân xã hội và đạo đức.
Tương tự trường hợp trên, nhưng là một cụ bà T bên kia sông có con cháu là viên chức giáo dục có vị trí, nhà kinh doanh tấp nập người, vậy mà đơn độc hiu hắt cắm cúi bò lên mố cầu, hay vệ đường... làm cỏ cho khuây! Nhác thấy ai quen cụ cũng mừng rỡ gọi và nắm níu khôn thôi, tội.
Cũng ở quê tôi, giữa dòng xe cộ ngược xuôi ken dày, hình ảnh ông già mài dao cúi mình kéo đồ nghề giữa nắng nóng hay mưa rào thật chạnh lòng. Cụ không xin ai bao giờ, thi thoảng có việc - do người ta mủi lòng là chính vì dao kéo bây giờ rất rẻ - mài được cây dao hay búa, kéo, cụ làm việc chu đáo tận lực, nghiêm túc. Tôi khâm phục ý chí sống và sức mạnh đạo đức nơi người mài dao đơn độc này, hình ảnh cổ xúy sự thiện lương như một bài ca.
Giống vậy, ở cầu Đức Tắc Vân, Cà Mau không ai đi chợ nhà lồng lại không biết cụ bà bán chổi ráng có mặt không bỏ bữa nào trước ngõ vào chợ. Cụ tự làm chổi bằng ráng, một loại thực vật quen thuộc ở miền này. Những bó chổi đẹp, khéo theo cách lao động nghiêm cản không khác cách ông lão mài dao, được mua nhưng chẳng mấy khi hết hàng vì đa phần các chị các bà đi chợ trắc ẩn khéo léo mua rồi... tráo lại trả cụ! Đẹp. Cụ bà có hạnh phúc mọn cuối đời trong sự san sẻ của làng xóm, đồng bào.
Ở ta, số người già hưởng hưu bổng nhà nước đủ sống do có đủ tuổi phục vụ nhà nước không chiếm số đông, đa phần người già phải dựa vào gia đình. Nếp sống, gia đạo, kinh tế hộ... quyết định hạnh phúc muộn của các cụ. Trường hợp gia đình nghèo hay không ổn về đạo đức, các cụ phải dựa vào tình cộng đồng, như đã nói, trợ cấp cho người cao tuổi vẫn tượng trưng và đối tượng được vào các trung tâm bảo trợ xã hội không nhiều và cuộc sống trong ấy cũng không hẳn ấm êm. Bài toán tuổi già được giải có khi ở các cơ sở tôn giáo hay cơ sở từ thiện do tôn giáo quản lý, âu đấy cũng là một lối ra.
Trong khi chờ đợi kinh tế xã hội phát triển cao gánh vác an sinh xã hội nói chung và hưu bổng cho người già nói riêng như ở các quốc gia phát triển, ở ta có lẽ phải cậy đến sức mạnh đạo đức, tình luân lý, văn hóa cộng đồng và... may mắn với các cụ! Ông cha ta từ rất lâu đã đúc kết “kính lão đắc thọ” như một nhắc nhớ đạo đức truyền thống!
Bài toán cho người cao tuổi quả là không dễ, nhọc nặng, bạn ạ!
Viết mà nặng lòng...
Tác giả: Nguyễn Thành Công Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2017
Bình luận (0)