Tập tục cho trẻ chọn đồ trong lẽ thôi nôi vô cùng quan trọng như thế, thiết nghĩ các bậc cha mẹ nên chú ý đến khi làm lễ thôi nôi cho con mình. Tránh tình trạng tổ chức ăn uống, tiệc tùng vô nghĩa trong lễ thôi nôi hiện nay ở nước ta.

ĐĐ.Thích Trúc Thái Tường Phó Trưởng Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Thanh Hoá Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023

Thôi nôi là một tập tục phổ biến ở các nước Á đông, như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... ngoài những nghi lễ cúng tuỳ theo phong tục bản địa, một nghi thức quan trọng trong lễ thôi nôi là cho đứa trẻ lựa chọn những đồ vật được người lớn sắp sẵn. Thông qua sự lựa chọn đó, chúng ta có thể đoán được tính cách và năng lực sau này của đứa trẻ. Tuy nhiên hiện nay, lễ thôi nôi ở Việt Nam mất dần đi nghi lễ quan trọng này bởi lẽ chưa có cái nhìn thấu đáo về việc đó. Nếu nhìn theo quan điểm Duy thức học, thì tập tục lựa chọn của trẻ trong lễ thôi nôi mang ý nghĩa vô cùng quan trọng để người lớn có thể phán đoán tính cách cũng như năng lực của đứa trẻ thông qua học thuyết chủng tử của Duy thức, từ đó có thể nuôi dạy và định hướng tốt cho đứa trẻ sau này.

Việc đoán định tính cách và năng lực của đứa trẻ liên quan đến học thuyết tái sinh của Phật giáo. Trong truyền thống giáo lý nguyên thuỷ thì thuyết tái sinh thể hiện qua học thuyết Nghiệp.

Nghiệp là kết quả của những hành động từ kiếp trước và có năng lực dẫn dắt tái sinh kiếp sau, chính nghiệp đóng vai trò gạch nối giữa kiếp trước và kiếp sau của con người. Tuy vậy nếu nhìn vào học thuyết nghiệp thì hình như chúng ta chưa hình dung rõ ràng nó kết nối bằng cách nào? Chính điều này mà các nhà Duy thức đã đưa ra khái niệm mới để giải thích rõ ràng hơn, đó là khái niệm A-lại-da thức.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Tap Tuc Thoi Noi Theo Goc Nhin Duy Thuc Hoc 1

Quả thật, vấn đề tái sinh hay tương tự như vậy được đề cập đến trong các truyền thống triết học tôn giáo trước đó mà vấn đề căn bản là họ thừa nhận có một linh hồn bất biến thường hằng (ātman), chính linh hồn này đi đầu thai kiếp khác. Phật giáo không chấp thuận thuyết như vậy. Trong giai đoạn đầu, khái niệm nghiệp (karma) giải thích như là điểm nối kết của quá trình tái sinh, tuy vậy chúng ta cũng có thể dễ dàng nhầm lẫn nó là một ngã hay linh hồn trong khi chủ trương của Phật giáo là vô ngã (anātman). Phật giáo thời kì đầu giải thích cho việc nhớ lại những kí ức là do đối tượng nhận thức của năm giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thuộc bên ngoài được truyền thông tin qua các căn, sau đó đối tượng này biến mất. Quá trình nhận thức được lặp đi lặp lại nhiều lần, ấn tượng được ghi nhận càng lúc càng đậm cho đến khi trở thành tập quán nhận thức. Mỗi khi nhớ lại, đối tượng này không tử bên ngoài chuyển vào như trước mà được truy lục từ ký ức đã được lưu trữ thành ấn tượng tập quán. Như vậy, ký ức được truy lục không phải là đối tượng bên ngoài, nhưng có đặc điểm giống với đối tượng ấy và gây ảo giác cả hai là một. Ví dụ khi nhìn thấy một trái cam, những đặc điểm như hình dáng, kích thức, màu sắc, vị... được đưa vào ký ức liên tục. Khi nhớ lại trái cam, hình ảnh trái cam được truy xuất cũng giống hình ảnh thật trái cam trước kia. Những ấn tượng được lưu giữ trong ký ức được các nhà Duy thức gọi là tập khí (vāsanā) có công năng lưu giữ sinh ra kết quả trong tương lai và quá trình mã hoá thông tin để lưu trữ được gọi là huân tập (bhāvanā).

Tập khí còn có một tên gọi khác hình tượng hơn đó là hạt giống (bīja), và được mô tả như là công năng tồn tại trong hạt giống để qua quá trình xử lý khi hạt giống huỷ hoại, công năng ấy sẽ hình thành kết quả và được lưu trữ lại trong A-lại- da thức.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Tap Tuc Thoi Noi Theo Goc Nhin Duy Thuc Hoc 2

Theo Duy thức học, học thuyết chủng tử chủng tử giúp chúng ta hiểu rõ hơn vai trò của nó trong việc hình thành thói quen và nhân cách của đời sống kế tiếp. Chủng từ là những hạt giống (có thể gọi là một dạng năng lượng) được chứa trong kho tàng của A-lai- da. Các chủng tử này luôn được bảo tồn, không bị mất đi (tính bảo tồn). Nhưng khi có sự tác động thì chủng tử của quá khứ cũng bị ảnh hưởng do tác động của kiếp hiện tại và làm thay đổi tính chất của nó (tính thay đổi). Do có sự tác động thay đổi như vậy, chính nó có thể trở thành chủng tử mới (tiếp thu).

Từ học thuyết thức A-lại-da và chủng tử, ta có thể dễ dàng giải thích được rằng những việc làm trong quá kiếp quá khứ đã gieo những hạt giống vào kho tàng thức. Những hạt giống trội, đặc biệt khi chín sẽ quyết định thói quen và tính cách của con người trong đời sống kế tiếp. Trường hợp thần đồng của các lĩnh vực được giải thích rõ ràng nếu hiểu được các học thuyết này.

Trở lại vấn đề tập tục chọn đồ cho trẻ em lễ thôi nôi. Các em bé mới 12 tháng tuổi chắc chắn chưa có sự suy nghĩ tính toán nào để lựa chọn, nên khi đặt các đồ vật cho đứa bé trong lễ thôi nôi, việc chọn một vật nào đó có thể phần nào thể hiện thói quen trong quá khứ. Nếu đứa trẻ chọ cuốn kinh, xâu chuỗi hay một số đồ vật biểu tượng tâm linh, có thể biết được rằng đứa bé ấy có thói quen tu tập về tâm linh từ quá khứ, nếu đứa trẻ chọn những đồ vật liên quan đến ngành nghề nào đó như cây bút, tai nghe bác sỹ... chúng ta cũng có thể hiểu được một phần về tính chất nghề nghiệp quá khứ của nó. Mục đích của việc này không phải hiểu ra do số mạng đã định, mà chỉ là phát hiện ban đầu để định hướng giáo dục đúng vào những thế mạnh (chủng tử trội) của nó khiến cho đứa bé kia được phát triển toàn diện hơn. Và tìm cách giáo dục phù hợp nếu phát hiện đứa trẻ có nhiều chủng tử không tốt trong đời sống quá khứ bằng cách huân tập thói quen tốt trong đời sống hiện tại để thay đổi một phần hay toàn phần hạt giống cũ đi, chuyển hoá nghiệp cũ để có nghiệp mới thăng hoa hơn.

Vấn đề phát hiện chủng tử cũ quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là chú trọng đến vấn đề giáo dục mà trong Duy thức gọi là Tân huân. Xông ướp những thói quen mới bằng hình thức giáo dục, học tập, thực hành để hoàn thiện bản thân.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 5.2023 Tap Tuc Thoi Noi Theo Goc Nhin Duy Thuc Hoc 3

Phật giáo Tây Tạng cũng có nghi thức xác định hậu thân của những cao tăng đã qua đời. Bằng những nghi thức tâm linh, bước đầu họ xác định được vị trí của vị tái sinh. Nhưng vẫn có một nghi thức quan trọng để khẳng định lại đó là cho đứa bé đó lựa chọn những đồ vật, trong đó có những đồ vật thường dùng của vị cao tăng đã mất, nếu đứa bé đó lựa chọn đúng, thì có thể khẳng định được đó là hậu thân. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là theo truyền thống giáo dục của Tây Tạng, khi xác định được hậu thân rồi thì đứa bé đó được áp dụng một chương trình giáo dục, huấn luyên đặc biệt, khó khăn hơn những đứa bé thông thường để mong muốn đứa bé đó trở thành nhân vật xuất chúng như đời trước của nó. Và dĩ nhiên, nếu xác định đúng hậu thân thì đứa trẻ đó có thể tiếp thu được chương trình giáo dục đặc biệt đó, vì những chủng tử quá khứ tạo duyên cho quá trình học tập kiếp này.

Việc giáo dục đồng thời để phát triển những chủng tử quá khứ cũng như huân tập mới những thói quen, kỹ năng tốt trong hiện tại đã sinh ra những vị cao tăng trong Phật giáo mà truyền thống Tây Tạng đã cống hiến cho Phật giáo thế giới hiện nay. Đây là hướng đi mà chúng ta có thể học tập trong vấn đề giáo dục trẻ. Bởi không ít những thần đồng được phát hiện nhưng do việc đào tạo không đồng bộ giữa việc phát huy thói quen cũ và học hỏi những điều mới trong đời sống hiện tại, khiến cho các em sau này trở nên lập dị, có vấn đề về nhận thức trong đồi sống hiện tại nên có khi tài năng bị quên lãng.

Tập tục cho trẻ chọn đồ trong lẽ thôi nôi vô cùng quan trọng như thế, thiết nghĩ các bậc cha mẹ nên chú ý đến khi làm lễ thôi nôi cho con mình. Tránh tình trạng tổ chức ăn uống, tiệc tùng vô nghĩa trong lễ thôi nôi hiện nay ở nước ta.

ĐĐ.Thích Trúc Thái Tường Phó Trưởng Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Thanh Hoá Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2023 ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Tuệ Sỹ dịch chú (2019)¸ Thành duy thức luận, NXB. Hồng Đức, Hà Nội. 2. Tuệ Sỹ (2021), Tổng quan về nghiệp, Ban Báo chí và xuất bản Hội đồng Hoằng pháp.